Cách nuôi tôm càng xanh toàn đực bằng công nghệ cao

Ở An Giang, mô hình nuôi tôm chủ yếu là nuôi tôm trên ruộng luân canh với cây lúa, tập trung ở các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và TP. Long Xuyên. Nơi có diện tích nuôi TCX nhiều nhất là xã Phú Thuận (Thoại Sơn) với diện tích 240,4 héc-ta và xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú) 57,05 héc-ta, sản lượng tôm sản xuất 333 tấn/năm.

Cách nuôi tôm càng xanh toàn đực bằng công nghệ cao - nuoi tom cang xanh 1462851507 jpeg

Đây là vùng nuôi tôm đã được quy hoạch của tỉnh An Giang, điều kiện nguồn nước, khí hậu rất thuận lợi phát triển mô hình nuôi TCX luân canh với cây lúa ứng dụng công nghệ (ƯDCNC).

Cao điểm của phong trào nuôi tôm trong ruộng lúa mùa lũ của tỉnh An Giang là năm 2007, với diện tích thả nuôi lên đến 650 héc-ta. 5 năm trở lại đây, diện tích nuôi TCX sụt giảm đáng kể. Năm 2015, chỉ còn 346,23 héc-ta tôm. Nguyên nhân do con giống không đạt chất lượng, năng suất thấp, môi trường nước bị ô nhiễm, giá cả bấp bênh nên nông dân nuôi không có lãi. Từ năm 2013, Trung tâm Giống thủy sản (TTGTS) An Giang đã triển khai Chương trình phát triển thủy sản ƯDCNC. Trung tâm đã sản xuất thành công giống TCX toàn đực theo công nghệ cao của Israel, cung cấp giống cho nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh và các tỉnh lân cận khu vực ĐBSCL. Năm 2015, trung tâm đã sản xuất được 14 triệu con tôm post. TCX toàn đực Israel tỷ lệ sống trên 80%, cao hơn nhiều giống tôm trước đây. Tôm phát triển rất đồng đều, ít bệnh, nuôi từ 4-6 tháng là thu hoạch. Năng suất bình quân từ 1,4 -1,5 tấn/héc-ta, thấp nhất cũng 1,2 tấn/héc-ta.

TTGTS An Giang triển khai thực hiện gói hỗ trợ tài chính – kỹ thuật – thị trư ờng giai đoạn 2015 – 2016, sản xuất ít nhất 15 triệu con post/năm, đủ cung cấp cho vùng nguyên liệu 100 héc-ta, đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho ít nhất 20 héc-ta vùng nguyên liệu nuôi tôm cành xanh ƯDCNC. Trung tâm đã thực hiện 6 héc-ta mô hình ƯDCNC thí điểm từ tháng 6-2015, đã thu hoạch đạt năng suất 1,2 – 1,3 tấn/héc-ta (tăng 30% so năm 2014). Trung tâm đã thực hiện đánh giá và cấp giấy chứng quy phạm VietGap cho 6 hộ nuôi TCX, diện tích 16 héc-ta tại xã Phú Thuận. Đến cuối tháng 4-2016, vùng nuôi tôm của xã Phú Thuận đã thả giống 37 héc-ta, trong đó 15,5 héc-ta thả giống tôm toàn đực và ƯDCNC.

Hiệu quả kinh tế

Nuôi TCX toàn đực là chương trình ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích nuôi. Ông Văng Công Hữu (xã Phú Thuận) thả nuôi thử nghiệm TCX toàn đực trên diện tích 5 héc-ta. Sau 6 tháng nuôi, tôm cho năng suất trung bình 1,4 tấn/héc-ta, trừ chi phí đầu tư (từ 120 – 130 triệu đồng/héc-ta), ông Hữu lãi từ 70 – 80 triệu đồng/héc-ta. Ông Trần Văn Săn thả nuôi 35.000m2, mật độ thả 6 con/m2, số lượng giống thả nuôi là 200.000 con, sau 6 tháng nuôi lãi 35 triệu đồng.

TTGTS An Giang phối hợp Trường đại học Cần Thơ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học tăng kích cỡ tôm nuôi thương phẩm và tăng hiệu quả kinh tế, triển khai tổng cộng 5 mô hình đều có tỷ lệ sống trên 50%, tỷ suất lợi nhuận đạt cao hơn 90%, kích cỡ tôm thu hoạch hơn 65 gram/con chiếm 80%, tỷ lệ sống trung bình từ 60 – 73%, lợi nhuận đạt 85 – 160 triệu/héc-ta và tỷ suất lợi nhuận đạt trên 100%. Dự kiến, sẽ tổ chức nhân rộng mô hình tại các vùng quy hoạch nuôi tôm ƯDCNC giai đoạn 2017-2018.

Định hướng phát triển

An Giang quy hoạch vùng nuôi tôm chuyên canh ƯDCNC, phát huy lợi thế tiềm năng của tỉnh, phù hợp với khả năng tiêu thụ TCX trên thị trường trong và ngoài nước. Cùng với ổn định diện tích nuôi tôm trên ruộng luân canh với cây lúa đồng, sẽ phát triển thêm mô hình nuôi tôm trong ao đất, ứng dụng quy trình nuôi tôm thương phẩm đảm bảo an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; gắn kết với doanh nghiệp chế biến thủy sản theo các hình thức chuỗi liên kết như nuôi liên kết hoặc hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Các ngành chuyên môn của tỉnh sẽ nghiên cứu làm chủ quy trình công nghệ sản xuất giống TCX toàn đực để chủ động sản xuất cung ứng ổn định và bền vững cho nhu cầu phát triển nuôi TCX của tỉnh An Giang. Đến năm 2020, có khoảng 300 héc-ta nuôi TCX ƯDCNC, tập trung ở huyện Thoại Sơn (250 héc-ta) và Châu Phú (50 héc-ta). Đồng thời, phát huy ưu thế về nguồn giống TCX toàn đực của tỉnh, tập trung đầu tư mở rộng nâng cấp trại giống, cải thiện quy trình sản xuất phát triển thành trung tâm sản xuất giống TCX toàn đực cấp vùng để cung cấp tôm giống cho nhu cầu nuôi thương phẩm của An Giang và các tỉnh ĐBSCL.

Nguồn: 2lua.vn

Thảo luận cho bài: Cách nuôi tôm càng xanh toàn đực bằng công nghệ cao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *