Bệnh tụ huyết trùng vẫn đe dọa và tiềm ẩn ở khắp các địa phương, gây thiệt hại và tổn thất lớn cho nghề nuôi lợn thịt.
Tác nhân, phạm vi
Bệnh do vi khuẩn gram âm, Pasteurella multocida có dạng cầu trực trùng gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào lợn sẽ gây chứng tụ huyết, xuất huyết ở những vùng đặc biệt trên cơ thể và sau cùng là xâm nhập vào máu gây bại huyết toàn thân. Bệnh tụ huyết trùng là bệnh truyền nhiễm có thể phát bệnh rải rác hoặc thành dịch tại các địa phương. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi trong vòng đời của lợn, phổ biến nhất là lợn trong thời kỳ vỗ béo 3 – 6 tháng tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, khi điều kiện thời tiết thay đổi đặc biệt là vào vụ đông xuân khi độ ẩm cao, mưa phùn gió bấc, chuồng trại ẩm thấp…
Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập, lây lan theo đường tiêu hóa là chính, ngoài ra còn qua hô hấp (nhất là hô hấp trên). Sự xâm nhập càng dễ dàng hơn là khi niêm mạc bị tổn thương. Bệnh lan truyền trực tiếp từ con mang mầm bệnh sang con khỏe, qua đường thức ăn, nước uống, chuồng trại vệ sinh kém…
Bệnh thường kết hợp thêm các bệnh trên đường hô hấp khác như viêm phổi, viêm teo mũi truyền nhiễm.
Dịch bệnh gây tổn thất lớn cho người nuôi – Ảnh: Thanh Ngân
Triệu chứng, bệnh tích
Thời gian ủ bệnh có thể trong 1 – 14 ngày, thông thường không quá 2 ngày. Khi bị bệnh lợn có thể biểu hiện ở 3 dạng sau:
Thể quá cấp: Phát ra ở thời kỳ đầu của ổ dịch. Trước khi phát bệnh lợn khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường, sau đó, đột ngột, lợn sốt cao, trên 410C, bỏ ăn; sau vài giờ lợn bị kích thích thần kinh, chạy lung tung; vùng bụng, tai, bẹn bị tím tái; vùng hầu, mặt bị phù, viêm họng, chết sau 1 – 2 ngày xuất huyết. Tỷ lệ lợn bị mắc bệnh ở thể quá cấp không nhiều.
Thể cấp tính: Sốt cao, ho, ấm vùng ngực, xuất hiện nhiều vệt tím trên da, vùng hầu, niêm mạc tím tái, chảy nước mũi có lẫn máu. Khi mổ thấy xuất huyết niêm mạc, các cơ quan phổi gan. Vùng cổ ngực bị phù dưới da, bao tim và vùng xoang bụng tích đầy nước. Lợn chết sau 3 – 4 ngày xuất huyết.
Khi phẫu thuật thấy viêm phổi thùy lớn, phổi có nhiều vùng bị gan hóa, trên da có những vết bầm đỏ sẫm ở ngực, chân, bụng. Viêm bao tim tích nước có khi xuất huyết. Hạch sưng to, tụ máu, ruột và dạ dày bị viêm, thận tụ máu.
Thể mãn tính: Đây là thể thường gặp, lợn sốt cao 40 – 410C. Thể này thường kế tiếp sau thể cấp tính. Lợn có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, thở nhanh, khò khè, gầy yếu, ho từng hồi, kéo dài, ho nhiều khi vận động, mũi khô hoặc có dịch mũi đặc, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy hoặc táo bón). Khớp xương bị viêm, sưng nóng, đau, nhất là khớp đầu gối, da đỏ ửng từng mảng, bong vẩy. Những chỗ da mỏng như bụng, tai, dưới đùi, bẹn xuất hiện những đám xuất huyết đỏ. Khi phẫu thuật thấy màng phổi và màng hoành cách mô bị viêm dính. Màng phổi bị dính vào lồng ngực hoặc có những abcess (những chỗ bị sưng, viêm) phổi. Hạch bạch huyết bị bã đậu, có mủ. Khí quản và phế quản tụ máu, xuất huyết.
Phòng bệnh
Khi lợn ngoài 1 tháng tuổi có thể tiến hành tiêm vaccin phòng bệnh tụ huyết trùng hoặc vaccin phòng bệnh trùng đóng dấu. Đây là phương pháp phòng bệnh hiệu quả và đơn giản nhất.
Tiến hành phòng bệnh tổng hợp bằng các công tác vệ sinh thú y. Bổ sung một số vitamin vào thức ăn, đặc biệt vào những khi thời tiết giao mùa để tăng cường sức đề kháng tự nhiên.
Tăng cường vệ sinh chuồng trại định kỳ sát trùng chuồng bằng vôi bột hoặc một số thuốc PIVIDINE hoặc ANTIVIRUS-FBM…
Trị bệnh
Dùng một trong số các sản phẩm có chứa kháng sinh trị bệnh vi khuẩn gram âm như: Tetra-colovit với liều lượng 2 g/lít nước uống, dùng trong 3 – 5 ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại kháng sinh như Streptomycin, Colistin với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bác sỹ thú y.
Trong khi điều trị bắng thuốc kháng sinh kết hợp với B-complex C, liều lượng 5 g/kg thức ăn để tăng cường sức đề kháng, mau phục hồi sức khỏe. Trong thời gian điều trị bệnh, tiến hành sát trùng trang trại 1 – 2 lần bằng vôi, hoặc một số thuốc PIVIDINE, ANTIVIRUS-FBM.
Nguồn: sưu tầm