Nội dung chính
Mít có rất nhiều giống. Mã trái và phẩm chất khác biệt nhau rất xa. Kích thước chênh lệch, có giống trái chỉ 300g – 400g, có giống trái nặng vài chục ký.
Cây mít nghệ là loại trái cây có phẩm chất ngon được nhiều người ưa chuộng. Đây là giống mít thích hợp để ăn tươi và làm nguyên liệu cho công nghệ sấy chân không.
Mít Nghệ là giống cây ăn trái nhiệt đới lâu năm, được tuyển chọn. Đặc tính năng suất cao, chất lượng ngon: Trái to, dáng đẹp, cơm vàng và dẻ thịt, hạt bé, thơm và ngọt. Cây giống cung cấp cho phong trào cải tạo vườn tạp, lập vườn mới, phát triển trang trại, hay thay thế cây rừng để phát triển vườn rừng.
1. Nguồn gốc:
Mít (tiếng Malay: nangka; tiếng Tagalog: langka; tiếng Bồ Đào Nha: katahar; tiếng Bhojpuri: Jaca) là loài thực vật và quả của nó, mọc phổ biến ở Đông Nam Á và Brasil. Nó là cây thuộc họ Dâu tằm Moraceae, và được cho là có nguồn gốc ở Ấn Độ và Bangladesh. Quả mít là loại quả quốc gia của Bangladesh. Tên gọi khoa học khác của nó là Artocarpus integrifolia.
2. Những đặc tính chủ yếu:
Cây mít thuộc loại cây gỗ nhỡ cao từ 8 đến 15 m. Cây mít ra quả sau ba năm tuổi và quả của nó là loại quả phức, ăn được lớn nhất có giá trị thương mại, hình bầu dục kích thước (30-60) cm x (20-30) cm. Mít ra quả vào khoảng giữa mùa xuân và chín vào giữa và cuối mùa hè (tháng 7-8). Nó là một loại quả ngọt, có thể mua được ở Mỹ và châu Âu trong các cửa hàng bán các sản phẩm ngoại quốc. Sản phẩm được bán trong dạng đóng hộp với xi rô đường hay có thể mua ở dạng quả tươi ở các chợ châu Á. Các lát mỏng và ngọt cũng được sản xuất từ nó. Mít cũng được sử dụng trong ẩm thực của khu vực Đông Nam Á, trong các món ăn của người Việt Nam và Indonesia.
Gỗ của cây mít thuộc gỗ nhóm IV, đôi khi được sử dụng để sản xuất các dụng cụ âm nhạc như các loại mộc cầm, là một phần của gamelan ở Indonesia (một thể loại dàn nhạc bao gồm chiêng, cồng, trống, các loại nhạc cụ bằng các thanh kim loại hay gỗ).
3. Các giống và vùng trồng:
Cây mít được trồng phổ biến ở các vùng nông thôn. Mít có nhiều loại như mít mật, mít dai, mít tố nữ (đặc sản của miền Nam) v.v, ngoài giá trị dinh dưỡng trong ẩm thực như nói trên, nhiều bộ phận của cây mít còn là vị thuốc.
Lá mít có địa vị đặc biệt dùng để lót oản cúng Phật. Gỗ mít cũng là loại gỗ được chuộng để tạc tượng thờ trong các đền chùa vì thớ gỗ mịn, dễ khắc nhưng nặng và chắc.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Nhà ngói cây mít” để tả cảnh nhà nông sung-túc.
4. Giá trị dinh dưỡng và ý nghĩa kinh tế:
Mít là cây ăn quả được trồng phổ biến trên khắp nước ta. Là cây che phủ đất chống sói mòn, gỗ mít sử dụng nhiều trong gia đình. Do mít có bộ rễ khỏe nên là loại cây chịu hạn ở vùng đồi.
Quả mít non để làm rau, quả mít chín để ăn tươi, sấy khô để dành, làm rượu mùi, kẹo mứt.
Hạt mít có nhiều bột có thể làm lương thực, nấu rượu.
Trong 100 g phần ăn được (múi mít) cho 50 kcal, 0,6 g protein,11,4 g gluxit, 59 μg vitamin A, 5 mg vitamin C.
5. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh:
Thời vụ trồng tốt nhất là vụ xuân và vụ thu.
Cây con khi đánh đem trồng không được đứt rễ cái, trồng nông lấp đất trên cổ rễ 1 cm. Dùng kéo cắt 1/3 số lá ở phía dưới để giảm thoát hơi nước.
Trong 3 -4 năm đầu khi mít còn nhỏ có thể trồng xen các loại đậu, vừng, lạc cách xa gốc 1 m.
Nguồn: khoahocchonhanong.com.vn