Cây Thần Kỳ

Cây Thần Kỳ, một loại cây có nguồn gốc từ Châu Phi. Nhưng nó lại đang là một loại cây kiểng được ưa chuộng ở nhiều nơi của Việt Nam. Không những thế, quả thần kỳ đang có sức hút lớn đối với người tiêu dùng khi thay đổi được vị giác.

Cây Thần Kỳ - jpg19

Để đưa cây thần kỳ về nước và đưa được đến với khách hàng, có một người đàn ông đã phải mất 10 năm ròng. Quá trình 10 năm ấy là cả sự đam mê, kiên trì, học hỏi không ngừng nghỉ của ông Nguyễn Minh, ở xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, Tp Hồ Chí Minh.

Điều kỳ lạ của cây thần kỳ

Khi đến thăm vườn cây của ông Minh, chúng tôi được ăn thử trái cây thần kỳ do ông Minh trồng. Chúng có màu đỏ, hình dáng hơi giống hạt đỗ nhưng to hơn. Trái cây này có vị hơi chua, ngậy, rất ngon. Nhưng điều làm chúng tôi thấy ngạc nhiên đó là sau khi ăn trái cây thần kỳ, bóc trái quất ra ăn mà lại có vị ngọt.

Ông Minh giải thích thêm cho chúng tôi: “Sau khi dùng nó rồi thì dùng tất cả những loại trái cây có vị chua đều thấy nó ngọt. Mùi vị của các loại trái cây vẫn còn nguyên nhưng cái hay là các vị trái cây chuyển từ chua thành ngọt. Nếu muốn mất đi thì ta uống một ngụm trà.”

                               Cây Thần Kỳ - jpg20 500x375

                                                        Trái cây thần kỳ có thể biến vị chua thành ngọt

Cây thần kỳ vốn là giống cây của Châu Phi. Đặc điểm đặc biệt của trái cây này đó là làm thay đổi vị giác của người ăn. Tất cả những đồ ăn được ăn sau trái thần kỳ sẽ biến thành vị ngọt. Các nhà nghiên cứu khoa học ở nước ngoài cho rằng loại cây này có thể biến thành một vị thuốc dành cho những người bị tiểu đường, béo phì.

10 năm về trước, quyết định đưa cây thần kỳ từ Châu Phi về nước để nhân và ghép giống, ông Minh không chỉ đơn thuần vì tò mò mà theo ông, cây thần kỳ sẽ có chỗ đứng ở thị trường Việt Nam như một loại dinh dưỡng thay thế cho đường.

Sau khi mà mình dùng mình thấy được nó biến đổi vị giác, mình nghĩ nó có thể thay thế đường vì trong xu thế hiện nay nhiều người thích ăn đường”- Ông Minh nói.

Không những thế, cây thần kỳ có quả nhìn đẹp mắt và có hoa rất thơm, nên ông Minh nghĩ rằng loại cây này có thể sẽ trở thành một loại cây kiểng được nhiều người ưa thích.

Đưa cây thần kỳ về Việt Nam có là sai lầm?

Tuy nhiên, cây thần kỳ có xuất xứ ở một châu lục khác. Liệu nó có thích hợp với khí hậu ở Việt Nam? Liệu có nguy hiểm khi mang về một cây ngoại lai mới về nước hay không?

Bằng kinh nghiệm sống của mình, ông Minh tin chắc rằng cây thần kỳ thích hợp với khí hậu ở quê nhà. Ông Minh chia sẻ: “Mình sống ở nhiệt đới mình đến chỗ đó thấy khí hậu nó phù hợp với mình rồi nên mình nghĩ nó là phù hợp. Cây này nó sống ở  chỗ đó, mình đến đó thấy khí hậu nó phù hợp với mình rồi nên mình mới đem về đây trồng thử.”

 

Lúc mang về nước, ông Minh cũng chưa thể nghĩ là cây thần kỳ có là cây ngoại lai xâm lấn hệ sinh thái ở trong nước hay không. Tuy nhiên, hiện nay, theo một số nhà khoa học ở Việt Nam thì cây thần kỳ không làm hại hệ thực vật bản địa, bởi vì cây thần kỳ có năng lực sinh thái không lớn và khả năng phát tán có nó thấp.

Về vấn đề khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái đã được an tâm, tuy nhiên để trồng, nhân giống và đặc biệt có thể đưa cây thần kỳ đến với khách hàng thì liệu ông Minh có thành công không?

Thấy ông Minh mang về một giống cây lạ và có ý định làm giàu từ nó, người thân trong gia đình ông rất lo ngại. Nhưng bất chấp sự lo lắng của mọi người, ông Minh vẫn quyết định lao vào trồng loại cây lạ này.

Mất 6 tháng  trồng và chăm sóc, 10 hạt giống đầu tiên đã  lên cây. Tuy nhiên, cây vừa lên được, thì bị kiến ăn gần hết. Ông Minh nhớ lại: “Khi nó nảy mầm thì kiến nó rất mê, cho nên lên nảy mầm như thế này mà mình không có gì để bảo quản thì kiến sẽ cắn. Tôi thấy nó không ổn mới dùng thuốc rắc xung quanh để kiến nó không cắn. Từ đó sau này khi mà ươm nó mình phải kỹ  lưỡng hơn cái khâu côn trùng.”

Lo sợ kiến ăn mất giống, ông Minh bỏ công ngày đêm canh giữ. Cuối cùng, chúng cũng đậu quả. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất của ông là không ai biết đến giống cây lạ này, không ai dám ăn loại quả lạ này.

Cây thần kỳ đã tạo được điều thần kỳ

Trong suốt nhiều năm, ông Minh cứ âm thầm nuôi cây chăm trái để chờ dịp quảng bá giống cây mới. Và đến Festival Hoa Đà Lạt 2007,  ông quyết định tung ra thị trường 50 -60 ngàn trái mời du khách dùng thử.

Lần đầu tiên có một loại cây có khả năng biến chua thành ngọt nên nhận được đông đảo sự quan tâm của mọi người.

Khi được hỏi vì sao ông có niềm tin chắc chắn rằng sau Festival đó, khách hàng sẽ mua trái và cây thần kỳ của mình, ông Minh chia sẻ: “Tất nhiên phải có niềm tin chứ, mình nghĩ nó phải có triển vọng gì đó mới làm nó, mà người Việt Nam chúng ta có tính rất là hiếu kỳ, cái gì là lạ thì họ tìm đến, tìm đến họ nếm thử và đã nếm thử thì họ sẽ chỉ cho nhau.”

Và niềm tin của ông đã đúng. Số khách hàng tìm đến ông để mua cây thần kỳ càng ngày càng nhiều. Với cây giống, ông bán đa dạng theo từng độ tuổi trồng, tương ứng giá từ 10 ngàn đồng đến gần 1 triệu đồng, thậm chí có cây lên tới 10 triệu đồng. Còn với trái cây, ông bán lẻ với giá 10-15 ngàn đồng/ 1 trái.

Hiện nay, với trại giống cây thần kỳ rộng hơn 2ha, mỗi năm ông Minh thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc bán trái và bán cây giống.

Cho đến nay, đến với khách hàng, cây thần kỳ được dùng như một loại cây kiểng mới nhiều hơn là để lấy trái ăn như dự tính ban đầu của ông. Tuy nhiên, ông Minh vẫn tin rằng trong tương lai, cây thần kỳ sẽ có một vị trí quan trọng không chỉ đối với đời sống tinh thần mà còn đối với cả sức khỏe của cộng đồng.

Châu Dư

 

Thảo luận cho bài: Cây Thần Kỳ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *