Nội dung chính
Đặc điểm chung của các cây trong họ Cactaceae là có thân mọng nước, đặc trưng của thực vật ở sa mạc, thân của chúng rất phát triển và có kích thước, kiểu dáng rất khác nhau (đặc trưng riêng của từng giống).
Lá của các cây thuộc họ Cactaceae bị tiêu biến trở thành vảy nhỏ hoặc biến đổi thành các gai trên thân.
– Cây xương rồng có nguồn gốc từ vùng sa mạc nên có đặc tính ưa sáng và không yêu cầu nhiều nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Nhìn chung cây xương rồng yêu cầu điều kiện khô hạn cả về phương diện đất và không khí, có tính chống chịu cao với điều kiện khô hạn vì bản thân chúng đã hình thành hàng loạt các cơ chế bảo vệ khi bị khô hạn trong thời gian dài.
1 Về thân cây
– Xương rồng có thân mập, căng bóng mọng nước, vì bên trong chứa rất nhiều nước gọi là mủ. Có giống chứa chất mủ màu trắng đục như sữa (có hại cho mắt) như Opuntia Dillenii, có giống chứa chất nước trong như Barrel Cactus (có thể tạm dùng giải khác được).
– Thân cây xương rồng rất đa dạng: hình trụ (thường gọi là độc trụ hoặc mộc trụ), hình cầu và dẹp. Đa số giống là hình trụ và hình cầu, số ít giống là hình dẹp, như cây Lưỡi Long (gốc dẹp, thân dẹp và hình như những chiếc lá dày). Hoặc loại xương rồng tai thở… Thân cây xương rồng , tùy giống mà có loại cao, thấp, to, nhỏ khác nhau. Thân có khía hoặc có múi. Có giống ít khía như giống ta dùng làm hàng rào (chỉ có 3 khía), nhưng cũng có giống đến 25 khía (Ferocactus wedzenii). Giống không có khía thì có múi. Múi là những nốt sần lớn tựa như vỏ trái thơm mà đa số các giống xương rồng đều có hình dạng này.
a) Lông:
Đa số giống xương rồng có thân trơn láng, nhưng cũng có một số giống thân có lớp lông mịn phủ đầy, như Cephalocerus. Có giống trên ngọn được phủ chụp lớp lông dày trắng xóa, gọi là bạch đầu Ông, giống Borzicactus…
b) Gai:
Nói đến xương rồng là phải nói đến gai. Đa số xương rồng đều có gai nhọn, và là gai chùm. Nhiều giống xương rồng có nhiều gai cứng mọc tua tủa, nhưng cũng có giống gai nhỏ và mềm dịu. Gai xương rồng thường màu đen, nhưng cũng có giống gai màu vàng. Gai xương rồng là biến thế của lá kèm, đây là đặc tính của đa số giống cây mọc ở vùng sa mạc quanh năm nóng cháy. Và nhờ vào tiết diện gai quá nhỏ đó nên xương rồng không bị thoát nước nhanh như các giống cây kiểng có nhiều lá khác:
– Xương rồng Euphorbia có nhiều gai, vừa dài vừa to, lại nhọn và cứng (giống này vốn màu xanh, nhưng ngày nay đã lai tạo ra được giống mới có màu đỏ sẫm rất đẹp).
– Xương rồng Echinocactus Grusonii thân có nhiều gai chằng chịt bao kín khắp thân cây.
– Xương rồng Cephalocerus có lông rất cứng nhưng ít và nhỏ, lông giấu mình trong những nùi lông tơ trắng rất êm dịu….
2 Về lá
Khi nói đến xương rồng ai cũng nghĩ nó trơ trụi, không lá. Thế nhưng thực tế cũng có một số ít giống xương rồng có lá. Có giống lá nhỏ, có giống lá to, nhưng đa số lá đều có cuống ngắn và bản dày vì bên trong mọng nước:
– Xương rồng Aeonium Holochrysum xuất xứ ở vùng Bắc Phi có nhiều lớp lá xếp khít nhau thành vòng tròn đồng tâm, trông như những cánh hoa hồng đang xòe nở.
– Giống Aeonium Haworthii thì có lá to và dày hơn.
– Xương rồng Pleiospilos xuất xứ ở vùng Nam Phi có lá hình mắt cao vừa dài vừa rộng bản.
– Một số giống xương rồng khác, trong đó có giống Euphorbia có lá nhỏ xuất hiện ở phần ngọn, và từ cạnh mép của cành.
3 Về rễ
– Do đa số cây xương rồng chỉ có thân đơn độc, trơ trụi, nhưng trong thân lúc nào cũng chứa nhiều nước (mủ), lại không bị thoát nước nhanh như những giống cây có lá khác, nên nó không cần có bộ rễ hoàn chỉnh để hút được nhiều nước nuôi cây.
– Xương rồng không có rễ cái (rễ trụ) mà chỉ có chùm rễ con lưa thưa. Chùm rễ con có nhiệm vụ giữ cho thân cây mọc đứng thăng bằng, không bị ngã đổ, và hút chất bổ dưỡng trong đất để nuôi cây.
– Mặc dầu có bộ rễ yếu, nhưng cây xương rồng lại có sức sống khỏe, dẻo dai, khi bị nhổ lên trồng lại cây vẫn sống mạnh, khó chết, hoặc biểu hiện mất sức của cây không thể hiện rõ trong những ngày đầu. Do bộ rễ yếu nên khi trồng xương rồng làm hàng rào ta nên dùng cây chống để phòng ngã đổ, nhất là trong mùa mưa bão…
4 Về hoa
– Xương rồng trổ hoa quanh năm, điều này đã thu hút mạnh sự đam mê của người trồng nó. Số lượng hoa mỗi lần trổ có thể là một hoặc nhiều hơn. Tùy từng giống mà hoa đậu trên cây ít hay nhiều: có giống chỉ nở một ngày rồi tàn, nhưng cũng có giống hoa khoe sắc trên cây 2-4 ngày mới héo. Màu sắc của hoa xương rồng cũng rất đa dạng, gồm có màu trắng, đỏ son, tím nhạt, vàng xanh, vàng cam. Đó là chưa nói đến nhiều sắc hoa có chấm điểm trông thật đẹp mắt. Chẳng hạn:
+ Hoa màu trắng với nhiều chấm đỏ tía điểm xuyết rất lạ mắt, có giống Turbicarpus, xuất xứ tại Mexico.
+ Hoa màu đỏ tía, màu trắng, màu vàng, có giống Tricodiadema, xuất xứ tại các vùng Nam Phi và Ethiopia.
+ Hoa màu vàng và đỏ sậm có các giống Thelocactus (xuất xứ tại Mexico), và giống xương rồng ở vùng Texas là Homalocephala.
+ Hoa màu trắng có nhiều giống, như giống Setiechinopsis, xuất xứ tại Argentina. Ở vùng Mexico và Trung Mỹ có giống Selenicereus, và tại Peru có giống Sereus Peruvianus.
+ Hoa màu đỏ hoặc đỏ tối có giống Schlumbergers, xuất xứ tại Brazil và vùng phụ cận.
+ Hoa màu vàng cam có giống Pleiospilos Canus, xuất xứ tại Nam Phi.
+ Hoa màu vàng pha với một chút dỏ tía có giống Notocactus, xuất xứ tại Argentina và Paraguay.
+ Cánh hoa màu vàng tái một cách thầm kín có giống Neobesseys, xuất xứ tâi Texas.
+ Hoa màu đỏ phớt vàng, đỏ và tía có giống Lobivia, xuất xứ tại Peru và Bolivia.
+ Hoa màu vàng cam có giống Lapidaria, xuất xứ tại Nam Phi.
+ Hoa màu tím đỏ có giống Echinocereus Viridiflorus, xuất xứ tại Mexico.
+ Hoa màu Hồng ngọc có giống Echinocactus, xuất xứ từ vùng Texas đến Mexico.
– Vị trí trỗ hoa trên cây thay đổi theo từng giống khác nhau, thông thường hoa mọc ra từ kẻ múi, nếu thân có dạng múi. Ngược lại, nếu thân dạng khía thì hoa mọc ra ở cạnh gai (gai mọc ở mép khía). Ngay chồi con cũng vậy, thân dạng múi nảy ra từ kẻ múi, còn thân dạng khía thì chồi con nảy ra ở cạnh gai. Cũng có giống xương rồng hoa mọc thành từng cụm ở nách lá, như các giống Euphorbia Milii, Euphorbia Liguralia….Có giống hoa mọc trên sẹo của lá như xương rồng Euphorbia Antiquorum….
5 Về trái
– Xương rồng có trái hình cầu bên trong không chia thành ngăn hoặc múi, chứa nhiều hạt. Thời gian từ lúc xương rồng trổ hoa cho đến khi trái chí nh ngắn (1 tháng) hoặc dài (3 tháng) thay đổi tùy từng giống. Với những giống quí hiếm, nhà vườn thường dùng hạt làm giống. Với giống mới, đa số nhà vườn thường có thói quen nhập hạt giống hoặc nhập cây con về trồng để khai thác nhanh hơn.
– Trái xương rồng chứa rất nhiều hạt. Cây còn nhỏ thường cho trái nhỏ, những cây trưởng thành cho trái to hơn. Trong trái nhỏ chứa khỏang vài chục hạt, còn trái lớn chứa 500 hạt trở lên. Kích thước hạt rất nhỏ. Tùy giống, khi trái chín già tự động tách hết vỏ để hạt bên trong bắn hết ra ngoài. Nhưng cũng có giống khi chín trái cứ bám chặt trên cây, nếu không được hái thì chờ đến lúc vỏ trái bị mục hạt mới phân tán ra ngoài. Hạt vừa chín có thể đem gieo ngay và tỷ lệ nảy mầm rất cao.
Nguồn: Agriviet.com.