Công dụng của quả quýt

Quả hình cầu hơi dẹt, màu vàng da cam hay đỏ, vỏ mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm; hạt xanh.Hoa tháng 3-4, quả tháng 10-12.

Công dụng của quả quýt - cay quyt va cong dung 500x333

Tên thường gọi: Quýt, Quýt Xiêm
Tên khoa học: Citrus reticulata Blanco. (C. nobilis Lour var. deliciosa Swingle. C. deliciosa Tenore), thuộc họ Cam – Rutaceae.
Tên tiếng anh: Tangerine/Mandarin

1. MÔ TẢ:

Cây gỗ nhỏ có dáng chắc và đều, thân và cành có gai. Lá đơn, mọc so le; phiến lá hình ngọn giáo hẹp có khớp, trên cuống lá có viền mép. Hoa nhỏ, màu trắng, ở nách lá. Quả hình cầu hơi dẹt, màu vàng da cam hay đỏ, vỏ mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm; hạt xanh.Hoa tháng 3-4, quả tháng 10-12.

Nơi sống và thu hái: Gốc ở Ấn Ðộ và Trung Quốc, được trồng khắp nơi để lấy quả, nhiều nhất là ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên, Nam Hà, Hà Bắc, Bắc Thái. Thu hái quả chín, bóc lấy vỏ phơi khô làm Trần bì (Pericarpium Citri Reticulatae), Trần bì để càng lâu càng tốt; để lấy vỏ quả ngoài gọt hết lớp vỏ trong; quả còn xanh bóc lấy vỏ phơi khô dùng làm Thanhh bì (Pericupium Citri Reticulatae Viride). Hạt Quýt lấy ở quả chín phơi khô làm Quất hạch (Semen Citri Reticulatae).

2. THÀNH PHẦN HOÁ HỌC:

Trong vỏ có 2 loại dầu, loại dầu cam 0,50% và loại dầu cam rụng 0,50%. Thành phần chính trong dầu là d và dl-limonen 78,5%, d và dl-limonene 2,5% tương ứng với 2 loại dầu và linalool 15,4%. Còn có một ít citrale, các aldehyd nonylic và decylic và chừng 1% methyl anthranylat methyl.Dịch của quả chứa đường và acid amin tự do, acid citric, vitamin C, caroten. Lá cũng chứa 0,5% tinh dầu. Hạt cũng có tinh dầu.

3. CÔNG DỤNG:

– Ăn tươi, làm đồ hộp, làm mứt, nước giải khát, làm rượu …

– Một số giống quýt ngọt rất thích hợp cho trẻ sơ sinh, người già yếu, người bị bệnh dạ dày, bệnh đường ruột.

– Vỏ quýt có tác dụng kiện vị (khoẻ dạ dày), long đờm, trị ho, lợi tiểu, chữa ợ hơi, đau thượng vị, phòng xuất huyết, điều trị huyết áp cao, nhồi máu cơ tim, chướng bụng, rối loại tiêu hoá, kém ăn, buồn nôn.

4. TÍNH VỊ, TÁC DỤNG:

– Hoa: kích thích

– Quả Quýt (chủ yếu là dịch); vị chua ngọt, tính mát; có tác dụng giải khát, mát phổi, khai uất, trừ đờm, khoan khoái.

– Vỏ quả Quýt và lá Quýt đều có tinh dầu, có tác dụng chữa ho đờm và giúp tiêu hoá.

– Vỏ Quýt xanh vị đắng, cay, tính ấm; có tác dụng hành khí, khai uất, tán kết, trừ thấp, giảm đau và tăng tiêu hoá.

– Vỏ Quýt chín vị đắng the, mùi thơm tính ấm; có tác dụng hành khí, tiêu đờm trệ, kiện tỳ, táo thấp.

– Lá và hạt Quýt có vị đắng the, mùi thơm, tính bình; có tác dụng hành khí, tiêu viêm.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ta thường dùng quả Quýt để ăn, có tác dụng bồi bổ cơ thể, giải khát, thêm vitamin. Vỏ và lá để chế tinh dầu.

– Trần bì (vỏ Quýt chín) dùng chữa ho, tức ngực, nhiều đờm, trúng thực đầy bụng, đau bụng, ợ hơi, nôn mửa, ỉa lỏng; còn dùng trừ thấp, lợi tiểu, giải độc cá tanh. Ngày dùng 4-16g dạng thuốc sắc.

– Thanh bì dùng chữa đau gan, tức ngực, đau mạng sườn, sốt rét.

– Hạt Quýt dùng chữa sa ruột, hòn dái sưng đau, viêm tuyến vú, tắc tia sữa.

– Ta còn dùng lá chữa tức ngực, ho, đau bụng, sưng vú, núm vú nứt lở (sao nóng đắp, có khi phơi khô, sắc uống như vỏ Quýt).
Liều dùng 4-12 vỏ, 6-12 hạt, lá.

5. ĐƠN THUỐC:

1. Chữa nôn mửa, ợ hơi, đau bụng, kém tiêu hoặc buồn nôn: Trần bì, Hoắc hương đều 8g Gừng sống 3 miếng, sắc uống (Nam dược thần hiệu).

2. Chữa ho suyễn: Trần bì, Nam tinh, Ðình lịch, vỏ rễ Dâu, mỗi vị 12g sắc uống (Nam dược thần hiệu).

3. Chữa ho mất tiếng: Trần bì 12g sắc với 200ml nước, còn 100ml; thêm đường để vừa ngọt, uống dần trong ngày (Dược liệu Việt Nam).

4. Chữa ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi, đi lỏng: củ Sả 12g, Trần bì 16g, Sơn tra (sao cháy) 12g, sắc với 500ml nước, còn 200ml. Người lớn chia 2 lần uống trong ngày, trẻ em tuỳ tuổi chia 3-4 lần uống (Dược liệu Việt Nam).

5. Chữa đau sưng tinh hoàn: Hột Quýt 12-20g sắc lên, pha thêm chút rượu vào uống (Nam dược thần hiệu).

6. Chữa viêm tuyến vú, tắc tia sữa: Hột Quýt 16g sắc uống (Lê Trần Ðức).

7. Chữa hông sườn đau tức hay vú sưng đau: Thanh bì tán nhỏ, uống mỗi lần 4g, ngày uống 2-3 lần, hoặc sắc lá Quýt 20g, dùng uống (Lê Trần Ðức).

8. Sốt rét: Vỏ Quýt đốt thành than tán nhỏ, uống với rượu hâm nóng mỗi lần 4g, uống trong 5-7 ngày (Sổ tay cây thuốc).

9. Chữa ngoại thương, nội thương, tứ mùa cảm mạo, ho nóng, sốt rét, rối loạn tiêu hoá, trúng thực, ỉa chảy: Vỏ Quýt để lâu năm (sao) 25%, lá và búp ổi (sao) 25%, Gừng khô (sao) 25%, củ Bồ bồ nướng 15%, Hậu phác 10%, các vị hoà chung, tán bột nhuyễn, mỗi lần uống một muỗng cà phê, ngày uống 2-3 lần (Kinh nghiệm tâm đắc ở An Giang).

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Công dụng của quả quýt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *