Site icon Nuoitrong123

Được xuất ngoại nhờ… giỏi nuôi bò

“Con bò thì ăn cỏ ngoài đồng, cái cây trong vườn để người ăn quả. Mày phá bỏ đi thì chết đói cả à!”- mẹ vợ Y Đă Bya (buôn Ê Ga, xã Ea Ka Mut, Ea Kar, Đăk Lăk) gay gắt chỉ trích con rể.

Không chỉ có vậy, bà còn dùng nhiều lời lẽ nặng nề hơn để ngăn cản không cho Y Đă phá bỏ vườn cà phê. Y Đă biết mẹ mình sai nhưng chẳng biết cách nào để giải thích để bà hiểu…

Suýt bị mẹ vợ đuổi ra khỏi nhà

Cách đây chừng 5 năm, nghe cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn về mô hình trồng cỏ nuôi bò, Y Đă xin ít cỏ về trồng ở một góc vườn. Cỏ lớn nhanh, mấy con bò của gia đình chẳng mấy chốc đã mập mạp hẳn ra.

Thấy việc nuôi bò trở nên vô cùng nhẹ nhàng nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, Y Đă quyết định phá 5 sào cà phê còi cọc để trồng cỏ, vay vốn phát triển đàn bò. Nhưng khổ thân Y Đă, vừa nói đến chuyện phá vườn cà phê thì liền bị bà mẹ vợ sa sả mắng chửi. Không có lý gì thuyết phục, Y Đă phải mời cán bộ khuyến nông huyện xuống khuyên giải và nhờ vợ thủ thỉ vận động. Nhưng cho đến lúc Y Đă phá vườn cà phê, bà vẫn hậm hực lắm: “Mày làm sao thì làm, nếu không ra trò trống gì tao đuổi khỏi nhà”…

Vườn cỏ lên xanh tốt, những con bò ốm giơ xương mà Y Đă mua về chẳng mấy chốc tròn trịa, mập mạp. Lại được cán bộ khuyến nông huyện thường xuyên tiêm phòng, chống dịch đàn bò của Y Đă cứ thế sinh sôi nảy nở.

Từ mô hình của Y Đă, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Ea Ka Mut cũng học tập làm theo. Từ đó, Y Đă trở thành “chuyên gia” hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ nuôi bò cho bà con. Và để mọi người có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, Y Đă quyết định thành lập câu lạc bộ “trồng cỏ nuôi bò”. Hàng tháng các thành viên trong câu lạc bộ sẽ tập hợp lại để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, chia sẻ những kinh nghiệm hay.

Giúp hộ nghèo  làm giàu

Đi sau Ea Ka Mut, nhưng ở Buôn Sứk (xã Ea Đar, huyện Ea Kar) những mô hình tương tự lại cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội khi người dân biết tận dụng tối đa những lợi ích mà đàn bò đem lại. H’Dức Mlô- một cô gái Ê Đê trẻ- là người đi đầu trong phong trào này. Cũng như Y Đă, khi phá 3 sào vườn tạp để trồng cỏ, H’Dức đã bị mẹ phản đối kịch liệt. Nhưng 2 tháng sau, mẹ H’Dức đã không còn dằn vặt con mà bà còn nhiệt tình ủng hộ. Bởi ngay lứa cỏ đầu tiên, H’Dức đã bán bò được 18 triệu đồng- số tiền mà mẹ chị có mơ cũng không thể có được nếu chỉ dựa vào 3 sào cà phê còi cọc.

Không chỉ phát triển kinh tế cho riêng gia đình, các hộ trồng cỏ nuôi bò ở Buôn Sưk còn giúp đỡ được rất nhiều hộ nghèo trong buôn từ việc cho nuôi rẽ. Theo đó, những hộ có điều kiện mua bò sẽ cho những hộ nghèo nhận bò về nuôi. Sau khi bò sinh sản, lứa đầu tiên sẽ thuộc về hộ nhận nuôi, con thứ 2 sẽ thuộc về chủ bò và cứ thế các lứa tiếp theo cũng được chia đều ra.

Được mẹ ủng hộ, H’Dức quyết định làm ăn “lớn”, vay trăm triệu đồng xây chuồng, trồng cỏ, mua bò lai về nuôi. Trong khi đợi thu lãi từ việc bán bò thì H’Dức đã có nguồn thu khác từ chính đàn bò này. H’Dức cho biết, cứ 2 tháng chị bán được 5 triệu tiền phân bò.

Số phân còn lại chị đem ủ để bón cho cà phê, lúa. Từ khi được bón phân bò, mỗi sào lúa chị thu được 35 bao- gấp đôi sản lượng trước đó; 6 sào cà phê của chị cũng cho về 2 tấn nhân mỗi năm, trong khi 7 sào cà phê cạnh rẫy của chị chỉ thu được gần 1 tấn.

H’Dức kể với chúng tôi rằng, trong tháng 5 tới chị được Tổ chức Actionaid (AAV- một tổ chức quốc tế chống đói nghèo làm việc tại hơn 40 quốc gia, sát cánh cùng người nghèo để chấm dứt đói nghèo và bất công) mời sang Thái Lan để giao lưu với bạn bè thế giới. Chị là người duy nhất ở Tây Nguyên nhận được vinh dự này. Chị cho biết, mô hình trồng cỏ nuôi bò của chị được tổ chức này đánh giá rất cao, họ thậm chí còn giới thiệu mô hình của chị trên báo Úc.

Cũng như ở Ea Ka Mut, từ mô hình của H’Dức, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Buôn Sứk đã mạnh dạn phá vườn tạp- thứ mà xưa nay họ vẫn xem như là của quý- để trồng cỏ nuôi bò. Bà H’Doan, trưởng buôn này khẳng định, mô hình trồng cỏ nuôi bò đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của buôn, bà con đã có thể phát triển tối đa nguồn lực sẵn có, lợi ích từ việc nuôi bò so với các khu vườn tạp trước đó khác xa một trời một vực.

Ông Nguyễn Văn Kiên- Trưởng trạm Khuyến nông huyện Ea Kar nói với chúng tôi: “Các mô hình trồng cỏ nuôi bò ở địa phương đang cho thấy một hướng đi rất đúng đắn và rất phù hợp với tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này đang giúp địa phương cải tạo chất lượng đàn bò, tạo nguồn thức ăn ổn định và cũng nhờ việc nuôi bò mà nông dân có nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng. Từ thành công này, Trạm đang xây dựng một đề án hỗ trợ cải tạo vườn tạp xây dựng đồng cỏ nuôi bò cho bà con dân tộc thiểu số. Tôi tin tưởng rằng đề án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao và hy vọng sẽ được cấp trên phê duyệt”.

Nguồn: 2lua.vn

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version