Giải pháp nuôi tôm tránh thất bại?

vụ nuôi tôm 2016 ở Bình Định sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất lợi… Nếu muốn tránh thất bại, không gì khác hơn là phải đi theo hướng nuôi bền vững.

Giải pháp nuôi tôm tránh thất bại? - 5695fd1cf314b

Vùng nuôi tôm thâm canh theo hướng bền vững ở xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn, Bình Định)

Còn hơn một tháng nữa, tỉnh Bình Định bước vào vụ tôm mới. Do ảnh hưởng hiện tượng El Nino, nhiệt độ nguồn nước nuôi tôm sẽ tăng cao. Thêm vào đó, năm qua không có lũ, chất thải tích tụ trong nguồn nước nuôi không được rửa trôi, gây ô nhiễm…

Trước thực tế trên, người nuôi tôm nếu muốn tránh thất bại, không gì khác hơn là phải đi theo hướng nuôi bền vững.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, năm 2016 toàn tỉnh sẽ thả nuôi trên 1.874 ha mặt nước. Theo lịch thời vụ, bắt đầu xuống giống vào giữa tháng 2 trên những diện tích nuôi tôm trên cát (tôm thẻ chân trắng) và các vùng cao triều chủ động nguồn nước cấp vào và xả ra. Các vùng nuôi khác sẽ xuống giống vào đầu tháng 3.

Việc chia vùng để ấn định lịch thời vụ là căn cứ vào điều kiện thực tế từng vùng nuôi để tránh dịch bệnh, cũng là để làm giảm áp lực con giống trong cùng một thời điểm nhằm ổn định giá giống.

Giải pháp nuôi tôm tránh thất bại? - 5695fd20dc20c
Để tránh thất bại, người nuôi tôm ở huyện Tuy Phước (Bình Định) đang hướng đến phương pháp nuôi bền vững

Ngành chức năng cũng đã chủ động điều chỉnh lịch thời vụ thả tôm năm nay muộn hơn so mọi năm nhằm tránh thời tiết bất lợi, khuyến khích nuôi 1 vụ tôm ăn chắc, nuôi 2 vụ chỉ áp dụng đối với các vùng nuôi tôm trên cát và những nơi chủ động nguồn nước.

“Đặc biệt trong năm vừa qua, trên địa bàn Bình Định không có lũ xảy ra nên nguồn nước của đầm Thị Nại cung cấp cho những vùng nuôi tôm không có điều kiện tẩy rửa môi trường, đe dọa ô nhiễm nguồn nước. Muốn hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, người nuôi phải tuân thủ triệt để lịch thời vụ và phải hướng đến việc nuôi tôm bền vững”, ông Mang Thống Nhất – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định nói.

Theo ông Nhất, vụ nuôi tôm 2016 ở Bình Định sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất lợi, hiện tượng El Nino kéo dài làm thiếu nguồn nước ngọt. Nguồn nước nuôi tại đầm Thị Nại ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, qua nhiều năm làm ăn thất bại nên người nuôi tôm không còn vốn để đầu tư, dẫn đến tình trạng dịch bệnh tôm nuôi diễn biến phức tạp.

Để tránh thất bại, Chi cục Thủy sản sẽ tăng cường công tác quản lý dịch bệnh tại các vùng nuôi, giảm mật độ thả giống và kết hợp nuôi xen tôm với các loại đối tượng thủy sản khác nhằm cải thiện môi trường nuôi và hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Trước khi bước vào vụ nuôi mới, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Chi cục Thú y tiến hành kiểm tra nguồn tôm giống; yêu cầu chủ các cơ sở SX tôm giống phải kiểm dịch tôm giống nghiêm ngặt trước khi xuất bán. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi tôm nên chọn mua con giống chất lượng tốt tại các cơ sở SX tôm giống có uy tín. Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh các loại vật tư thủy sản, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở SXKD không đảm bảo chất lượng.

“Để việc nuôi tôm đạt hiệu quả cao, mang tính bền vững, chúng tôi đã khuyến cáo người nuôi phải thực hiện các giải pháp nuôi tôm đồng bộ, thực hiện đúng lịch thời vụ. Cần duy trì và phát triển nhiều hơn các tổ nuôi tôm cộng đồng ở các vùng nuôi nhằm tăng cường sự hỗ trợ trong SX, cùng nhau phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời dập tắt không cho lây lan”, ông Nhất cho biết thêm.

Ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước cho biết, “trong năm 2015, toàn huyện đưa gần 994 ha mặt nước vào nuôi trồng thủy sản; trong đó nuôi tôm nước lợ 967 ha, gồm 100 ha nuôi thâm canh và bán thâm canh; diện tích còn lại nuôi quảng canh cải tiến, nuôi ghép với các đối tượng thủy sản khác theo phương thức đánh tỉa, thả bù. Nhờ chú trọng nuôi tôm theo hướng thân thiện với môi trường nên khống chế được dịch bệnh trên con tôm”.

“Về mật độ, tùy theo điều kiện cụ thể từng vùng, có điều chỉnh phù hợp và nằm trong khung mật độ hướng dẫn của ngành chức năng. Trước khi thả nuôi thương phẩm, nên ương tôm từ 20 – 30 ngày. Tôm thẻ chân trắng ương từ cỡ giống post 12; tôm sú ương từ cỡ giống post 15. Người nuôi nên thả xen cá rô phi đơn tính, cá chua để ăn chất thải của tôm và thức ăn dư thừa nhằm cải tạo môi trường nguồn nước nuôi. Đặc biệt, đối với những vùng thường xảy ra dịch bệnh, nên thả nuôi tổng hợp”, ông Mang Thống Nhất khuyến cáo.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Giải pháp nuôi tôm tránh thất bại?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *