Hiệu quả nuôi tôm công nghiệp vụ đông

Đây là mô hình đang được nhiều hộ nuôi tôm ở thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) áp dụng và nhân rộng. Điển hình áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp khép kín cho hiệu quả cao là ông Bùi Ngọc Liêm, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Móng Cái.

Hiệu quả nuôi tôm công nghiệp vụ đông - tai xuong 14

Hiệu quả cao

Ông Liêm cho biết: Do điều kiện thời tiết miền Bắc bị ảnh hưởng bởi mùa đông lạnh, chỉ nuôi được 1 vụ tôm nên khi thấy nhiều nơi nuôi tôm trong nhà kín mang lại hiệu quả cao thì ông đã mạnh dạn đầu tư.

Để có được ao nuôi tôm trong nhà kín, ngoài việc ao phải được xây và láng bóng bằng xi măng giống như một bể bơi thì ao phải có mái che. Tất cả đều được gia cố chắc chắn, vừa đảm bảo an toàn khi gió bão vừa ngăn các loại địch hại có thể ảnh hưởng đến ao tôm. Ao nuôi tôm khép kín được thiết kế có những bệ trụ bê tông, láng đáy, hệ thống cáp mái che… Hệ thống mái che khép kín với 2 lần lưới trên và dưới, giữa là một lớp bạt hoặc nilon, hệ thống dây cáp chắc chắn vừa an toàn vào mùa bão lại vừa tránh được côn trùng hay các loại động vật khác xâm hại, hạn chế dịch bệnh cho tôm nuôi. Đặc biệt, hệ thống mái che khép kín giúp cho nhiệt độ đêm và ngày trong ao ít bị chênh lệch, mức hấp thụ nhiệt mùa đông ổn định, trung bình 20 – 220C (nếu nuôi trong ao thường, nhiệt độ xuống dưới 180C vào mùa đông thì tôm nuôi giảm sức ăn, ảnh hưởng đến chất lượng tôm).

Với mô hình này, năng suất mỗi vụ tôm tăng, thời gian cho vụ đông chỉ 90 – 100 ngày, vụ hè 70 – 80 ngày. Với diện tích 2.000 m2/ao nuôi tôm công nghiệp khép kín sẽ đảm bảo đạt độ an toàn 2,5 – 3 tấn. Một vụ tôm thông thường thu hoạch 180.000 đồng/kg thì vụ đông thu hoạch 250.000 đồng/kg, tối thiểu khoảng 500 triệu đồng/ao, trừ chi phí còn lãi khoảng 300 triệu đồng, chỉ thu hoạch 2 vụ là đủ khấu hao đầu tư cơ sở vật chất cho một ao. Như vậy khả năng hoàn vốn rất nhanh.

Nhân rộng mô hình

Ông Liêm cho biết, ngoài việc nuôi tôm trong vụ đông với năng suất và lợi nhuận cao, ao nuôi khép kín cũng có thể sử dụng cho vụ hè mà không cần mái che; đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí cải tạo ao đầm giữa các vụ. Tuy nhiên, cũng theo ông Liêm, dù hiệu quả song chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống ao nuôi này tương đối lớn nên không phải ai cũng có thể áp dụng, với ao 2.000 m2 chi phí 600 – 650 triệu đồng; vì thế việc mở rộng mô hình nuôi tôm khép kín và thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, các hộ nuôi trồng cần có nguồn vốn thế nào đó. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thử nghiệm và tìm cách giúp đỡ người nuôi thực hiện mô hình này để giảm rủi ro trong mùa dịch bệnh, tăng lợi nhuận; đồng thời, tranh thủ những chính sách hỗ trợ để các hộ có thêm vốn phát triển nghề nuôi tôm” – Ông Liêm nói.

Hiện, ông Liêm đã đưa vào nuôi tôm thẻ chân trắng trong 2 ao và tiếp tục xây dựng, mở rộng hệ thống ao nuôi khép kín để đưa vào nuôi thả trong thời gian tới. Song ông cũng không dám thả nhiều, bởi không phải vụ nuôi nào trong nhà khép kín cũng thành công, hiệu quả cao (người nuôi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như con giống, thời tiết…). Vụ vừa qua, nhiều hộ nuôi tôm khép kín ở TP Móng Cái cũng bị thiệt hại nặng bởi dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt; nguyên nhân chất lượng con giống chưa đảm bảo, cộng với thời tiết thay đổi đột ngột. Chính vì vậy, ngoài sự hỗ trợ vốn, để nhân rộng mô hình, ngành chức năng cần kiểm soát chặt đầu vào (giống, thuốc thú y, vật tư…) và tập huấn kỹ thuật cho người nuôi.

> Một ưu thế lớn của thiết kế ao nuôi tôm khép kín vụ đông là có thể nuôi được 3 vụ/năm, không mất thời gian cải tạo ao, khả năng thu hồi vốn nhanh.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Hiệu quả nuôi tôm công nghiệp vụ đông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *