Nội dung chính
Kỹ thuật trồng khoai tây bằng hạt lai đã được người nông dân chấp nhận vì tiết kiệm được giống, công vận chuyển và chi phí sản xuất.
Để sản xuất khoai tây bằng hạt lai, cần tiến hành gieo hạt rồi đem trồng lấy củ làm giống (gọi là Co), từ củ giống Co đem trồng lấy khoai tây thương phẩm gọi là C1.
Gieo hạt
Loại hạt giống khoai tây ở nước ta trồng hạt là giống HH2 và HH7, cần gieo vào giữa tháng 10 đến cuối tháng 11 vì hạt dễ nảy mầm khi gặp lạnh, mưa phùn.
– Làm đất: Đất tơi xốp, không ngập úng, giữ độ ẩm tốt, gần nguồn nước tưới. Làm đất thật nhỏ, lên luống rộng 60-80 cm, cao 25 cm, luống cách luống 30 cm để gieo ươm. Chuẩn bị hỗn hợp gồm một phần trấu, rơm rạ mục khô, một phần đất bột và một phần phân chuồng hoai nhai mục, trộn kỹ, cứ 100 kg loại hỗn hợp này cho thêm 0,5 kg supe lân trộn đều rồi rải trên mặt luống một lớp dày 2 cm.
– Gieo hạt: Cứ 15 m2 mặt luống gieo 10 g hạt trộn với đất bột khô (để gieo cho đều), xong lại rải một lượt phân như trên dày 2mm, dùng trấu phủ một lớp mỏng, cuối cùng là một lớp rơm phủ trên cùng dày 10 cm.
– Chăm sóc: Tưới nước ngay để giữ ẩm. Sau 5 -6 ngày khi hạt nảy mầm thì bỏ lớp rơm đi và chăm sóc. Khi cây có 2-3 lá, cứ 3-4 ngày/lần tưới bằng nước phân, nước giải pha loãng 1/5, cứ 10 lít nước phân cho thêm một thìa urê, hai thìa supe lân. Sau một tháng cây đạt 5-6 lá thì tưới đẫm nước lã, để nước thấm xong nhẹ nhàng nhổ cây con đem cấy ra ruộng.
Trồng khoai tây Co
– Làm đất: Ruộng được cày bừa kỹ, lên luống cao 25-30cm, rộng 1,3m. Bón lót 20 tấn phân chuồng + 5 tạ supe lân/ha. Vào luống, xới xáo đều và rạch hai hàng dọc.
– Cách trồng: Cấy vào rạch, cây cách nhau 20 – 25cm, chọn vào những ngày râm mát hoặc có mưa nhẹ, nếu không có mưa phải tưới ngay và trời nắng to phải che mát cho cây.
– Chăm sóc: Sau một tuần tưới nước phân pha loãng vài ba lần, cách nhau 3-4 ngày. Sau ba tuần bón thúc bằng urê (135 kg/ha) và kali (100 kg/ha). Sau đó hai tuần lại bón thúc như trên đồng thời xới xáo, diệt cỏ, vun gốc, tưới tràn gần ngập luống. Tiến hành vun gốc càng sớm càng tốt.
Diệt sâu xám bằng Padan, Selecron, nên dùng tay bắt để trừ sâu non trong đất.
– Thu hoạch: Khi thấy khoai tây thân lá vàng, kích cỡ củ đạt 10-40 g/củ thì thu hoạch và phân loại: loại củ đạt 10 – 40 g/củ (chiếm 60-70%) để làm giống sản xuất ra củ C1. Còn lại củ to đem tiêu thụ.
Sản xuất khoai tây C1
– Thời vụ: Thời vụ trồng khoai tây C1 từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11. Đất được cày bừa và bón lót cho 1 ha là: (20-25 tấn) phân chuồng + 5 tạ supe lân + 1,5 tạ urê + 1,5 tạ kali. Lên luống cao 30cm, cách nhau 30cm, rộng 0,8-1,2m, trồng 4-6 khóm/m2.
– Chăm sóc: Từ khi xuống giống, phải luôn giữ độ ẩm để khoai mọc nhanh và đều. Khi cây mọc được hai tuần bón thúc cho 1ha: 1,5 tạ urê + 1,5 tạ kali, kết hợp vun gốc. 2-3 tuần sau đó vun gốc cao để sớm hình thành củ. Tưới theo rãnh gần sát mặt luống và tháo cạn ngay. Khoai sinh trưởng thường bị rệp muội, rệp sáp, nhện… hại gốc và củ dùng Selecron 500ND pha 0,1%; bệnh mốc sương, héo vàng, héo xanh dùng Tilt supe 300ND pha 0,1% hoặc dùng Aliete 80WP pha 0,3%.
– Thu hoạch: Khi cây khoai già, cành chuyển vàng thì thu hoạch. Chọn củ dưới 30g/củ làm giống.
Nguồn: 2lua.vn