Trước khi trồng, chuẩn bị rơm, rác mục, phân chuồng hoai và đất phù sa khô tán nhuyễn trộn lẫn với một ít thuốc sát trùng, sau đó cho tất cả vào hố.
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, chúng tôi đến vườn bưởi năm roi của anh Phan Văn Dũng, 51 tuổi, ở Ấp Phú Thành, xã Quới Thành, huyện Châu Thành, Bến Tre, chúng tôi bắt gặp thương lái đang vội vã chuẩn bị cho chuyến hàng cuối cùng trong năm về TP.Hồ Chí Minh. Trên mảnh vườn 0,5 ha của mình, anh cựu chiến binh Nguyễn Thành Phan chỉ trồng cây bưởi năm roi cuống xéo.
Năm nay, vườn bưởi nhà anh Dũng đã được 4 năm tuổi. Những trái to treo lủng lẳng, đều đặn và vàng mơ, trông rất bắt mát, đã phần nào lý giải vì sao giống bưởi này bán rất chạy trong những ngày Tết.
Anh Dũng là người gốc ở Quận 6 TP. Hồ Chí Minh. Những ngày trong quân ngũ, theo bước chân rày đây mai đó khắp các miền quê, bắt gặp những vườn cây ăn trái của bà con, anh Dũng rất mê thích và ấp ủ trong lòng. Sau khi trở về đời thường vào năm 1976, anh đã bén duyên với một cô gái ở xứ dừa Bến Tre. Với tấm lòng say mê nông nghiệp, mà sống ở thành phố thì không có đất “dụng võ”, nên vợ chồng khăn gói về quê Bến Tre.
Chân ướt, chân ráo, nhìn miếng vườn tạp của cha mẹ vợ cho, anh Dũng quyết định chuyển đổi cây trồng. Anh lặn lội đi tham quan những nhà vườn đã thành công để học hỏi, và rồi cuối cùng quyết định chọn mua cây bưởi năm roi cuống xéo ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long, về trồng. Anh Dũng cho biết: “Giống bưởi này có chất lượng ngon không thua gì bưởi da xanh, nhưng lại có ưu điểm là khi chín có màu vàng trông rất bắt mắt.”
Về cách trồng, đầu tiên đắp mô cao khỏi mặt đất 0,2m, đào hố vuông mỗi cạnh 0,8m, sâu 0,4m, các hố cách đều nhau 3m. Trước khi trồng, chuẩn bị rơm, rác mục, phân chuồng hoai và đất phù sa khô tán nhuyễn trộn lẫn với một ít thuốc sát trùng, sau đó cho tất cả vào hố. Đến đầu mùa mưa, đưa cành chiết vào hố trồng, dùng cây chống đỡ và cột chặt nhánh chiết nhằm giữ cho cây khỏi lung lay, giúp cho rễ non dễ bung bám đất. Sau khi đã trồng nhánh chiết xong, anh Dũng bắt đầu chọn cây chuối cao tàn và rễ ít trồng xen rải thưa trong vườn. Cây chuối sẽ tạo bóng râm che mát cây bưởi lúc còn nhỏ vào mùa nắng. Sang năm thứ 3, cây chuối sẽ được phá bỏ hoàn toàn để cho cây bưởi được thông thoáng, bung tàn.
Về cách chăm sóc, để tránh cho cây bưởi khỏi bị mất nước, cứ 2 hoặc 3 ngày anh Dũng tưới nước 1 lần. Sau đó, anh vô phân theo định kì 4 tháng 1 lần, chủ yếu là phân chuồng hoai và tưới nhữ thêm NPK 20-20-0 theo công thức 1 muỗng canh cho 10 lít nước tưới vào gốc, sáng hôm sau tưới xả. Cũng theo định kỳ như trên, anh Dũng phun thêm phân bón lá giúp cho bưởi phát triển nhanh. Trong thời gian chăm sóc cây bưởi, anh Dũng luôn luôn theo dõi cây để kịp thời phun thuốc trừ sâu, rầy (nếu có sâu vẽ bùa trên lá thì phun thuốc Confidor, còn rầy nhớt xuất hiện trên đọt non thì xịt Actara).
Để trái bưởi chín đúng dịp Tết, theo kinh nghiệm của anh Dũng thì, sau khi thu hoạch trái, tiến hành dọn tỉa cành, bón phân (phân chuồng, phân NPK-AT1) và tưới nước thường xuyên cho cây bắt phân. Sang tháng 2 âm lịch, ngưng tưới nước 1 tháng cho cây xào lá, rồi bón phân NPK-AT2 hơi đậm (mạnh tay), sau đó tiếp tục tưới nước trở lại. Sau 1 tháng, bưởi bắt đầu đâm bông kết trái.
Khi trái bằng quả chanh, anh Dũng bón tiếp phân NPK-AT3 để nuôi trái. Theo anh Dũng, khi cây nuôi trái thì không nên rải phân đạm nhiều, vì nhiều phân đạm sẽ làm cho trái mất độ ngọt ăn không ngon. Nên rải kèm với kali. Thời gian bưởi ra trái, trong vườn nên treo rải rác thuốc Vizubon để diệt ruồi vàng (loại ruồi này hút nhựa trái gây ghẻ không bán được).
Năm vừa qua, tuy chưa cho trái rộ, nhưng vườn bưởi của anh Dũng cũng đã cho thu hoạch 1 tấn trái (giá 10.000đ/kg). Chắc chắn trong những năm tiếp theo, anh Dũng sẽ còn thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.
Nguồn: sưu tầm