Việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không không xảy ra sự “xung đột” nào trong quá trình canh tác mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Vào mùa khô, nước trong sông rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm, đến khi mưa xuống nước ngọt trở lại thì lại lấy vào trồng lúa.
Thực tế cũng cho thấy, khi hệ thống luân canh tôm – lúa xuất hiện thì cả hai đối tượng này đều phát triển tốt. Sau khi nuôi một vụ tôm thì tiến hành trồng một vụ lúa, khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao tôm sẽ làm cho ruộng lúa trở nên màu mỡ, nên người trồng lúa chỉ bón một lượng nhỏ phân là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây lúa. Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi, người thực hiện mô hình phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (giảm 70 – 80%). Vì vậy, trồng lúa trong mô hình này có chi phí thấp, lợi nhuận tăng lên đáng kể.
Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa sẽ giúp nền đáy ao được khoáng hóa, giảm thiểu các chất độc trong ao tôm, hạn chế được tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu dài, cắt mầm bệnh trên tôm, môi trường ao tôm ổn định, nên trong vụ tôm cũng không cần phải sử dụng nhiều loại thuốc, hóa chất để phòng trị bệnh, dẫn đến chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận vì thế cũng tăng cao.
Nguồn: nghenong.com