Ông Phan Khắc Nhựt Tiến ở khóm 8, phường 5, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) có kinh nghiệm 15 năm nuôi tôm.
Hiện ông có 70 ha tôm thẻ chân trắng. Ao nuôi được phủ bạt bờ và bạt đáy. Mỗi ao có dàn quạt công suất mạnh, mỗi dàn quạt từ 12-15 cánh. Sử dụng hoàn toàn vi sinh trong suốt quá trình nuôi và một phần hóa chất xử lý.
Kết quả tôm nuôi từ 3 – 3,5 tháng tuổi, đạt cỡ 50 – 60 con/kg. Năm 2014 ông Tiến thu được khoảng 500 tấn, giá bán bình quân 120.000 đ/kg, tổng thu 60 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 16,7 tỷ.
Theo ông Tiến, khâu chuẩn bị bắt đầu từ ao nuôi, trước vụ tiến hành xử lý mầm bệnh, sử dụng triệt để vi sinh, hóa chất từ khi cải tạo đến hết vụ nuôi. Trong cải tạo thì sên vét bùn đáy vào ao chứa, sử dụng vôi bột 30 – 60 kg/1.000 m2, sau đó phơi ao 3 – 5 ngày sau. Chọn con nước lớn để lấy nước thẳng trực tiếp vào ao nuôi qua túi lọc dày. Chạy quạt 2 – 3 ngày, sau đó tiến hành diệt tạp, diệt khuẩn bằng hóa chất; sử dụng phân DAP là chính để gây màu nước.
Tôm giống thả nuôi có nguồn gốc giống từ miền Trung, được kiểm dịch và xét nghiệm từ các cơ quan chuyên môn, không có bệnh đốm trắng, đầu vàng, MBV, hoại tử vỏ và cơ quan tạo máu. Tôm giống mang về được ngâm xuống ao, sau 30 phút thả ra ngoài, mật độ thả 70 – 100 con/m2 .
Theo kinh nghiệm của ông Tiến, chăm sóc quản lý sự phát triển của tôm nuôi trong suốt quá trình nuôi luôn kiểm tra, theo dõi diễn biến các yếu tố môi trường trong ao nuôi, từ đó điều chỉnh liều lượng thức ăn cho phù hợp theo độ tuổi tôm nuôi.
Theo dõi chặt tình hình thời tiết gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tôm, kịp thời bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cho tôm để tăng sức đề kháng. Duy trì độ mặn ổ định 12%0, đo pH ngày 2 lần, đo độ kiềm 2 – 3 ngày/lần.
Không bổ sung thêm nước mới, không dùng hóa chất diệt khuẩn trong ao nuôi và cứ 5 ngày/lần dùng men vi sinh BZT liều lượng 50 – 80 gr/ha. Màu nước khi thả tôm là màu xanh, sau 15 ngày dùng men vi sinh BZT với liều lượng cao hơn (khoảng 100 gr/ha) để chuyển màu nước từ màu xanh sanh màu nước đục, các yếu tố môi trường (pH, độ kiềm) sẽ ổn định, tăng cường quạt nước.
Tôm nuôi trải bạt sau 3 tháng
Trong quá trình nuôi có bổ sung men tiêu hóa, vitamin C, khoáng giải độc gan và định kỳ sử dụng kháng sinh để ngừa bệnh.
Sau 2 ngày tiến hành kéo đáy, sau 3 ngày tiến hành gây màu nước. Gây màu nước bằng hỗn hợp phân DAP 2 – 4 kg cộng với 10 kg Dolomite/1.000 m3 hoặc cám cộng với đậu nành và thức ăn theo tỷ lệ 2:2:1. Sau khi xử lý nước xong khoảng 10 – 12 ngày tiến hành thả giống.Hộ ông Vũ Văn Chỉnh ở ấp 12, xã Vĩnh hậu A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) cũng trải qua 10 năm nuôi tôm sú và tôm thẻ trên diện tích 11,5 ha. Ông Chỉnh cho biết, sau khi áp dụng biện pháp cải tạo ao, lấy nước vào hệ thống ao lắng và bơm vào ao nuôi, xử lý bằng BKC 5 lít/1.000 m2.
Ông Chỉnh chọn mua tôm giống của Cty CP (Thái Lan) nên trong cách chăm sóc, cho ăn theo quy trình của Cty đưa ra. Trong quá trình nuôi có kết hợp dùng men vi sinh đường ruột cho tôm ăn. Theo định kỳ 3 ngày/lần bổ sung khoáng Sodamix + Canximax 10 kg/1.000 m3 và vôi 10 kg/1.000 m3/3 ngày/lần. Tôm được 1 tháng tuổi sử dụng Solodin diệt khuẩn 1 lít/1.000 m3. Định kỳ từ 5 – 10 ngày sử dụng vi sinh một lần tùy theo chất lượng nước.
Theo Sở NN-PTNT Bạc Liêu, qua theo dõi trên diện tích tôm nuôi bị thiệt hại và kết quả quan trắc môi trường ở các kênh cấp trọng điểm thuộc 3 huyện, thành phố ven biển có vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh cho thấy các thông số DO, Nitrit, NH3, Vibrio đều vượt ngưỡng và giá trị cho phép. Đây là những yếu tố môi trường tác động trực tiếp đến tình hình sức khỏe nuôi tôm tại địa phương.
Do đó Sở sẽ tăng cường công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các xã trọng điểm, cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm để kịp thời có giải pháp khắc phục dịch hại và ô nhiễm môi trường ở vùng nuôi, tiếp tục yểm trợ các mô hình nuôi tôm áp dụng kỹ thuật mới.
Nguồn: sưu tầm