Kỹ thuật trồng dưa chuột bao tử

Anh Trương Văn Miên – Phó trưởng thôn Đại Nại xã Ngô Quyền (Tiên Lữ – Hưng Yên) cho biết: Thôn có 370 hộ với gần 100 ha đất canh tác. Trước đây, cây trồng trong vụ đông chủ yếu là ngô thu nhập không cao. Do vậy, vụ đông năm 1997, khi anh Trần Văn Minh – một người dân trong thôn mạnh dạn đứng ra làm “trung gian” thu mua dưa quả cho Cty xuất nhập khẩu tỉnh, đã có hơn 20 hộ đưa cây dưa bao tử vào trồng trên đất 2 vụ lúa với tổng diện tích gần 1,5 ha. Ngay vụ đầu, người trồng dưa đã thắng lớn. Trừ tiền đầu tư, mỗi sào dưa bao tử còn lãi khoảng 1 triệu đồng. Từ đó đến nay đã 6 năm, vụ đông nào thôn Đại Nại cũng có hàng chục hộ trồng dưa bao tử với tổng diện tích từ 4 – 8 ha. Mỗi năm, chỉ tính riêng từ cây dưa bao tử, thôn Đại Nại đã thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nhiều gia đình trong thôn đã thoát nghèo nhờ giống dưa này.

Kỹ thuật trồng dưa chuột bao tử - 597 1

Theo chỉ dẫn của anh Miên, tôi ra cánh đồng úng tìm gặp anh Phạm Văn Chiểu. Anh Chiểu không chỉ là người có “thâm niên” trồng dưa chuột bao tử mà còn là một trong những hộ thường trồng nhiều nhất thôn. Bên ruộng dưa chi chít quả, anh tâm sự: “Gia đình tôi chính là một gia đình thoát nghèo từ cây dưa chuột bao tử. Nếu không có cây dưa, tôi chưa biết sẽ xoay xỏa ra sao khi gia đình có tới 5 khẩu mà chỉ có hơn 7 sào ruộng”. Hằng năm, anh đều trồng 2 vụ dưa: Vụ xuân trồng 2 sào, vụ đông trồng 3,5 sào. Tổng cộng 2 vụ dưa mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng.

Theo một số người đã nhiều năm trồng dưa bao tử ở Đại Nại thì trồng loại cây này không khó. Vụ xuân cần chọn ruộng chân cao, vụ đông trồng ở những ruộng tiện tưới tiêu nước. Luống dưa cao từ 25-30 cm, bề mặt luống rộng từ 0,8 – 1m, các luống cách nhau khoảng 60 cm. Mỗi sào trồng từ 800-900 cây. Sau 30-35 ngày kể từ khi tra hạt vào bầu, dưa cho thu hoạch. Mỗi vụ dưa kéo dài từ 90 – 100 ngày. Tiền đầu tư cho mỗi sào từ 500.000 – 700.000 đồng bao gồm tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tre hoặc nứa bắc giàn. Tuy nhiên, trồng dưa chuột bao tử đòi hỏi nhiều công lao động. Người trồng phải luôn giữ đủ nước ở rãnh luống. Cây leo đến đâu buộc ngọn và nhánh vào giàn đến đấy. Ngoài ra còn phải thường xuyên phun thuốc phòng trừ bệnh gây ra đốm vàng lá, cắt tỉa lá héo v.v… Bận nhất là trong thời kỳ thu hoạch. Mỗi ngày, các hộ phải hái quả 2 lần (sáng và chiều) bởi dưa bao tử lớn rất nhanh, nếu không hái kịp thời, quả dưa to không bán được. Do trồng theo hợp đồng cam kết nên các hộ được cung ứng giống, biết giá cả của dưa ngay từ đầu vụ lại không lo đầu ra của sản phẩm. Vì vậy các hộ đều yên tâm sản xuất. Trung bình mỗi sào dưa đạt từ 5,5 – 6 tạ quả. Một số gia đình như hộ anh Trương Văn Bào, Trương Văn Dũng, Trần Văn Giảng… có vụ năng suất đạt từ 7,5 – 8 tạ quả/sào. Vụ đông năm nay thôn có 56 hộ trồng dưa bao tử với tổng diện tích 4 ha, giá 1 kg quả ổn định là 2.600 đồng. Đến ngày 15/11, mỗi sào dưa ở thôn Đại Nại đã cho thu trên dưới 3 tạ quả. Nhiều người đánh giá vụ này thôn lại được mùa dưa chuột bao tử

Trồng dưa bao tử ở Đông Bình

Từ kết quả SX vụ đông năm 2002, một sào dưa XK cho năng suất 1,6 tấn, bán với giá 660.000 đồng/tấn, trừ các khoản chi phí (giống, phân bón, tre dóc, thuốc BVTV) có lãi hơn 550.000 đồng, gấp 2 lần so với cấy lúa. Tính chung toàn HTX trồng 6 mẫu dưa cho sản lượng 96 tấn, với tổng giá trị hơn 63 triệu đồng.

Như được khích lệ, vụ đông năm 2003, HTX Đông Bình huyện Gia Bình (Bắc Ninh) tiếp tục ký hợp đồng trồng dưa xuất khẩu với Cty Mĩ Thái (trụ sở tại Hải Dương) trên diện tích 8 mẫu với gần 70 hộ tham gia SX. Có điều năm nay toàn bộ diện tích được chuyển sang trồng dưa bao tử xuất khẩu thay cho trồng dưa thịt như năm ngoái. Về phía Cty chịu trách nhiệm cung ứng giống, tập huấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, xã viên là người thực hiện, bán sản phẩm cho Cty theo đúng kích cỡ. Dẫn tôi thăm cánh đồng dưa đang kỳ thu hoạch, ông chủ nhiệm HTX tâm sự: “Đây là vụ đầu tiên trồng dưa bao tử, do vậy địa phương thường xuyên tuyên truyền để mọi người làm đúng kỹ thuật, nhất là việc thu hái, nếu không sẽ bị hạ loại vì nhỡ cỡ, giá thành rẻ”. Nhiều hộ tham gia trồng dưa cho biết: Dưa bao từ dễ trồng, dễ chăm, nhanh cho thu hoạch, chi phí vật tư (phân bón, thuốc BVTV) cũng như việc mang vác nặng giảm đáng kể. Trong khi đó giá trị thu nhập có thể tăng gấp 1,3 so với trồng dưa thịt, hiện nay toàn HTX đã thu hoạch được 35 tấn, ít như chị Ngũ trồng 1 sào 3 thước cũng được 4 tạ, nhiều là các chị Kiều, Mừng trồng 1 sào 4 thước cũng thu hái được 6,5 – 7,2 tạ theo các chị, thời gian thu hoạch dưa còn kéo dài khoảng 20-25 ngày nữa. Muốn ruộng dưa có năng suất cao phải tuân thủ đúng theo lịch thời vụ, cách thức làm bầu, ngâm ủ hạt cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc, BVTV … Dưa sau trồng gần 1 tháng sẽ cho thu hoạch. Theo dự kiến, 1 sào dưa cho năng suất bình quân 550 – 600 kg, bán với giá 2.400 đ/kg và như vậy với 8 mẫu dưa đông, HTX có nguồn thu không nhỏ. Mở ra hướng đi mới đó là trồng dưa bao tử xuất khẩu ở huyện Gia Bình

Trồng dưa chuột bao tử

Khó có thể nói hết được niềm vui của xã viên HTX Đông Bình huyện Gia Bình (Bắc Ninh) khi thu hoạch xong vụ dưa đông vừa qua, cũng bởi từ dưa đông, cuộc sống xã viên ở địa bàn thuần nông này có phần được cải thiện. Để “minh chứng” điều này, ông Loan kiểm soát HTX cho biết: Với tổng số 7 mẫu dưa đông cho thu hoạch 41 tấn loại 1; 8,4 tấn loại 2, đạt doanh số 113 triệu đồng. Vụ xuân 2004, HTX tiếp tục liên kết với Công ty Mĩ Thái mở rộng diện tích trồng dưa bao tử lên 8 mẫu (tăng 1 mẫu so với vụ trước) nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, dưa được mùa, là cây không thể thiếu khi xây dựng cánh đồng đạt giá trị 50 triệu của HTX.

Tuy nhiên, muốn có thu nhập cao ngoài tác động của yếu tố thời tiết cần lưu ý mấy biện pháp kỹ thuật sau:

– Xử lý giống, làm bầu:

Theo anh Hùng và nhiều xã viên thì hạt giống để có độ nảy mầm cao, khi lấy về ngâm trong nước ấm khoảng 2 – 3 giờ sau đó vớt ra ủ vào giẻ ẩm, kiểm tra hạt nứt nanh thì tra vào bầu, đất làm bầu dưa tốt nhất là đất màu trộn với phân chuồng ủ mục. Khi cây có 2 lá thật mang ra ruộng trồng.

– Làm đất:

Nên trồng dưa trên chân ruộng chủ động nước, cày bừa kỹ, thu nhặt tàn dư của cây trồng vụ trước để hạn chế sâu bệnh hại về sau này, luống trồng dưa thông thường rộng từ 1- 1,2m, cao 25-30cm.

– Kỹ thuật trồng:

Mỗi luống trồng làm 2 hàng dọc, cây cách cây chừng 45cm, bổ hốc, dùng dao rạch túi bóng (nếu làm bầu bằng túi nilon), 1 sào trồng hết khoảng 950-1000 cây là vừa (mỗi hốc trồng 1 cây). Để có đủ dinh dưỡng, nhiều xã viên thừa nhận, mức đầu tư (tính cho 1 sào Bắc bộ): 350 – 450kg phân chuồng, 7 – 8kg đạm urê, 9 – 10 kg kali, 25 – 30kg lân. Bón lót 100% phân chuồng, lân và 20 – 30% lượng đạm, kali, số phân còn lại dùng để tưới thúc dần. Anh Hùng cho biết thêm, phân chuồng có thể bón thúc bổ sung vào giữa hàng để rễ ăn lan rộng, nhiều xã viên khác thì tưới nước phân chuồng hòa loãng cho cây cũng mang lại hiệu quả cao.

– Chăm sóc:

Thường xuyên giữ ẩm nếu có điều kiện thì để nước trong 1/3 rãnh là tốt nhất, kết hợp xới xáo làm cỏ… Khi phát hiện dưa có tay leo thì cắm giàn theo kiểu chữ A, giằng néo làm nhiều tầng, dùng dây mềm buộc ngọn cây vào giàn vì lúc này tay leo còn yếu.

– Phòng trừ sâu bệnh:

Công tác BVTV rất quan trọng quyết định năng suất, vì vậy cần tham khảo cán bộ kỹ thuật trên địa bàn hoặc đơn vị cung ứng nhằm phát hiện đúng, phòng trừ đúng, tiết kiệm chi phí thuốc BVTV đến mức cao nhất.

Với cách làm trên, vụ đông vừa qua, năng suất dưa bao tử ở Đông Bình đạt bình quân 700kg/sào (dự kiến đạt 550 – 600kg), vụ xuân 2004 năng suất có thể đạt cao hơn và như vậy 79 hộ trồng dưa sẽ có thu nhập đáng kể.

Nguồn: thanh tâm

Thảo luận cho bài: Kỹ thuật trồng dưa chuột bao tử

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *