Kỹ thuật trồng xà lách xoăn

Có 2 loại xà lách (xoăn và cuốn). Trong đó giống xà lách xoăn chịu nhiệt tốt hơn.

Kỹ thuật trồng xà lách xoăn - jpg30 500x375

Vụ xà lách xuân hè thường cho hiệu quả kinh tế cao nhưng phải lưu ý và tác động kỹ thuật tích cực.

+ Giống và thời vụ: Các giống xà lách xoăn đang được trồng phổ biến hiện nay được nhập từ Đài Loan, Thái Lan và Trung Quốc. Ở nhiệt độ 25 – 30 độ C cây vẫn sinh trưởng bình thường nên có thể trồng quanh năm, song thích hợp nhất là vụ xuân hè.

+ Gieo và chăm sóc cây con: Do bộ rễ của xà lách ăn nông và yếu chịu úng, hạn nên đất vườn ươm cần tơi xốp, giàu mùn, giữ ẩm và thoát nước tốt. Đất được làm nhỏ, lên luống cao 25 – 30 cm, mặt luống rộng 0,8 – 1 m. Mỗi m2 đất vườn ươm sử dụng 3 – 4 kg phân chuồng mục kết hợp với một lượng nhỏ chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma đảo đều rồi bón lót vào luống, dùng cuốc đảo đều phân vào đất.

Hạt trước khi gieo cần được xử lý bằng nước ấm 54 độ C (3 sôi 2 lạnh) trong thời gian 1 – 2 giờ rồi để ráo. Gieo hạt trên mặt luống với lượng 0,6 – 0,7 gr/m2. Gieo xong phủ 1 lớp rơm hoặc trấu mỏng rồi tưới ẩm bằng bình ô doa trong 3 – 4 ngày đầu vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1 – 2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây trồng ngừng tưới 3 – 4 ngày để huấn luyện cây con được cứng cáp và không bị chết chột sau trồng. Khi nhổ cây cần tưới nước trước 4 – 5 giờ để nhổ cây không bị đứt rễ.

Tiêu chuẩn cây con đem trồng: Cây có 4 – 5 lá thật (sau gieo từ 15 – 18 ngày).

+ Trồng và chăm sóc: Cần chọn đất cát pha hoặc thịt nhẹ giàu mùn, chủ động tưới tiêu, xa khu công nghiệp và các nguồn gây ô nhiễm để trồng xà lách xoăn. Đất được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại, xử lý nấm bệnh bằng nấm đối kháng Trichodecma hoặc vôi tả (20 kg/sào), diệt sâu xám bằng thuốc Diazan với lượng 0,5 kg/sào. Lên luống cao 20 – 30 cm, rộng 1 – 1,2 m.

* Chú ý: Nếu có chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma để xử lý đất tốt nhất nên trộn nấm với phân chuồng mục hoặc phân hữu cơ vi sinh rồi bón lót.

Lượng phân bón cho 1 sào rau gồm: Phân chuồng 5 – 7 tạ hoặc 25 -30 kg phân hữu cơ vi sinh thay thế + 3 – 4 kg urê + 6 – 7,5 kg supe lân + 2,5 – 3 kg kali sunphat. Có thể dùng các loại phân khác thay thế như NPK với liều lượng tương đương.

Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng, lân và 1/4 phân kali.

– Trồng: Khoảng cách trồng thích hợp là 20 x 12 – 15 cm/cây.

Bón thúc làm 2 đợt: Đợt 1 (khi cây đã bén rễ hồi xanh – sau trồng khoảng 1 tuần) bón 1/2 phân urê và 1/2 kali. Đợt 2 (khi cây đang sinh trưởng mạnh – sau lần 1 từ 7 – 10 ngày) bón nốt lượng phân còn lại.

Lượng phân bón thúc được hòa nước tưới hoặc vùi vào giữa các hàng rau. Tuyệt đối không được đổ trực tiếp vào gốc mỗi cây rau sẽ làm cây dễ bị ngộ độc đạm chết.

– Tưới nước: Ruộng rau cần được giữ ẩm thường xuyên với độ ẩm thích hợp là 70 – 80%. Nguồn nước tưới cần đảm bảo an toàn cho rau vì xà lách là cây rau ăn tươi. Tốt nhất là áp dụng biện pháp tưới ngấm để rau được an toàn.

* Chú ý:

+ Tháo nước khi gặp mưa to tránh để cây ngập nước sẽ dễ bị chết. Cần kết hợp xới xáo, làm cỏ cho rau vào những ngày nắng dáo.

+ Vì bộ lá xà lách rất mềm yếu nên những khi gặp thời tiết có mưa, nắng kéo dài tốt nhất nên làm khung (vòm) ni lông trắng che chắn để bộ lá không bị giập nát, thối hỏng hay dùng lưới đen che để giảm bức xạ mặt trời. Đồng thời, bổ sung thêm phân bón vi lượng và kali trắng bằng cách phun qua lá sẽ giúp cây sinh trưởng phát triển thuận lợi hơn, năng suất cao hơn và tuân thủ thời gian cách ly của mỗi loại phân bón khi sử dụng.

+ Bảo vệ thực vật: Xà lách là cây rau ăn tươi, bà con không nên sử dụng thuốc BVTV hóa học để phun. Khi có hiện tượng một số cây bị chết rũ nên bổ sung tưới kịp thời chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma vào vùng rễ để giảm thiểu lượng cây bị chết. Xà lách cho thu hoạch sau trồng từ 30 – 35 ngày.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Kỹ thuật trồng xà lách xoăn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *