Khi khắp nơi rộ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để “kích phọt” gia súc, gia cầm thu lợi bất chính, thì hàng chục năm nay, người dân Nhơn Lộc (huyện An Nhơn, Bình Định) chung thủy với cách chăn nuôi và vỗ béo bò theo kiểu truyền thống. Với họ, đây là cần câu cơm, cũng vừa là đạo đức, là cách trân quý nghề.
Ông Dương Văn Khanh, Chủ tịch xã Nhơn Lộc thống kê, cả xã có trên 2.500 hộ thì có tới hơn 1.000 hộ nuôi bò, trong đó nhiều nhất là ở thôn Cù Lâm (300 hộ). Cũng nhờ đó mà nhiều nhà ăn nên làm ra, thoát nghèo, đời sống khấm khá.
Nuôi… bò ăn cơm đứng
Phía sau căn nhà khang trang của vợ chồng ông Đỗ Văn Sửu và bà Nguyễn Thị Huệ (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc) là khu…nhà bò. Gọi là nhà, bởi nó được xây dựng chắc chắn, cao ráo, thoáng mát, nền đổ xi măng, mái lợp ngói đỏ. Ông Sửu nói, những chú bò là tài sản lớn nhất của gia đình, là nguồn thu chính nên cần được đối đãi tử tế. Nhà bò được ngăn làm nhiều ô để tiện cho việc chăm sóc. Ba chú bò với dáng vóc to lớn đang chậm rãi nhai rơm. “Chưa đến giờ ăn chính nên cho mấy chú ấy nhai rơm cho đỡ buồn miệng” – vừa nói ông vừa khẽ vuốt ve đường lưng của chú bò bên cạnh.
Để có được ba “chú” bò này, ông Sửu phải cất công lặn lội lên đi các huyện miền núi Tây Sơn, Hoài Ân, An Lão… để tìm bò ưng ý. Vốn là bò kéo, lúc mới mua về nhìn chúng rất gầy nhưng được cái đùi thẳng, vai hở, khung xương to. “Mang về chăm được một tháng con nào con nấy đẫy đà, lông mượt. Chừng một tháng nữa lại khối ông lái buôn“mê” đấy”, ông Sửu gật gù.
“Địa phương xác định nuôi bò vỗ béo là một trong những thế mạnh, chủ lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nên sẽ tận dụng các nguồn lực để hỗ trợ người dân tích cực nhất. Hiện, người dân vẫn gặp khó khăn về đầu ra nên phải tập trung giải quyết khâu này”.
Ông Dương Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết
Hỏi bí quyết chăm bò nhanh lớn, hiệu quả, ông cười khà, bí quyết thì cả làng Cù Lâm này biết rồi. Vốn sẵn nghề truyền thống nấu rượu Bàu Đá, hèm rượu sau khi nấu là thức ăn vỗ béo và kích thích nhanh nhất cho bò, lợn. Ông Sửu tham gia lớp tập huấn của nhóm nuôi bò New Zealand, rồi về áp dụng linh hoạt cùng với cách chăm bò truyền thống. Thường ông nuôi 5 con bò vỗ béo nhưng nay đang vào mùa mưa nên chỉ có 3 con. Một năm chừng 4 – 5 lứa nuôi (2 – 3 tháng/đợt), kiếm vài chục triệu là chuyện thường, có năm trúng tới gần cả trăm triệu. Nhờ vậy, ông nuôi cả nhà và ba đứa con ăn học đại học thoải mái.
Vợ chồng chị Từ Thị Yên và anh Đinh Văn Quốc kinh tế khấm khá cũng nhờ nuôi bò. Ngày mới cưới, vợ chồng chỉ có bốn bàn tay trắng. Khi xã có chính sách cho hộ dân vay tiền mua bò phát triển kinh tế, vợ chồng chị được vay 20 triệu đồng, rồi vay mượn thêm ít tiền đầu tư nuôi bò vỗ béo. Anh Quốc đạp xe đi khắp các huyện mới tìm được cặp bò ưng ý. Mua được bò rồi nhưng không có xe chở, anh dắt bộ, về đến nhà cả bò lẫn người bùn đất lấm lem. “Vợ vẫn ưu tiên dọn chuồng, tắm rửa cho bò sạch sẽ trước mới đến lượt…chồng. Chắc vì thế mà chúng ngoan, ham ăn, lớn lên trông thấy” – anh Quốc vui vẻ.
Có vốn gối đầu, vợ chồng đầu tư chuồng trại lớn, số lượng nhiều hơn, có lúc đến 5 con. Công thức cho thức ăn cho bò cũng đơn giản gồm cám ngô, cỏ voi trộn với bã hèm rượu giúp bò ăn ngon miệng, lông mượt, thịt nhiều nên thương lái cứ tìm đến tận nhà để mua. Chỉ vào căn nhà khang trang cất cách đây 4 năm, chị Yên bảo, cũng nhờ vào bò mới có nhà, hai con được ăn học, chứ không cũng kéo nhau biệt xứ mưu sinh rồi.
Chữ tín
Tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Bảo và chị Nguyễn Thị Mỹ Lý, đúng lúc anh đang chuẩn bị bữa tối cho bò. Cỏ voi cắt về từ mảnh ruộng thuê gần nhà trộn với bột bắp (ngô), cám gạo và nồi bã hèm vừa cất rượu. Anh nói ngày cho bò ăn ba bữa như vậy, do có bã hèm nên kích thích bò ăn ngon, nhiều hơn. Ăn no là lăn ra ngủ. Từ con bò kéo cộ gầy gò nay phổng phao, chắc thịt. Ba con bò vừa được mua về nuôi được một tháng với giá 36 triệu đồng/con. Cứ đà này chừng một tháng nữa đã nắm chắc trong tay trên 40 triệu đồng/con. Mỗi năm nuôi 5 lứa (có lứa nuôi 5 con) đều đều cũng thu được 60 – 70 triệu đồng/năm.
“Mình làm ăn lâu dài nên dù nuôi trong thời gian ngắn nhưng phải đảm bảo tiêm ngừa đàng hoàng tránh rủi ro. Vừa rồi nghe báo đài nói chuyện dùng chất cấm trong chăn nuôi thấy hãi quá. Vì lợi nhuận nhiều mà nhiều người bất chấp thủ đoạn, làm nguy hiểm, ảnh hưởng đến cả tính mạng con người thì không được rồi” – anh Bảo tâm sự.
Ông Trương Thanh Liêm, cán bộ khuyến nông xã, cho hay, dân ở đây giờ có con bò giúp cho kinh tế khá nên ai nấy phấn khởi. Xã đứng ra tín chấp để người dân vay 20 triệu đồng/hộ, hỗ trợ lãi suất thấp để khuyến khích bà con làm ăn. Nay nhiều nhà có đàn bò 3 – 5 con, sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy và nuôi con cái ăn học đàng hoàng. “Ai ở đâu làm ăn bậy bạ, dùng thuốc này thuốc nọ, rồi chất cấm để làm lợi, chứ dân ở đây chẳng cần dùng đến mấy thứ đó vẫn cho thu nhập, kinh tế vững, mà đó cũng làm nên cả chữ tín cho làng nữa” – ông Liêm nói.