Cây hoa xương rồng là một loại khá phổ biến đối với nhiều người. Đây là loại cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc bởi tính thích nghi cao với môi trường của nó. Bài viết sau sẽ tổng hợp những điều cần biết về cách chăm sóc cây hoa xương rồng cho các bạn. Thêm nhiều kinh nghiệm bạn càng chăm sóc chậu xương rồng của mình nhanh lớn và đẹp mắt hơn phải không nào?
Điều kiện môi trường thích hợp
Cây xương rồng thân mọng nước, có nguồn gốc từ sa mạc. Vì vậy chúng rất ưa ánh sáng, đặc biệt ánh sáng mặt trời buổi sáng rất tốt cho cây. Thế nên cách chăm sóc cây hoa xương rồng hợp lý là cho dù bận bịu thế nào, bạn nhớ đem chúng ra ngoài trời để đón nhận trực tiếp ánh sáng nhé. Tuy nhiên đối với cây non, hạt mới mọc mầm thì chỉ cần phơi nắng 2 giờ. Đối với những chậu cây bạn để lâu trong nhà, khi đem ra phơi nắng trực tiếp quá lâu, thân cây sẽ có hiện tượng cháy nâu hoặc đen, các bạn nên lưu ý phơi nắng cho thích hợp.
Nhiệt độ thích hợp để cây phát triển là từ 15-28 độ C. Tuy nhiên với giống loài có nguồn gốc từ sa mạc, xương rồng có thể chịu được nhiệt độ cao đến 50 độ C và nhiệt độ thấp 10 độ C.
Cây hoa xương rồng mọng nước và ưa sự thoáng đãng của sa mạc. Chính vì vậy cách chăm sóc cây hoa xương rồng đơn giản nhất là tạo ra một môi trường thoáng đãng để nó phát triển một cách tự nhiên nhất. Bạn có thể trưng diện chậu xương rồng trong nhà 2-3 ngày nhưng cũng cần phải đưa ra nắng thường xuyên. Vị trí hoàn hảo nhất bạn nên đặt các chậu hoa xương rồng là ở ban công nhà bạn với không gian lý tưởng: thoáng đãng đón gió, đón ánh nắng mặt trời buổi sáng, là một điều kiện rất thích hợp để chúng sinh trưởng và phát triển. Chưa dừng lại ở đó, không chỉ mang lại vẻ đẹp cho ban công nhà, xương rồng còn là cây trồng tốt cho phong thủy, thu hút tài lộc, giúp mang lại nhiều vượng khí và may mắn cho gia chủ.
Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc hợp lý
Như đã nói ở phần trước, xương rồng là loại cây mọng nước vì vậy, trong cách chăm sóc cây hoa xương rồng, chúng ta cần phải lưu ý đến chế độ nước sao cho phù hợp. Xương rồng không cần nhiều nước và để tránh ngập úng, đất trồng trong chậu cây lưu ý cần phải xốp, mịn, dễ thoát nước. Dưới đáy chậu nên lót sỏi, đá, có lỗ thoát nước. Thời gian tưới nước bạn có thể căn cứ bằng mắt thường. Khi đất quanh chậu khô đi bạn mới nên tưới và tưới 1 lượng nước vừa đủ để ngấm đến rễ (thường khoảng 3/4 chậu).
Mặc dù xương rồng có nguồn gốc từ sa mạc, chịu được điều kiện khô cằn, nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên nếu bạn muốn chậu hoa xương rồng của mình tươi tốt, chẳng dại gì để cho chúng thiếu dinh dưỡng phải không? Bạn nên chọn loại đất trồng giàu dinh dưỡng (nếu không có thời gian bạn có thể mua đất trộn sẵn rất dễ tìm trên thị trường). Trong giai đoạn phát triển bạn cần bổ sung chất đạm (N) để giúp thân cây phát triển. Ngoài ra cần bổ sung Phosphorus và Potassium để bộ rễ khỏe mạnh và hoa của cây thêm bền đẹp. Ngoài ra cũng cần bổ sung thêm các vi chất khác. Hiện nay có nhiều sản phẩm pha sẵn, đầy đủ hướng dẫn và cách pha chế để các bạn dễ dàng sử dụng. Liều lượng pha tưới thường vào khoảng 1 – 1.5 g/lít nước.
Cách chăm sóc cây hoa xương rồng ra hoa theo ý muốn
Phương pháp chăm sóc cây đào, mai cho hoa đúng dịp tết cũng được áp dụng để chăm sóc cây hoa xương rồng ra hoa theo ý muốn. Các loại cây mọng nước như hoa xương rồng nếu được tưới nhiều nước và bón nhiều đạm (N) thì thân và lá cây sẽ phát triển rất tốt nhưng sẽ không ra hoa. Vì thế, chúng ta chỉ cần cho cây bị hạn (không tưới nước) và không bón đạm thì cây sẽ ra hoa, hơn nữa hoa sẽ rất lâu tàn và bền màu. Rất đơn giản phải không nào?
Có thể nói chăm sóc cây hoa xương rồng khá đơn giản bởi tính thích nghi cao với môi trường. Nếu các bạn nắm bắt được những kinh nghiệm trên, chắc chắn các bạn sẽ có những chậu hoa xương rồng khỏe mạnh, tươi tắn và ra hoa theo ý muốn của mình. Hi vọng các bạn có những trải nghiệm có ích cùng chúng tôi!