Nuôi tôm càng xanh bậc thang

Nuôi tôm càng xanh bậc thang là loại hình nuôi tôm từ giống lên thương phẩm phải qua 3 bậc (ao), bao gồm ao ương, ao nuôi chuyền và ao nuôi tôm đực. Đây là hình thức nuôi mới, có thể nuôi được nhiều đợt trong một vụ.

Nuôi tôm càng xanh bậc thang - 47615 tomcx

Chuẩn bị ao

Hệ thống ao nuôi tôm càng xanh bậc thang có tổng diện tích 12.000 – 15.000 m2, được chia làm 3 ao (ao ương, ao chuyền, ao nuôi tôm đực); các ao được thiết kế gần nhau và chủ động nguồn nước cấp từ ao lắng.

Ao ương có diện tích 1.500 – 2.000 m2, ao nuôi chuyền 4.000 – 5.000 m2, ao nuôi tôm đực 7.000 – 8.000 m2. Các ao đều được cải tạo theo đúng quy trình kỹ thuật, như: bơm cạn, thu dọn, sên vét bùn đáy, san phẳng, gia cố bờ ao, rải vôi bột khử trùng, trung hòa pH (liều lượng 12 – 14 kg/100 m2, phơi đáy và cấp nước trước khi thả  tôm 7 – 10 ngày).

Ao ương, sau khi cải tạo, phơi đáy 4 – 5 ngày rồi cấp nước lọc qua lưới dày, diệt tạp bằng saponin. Dùng bột đậu tương + cám gạo ủ gây màu nước với tỷ lệ 1/1, liều lượng 3 kg/100 m2/ngày, liên tục 3 – 5 ngày, duy trì mực nước 1 m trở lên.

Nuôi tôm càng xanh bậc thang - z300 con tom 964

Thả giống, ao ương

Giống tôm phải khỏe mạnh, cỡ Pl12 trở lên, có thể thả giống tôm toàn đực hoặc giống bình thường mua ở những cơ sở uy tín, mật độ thả 25 con/m2. Giống được thả vào buổi sáng hoặc chiều mát.

Nuôi tôm trong ao ương thời gian 45 ngày, sử dụng thức ăn công nghiệp cỡ 0,5 – 2 mm, hàm lượng đạm 30% trở lên.  Liều lượng thức ăn từ ngày đầu đến ngày thứ 20 chiếm 30% khối lượng tôm trong ao, từ ngày thứ 20 đến ngày thứ 45 thức ăn chiếm 15%. Dùng nhá, vó hoặc chài để xác định sức ăn và khối lượng tôm trong ao. Nên trộn thêm thức ăn chế biến và tươi sống vào thức ăn (chiếm 10%) để gây mùi hấp dẫn tôm. Bật quạt khí sau 1 tháng nuôi và quạt chủ yếu về đêm.

Sau 1 tháng nuôi, nên thay 20% nước ao mỗi lần và thay 5 ngày/lần để kích thích tôm bắt mồi và lột vỏ nhanh. Sau 45 ngày nuôi thì thu tôm bằng lưới mềm và chuyển tôm sang ao nuôi chuyền. Tôm thu đạt cỡ 5 g/con, tỷ lệ sống 80%, hệ số thức ăn 1,0. Thu tôm xong cho ao nghỉ 1 tháng rồi tiếp tục cải tạo, cấp nước  để nuôi đợt mới.

Ao nuôi chuyền

Sau khi nuôi tôm ở ao ương được 35 ngày thì cải tạo ao nuôi chuyền. Việc cải tạo, cấp nước và gây màu tương tự như ao ương, thời gian nuôi ở ao chuyền 75 ngày. Nên dùng thức ăn công nghiệp có 25 – 30% đạm, lượng thức ăn hằng ngày chiếm 8 – 10% khối lượng tôm trong ao. Căn cứ vào sức ăn của tôm trong nhá vó để điều chỉnh đủ lượng thức ăn, tránh dư thừa. Số tôm chuyển từ ao ương sang ao chuyền sau khi trừ hao hụt, đạt mật độ 8 con/m2. Khi pH < 7, sử dụng vôi lượng 1 – 1,5 kg/100 m3 té xuống ao để nâng pH nước. Khi pH > 8, dùng đường mía 2 kg/100 m3 hòa loãng té xuống ao. Vào những ngày mưa, cần rải vôi quanh bờ ao để tránh rửa trôi phèn. Tăng cường quạt khí về đêm nhằm cung cấp đủ ôxy cho tôm hô hấp.  Duy trì chế độ thay nước 3 – 4 ngày/lần, mỗi lần 20 – 30% lượng nước ao, để giảm ô nhiễm và kích thích tôm lột vỏ. Bổ sung chất khoáng, vitamin, thuốc bổ gan để kích thích tăng trưởng tôm.

Sau 75 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng 25 – 30 g/con thì có thể thu tỉa tôm cái (giống tôm thường) rồi chuyển tôm đực sang ao nuôi tôm đực để nuôi tiếp. Nếu thả giống tôm đơn tính toàn đực thì chuyển toàn bộ lượng tôm từ ao chuyền vào ao tôm đực nuôi tiếp. Kết quả ao nuôi chuyền tỷ lệ sống 90%, hệ số thức ăn 1,1. Sau khi thu hoạch tôm, cho ao nghỉ 15 ngày rồi cải tạo, cấp nước và tiếp nhận đợt tôm mới ở ao ương sang nuôi tiếp.

Ao nuôi tôm đực

Khi nuôi ao chuyền được 65 ngày thì chuẩn bị ao nuôi tôm đực, việc chuẩn bị ao tương tự như ao nuôi chuyền và không cần gây màu nước. Thời gian nuôi ao tôm đực 60 ngày, mật độ nuôi lúc này 2,5 – 5 con/m2. Có thể dùng cả thức ăn công nghiệp và thức ăn tươi sống cho tôm ăn. Thức ăn cho tôm có độ đạm 25 – 30%, lượng thức ăn hằng ngày chiếm 6 – 7% khối lượng tôm. Cần xác định lượng tôm thả và mật độ để chăm sóc và cho ăn phù hợp. Chăm sóc tôm giai đoạn này tương tự như nuôi ao chuyền; song cần quản lý tốt nước nuôi, bằng cách tăng cường thay nước 2 – 3 ngày/lần, mỗi lần 30% lượng nước nuôi. Bổ sung chất khoáng, vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn, giúp tôm tăng trưởng nhanh. Sau 2 tháng nuôi thì thu hoạch, rồi cải tạo ao để nuôi đợt mới. Tôm thương phẩm đạt cỡ 80 – 120 g/con, tỷ lệ sống 90%, hệ số thức ăn 1,34.

Hiệu quả

Thực tế nuôi tôm càng xanh bậc thang cho thấy tỷ lệ sống của tôm trong một vòng nuôi đạt 86%; hệ số thức ăn 1,15; năng suất 2,3 – 3 tấn/ha; trừ chi phí còn lãi 230 – 250 triệu đồng/ha.

>> Ưu điểm của loại hình nuôi tôm càng xanh bậc thang là kiểm soát được số lượng tôm, nâng cao tỉ lệ sống, dễ quản lý thức ăn và giảm ô nhiễm môi trường nước ao nuôi. Không có tôm cá tạp trong ao cạnh tranh thức ăn, tận dụng được diện tích ao; hệ số thức ăn thấp, ít rủi ro, vốn đầu tư thấp và mang lại lợi nhuận cao.

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Thảo luận cho bài: Nuôi tôm càng xanh bậc thang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *