Tôi cam đoan rằng việc nuôi vịt cỏ Vân Đình đúng kiểu đuổi đồng, thịt thơm ngon chẳng kém thịt vịt trời, còn khả năng sinh lời thì con vịt siêu thịt còn phải chắp cánh xin… hàng.
Nuôi vịt cỏ thả đồng
Vịt cỏ tức là giống vịt nhỏ. Việt Nam trước đây có rất nhiều giống vịt cỏ nhưng nổi tiếng nhất phải nói đến vịt cỏ Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Vịt cỏ Vân Đình đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc, giúp cho thị trấn nhỏ bé vùng ngoại thành trở thành thủ phủ của nghề cháo vịt, vịt nướng, giúp cho hàng trăm chủ quán xây được nhà tầng, biệt thự.
Đó là chuyện ngày xưa, còn giờ đây gần như 100% vịt chế biến dưới thương hiệu vịt cỏ Vân Đình ngay cả trên chính quê hương của chúng đều là giống vịt lai, nuôi bằng cám công nghiệp.
Lớn nhanh hơn, trọng lượng đẫy đà hơn, cuộc chiến giữa một bên là giống vịt bầu cánh trắng nhập theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc và một bên là giống vịt cỏ bản địa với thân hình mảnh mai dần trở thành không cân sức.
Vịt cỏ ngày càng trở nên hiếm hoi đến mức chỉ những người thực sự quen biết mới tìm đến tận nơi chăn nuôi nằn nì mua cho bằng được một đôi về đãi khách.
Vậy vịt cỏ là gì? Hình dáng của chúng ra sao? Chất lượng thịt của chúng thế nào?
Trước tiên khác ở trọng lượng rất nhỏ của chúng, con đực khoảng 1,4 kg, con cái 1,2 kg. Thứ nữa là lông cánh dài, màu cà cuống (màu gần như màu đất hay màu lông chim sẻ) khác hẳn với vịt bầu cánh trắng đang bán phổ biến hiện nay.
Loại vịt này nếu nhìn qua khá giống vịt trời nhưng vịt trời thường mỏ màu xanh rêu, còn vịt cỏ thường có mỏ vàng. Điều quan trọng nhất là chất lượng, thớ thịt dày vừa phải, thơm và xương nhỏ.
Người ta có thể nuôi vịt cỏ theo hai hình thức, khô và ướt. Nuôi khô là quây vịt lại trong vườn, nuôi bằng cám ngô, cám gạo và thóc. Cách này thịt vịt tuy cũng ngon nhưng không thể thơm bằng cách nuôi ướt kiểu đuổi đồng được.
Vịt được gột từ lúc bóc trứng cho cứng cáp rồi được thả trên đồng ngập nước vào mùa gặt lúa. Chúng lớn nhờ hạt thóc rơi hạt thóc vãi, nhờ con cua con ốc xứ đồng chiêm trũng Ứng Hòa để dâng cho đời một thứ thịt vịt không thể trộn lẫn.
Thơm mà không bị ngậy vì ít mỡ, ngọt mà không hề bị khô vì chẳng có chút chất tạo nạc nhân tạo nào.
Chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm thịt vịt đang là xu thế ở Hà Nội từ sữa bò tươi, trứng gia cầm, thịt lợn được SX ở trại chăn nuôi lớn cho tới các sản phẩm chăn nuôi truyền thống của các địa phương như gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình, trứng vịt Liên Châu.
Nuôi vịt cỏ kiểu thả đồng rất lợi cho cây lúa vì suốt ngày đàn vịt sục sạo trên ruộng ăn rong rêu, tôm tép, sâu bọ. Bà con nông dân ví von con vịt cỏ là mồm làm cỏ, đít bỏ phân là như vậy. Nước ngoài đồng càng cao thì vịt cỏ càng lớn nhanh.
Vịt cỏ Vân Đình cũng rất khôn, dù chăn thả cách xa chuồng cả cây số, con nào mải ăn sót lại trên đồng đêm đến vẫn nhớ máng, nhớ chuồng mà quay về.
Trước nguy cơ tuyệt diệt một giống vịt nổi tiếng, ở Hà Nội mấy năm trước, người ta đã xây dựng lên một chuỗi liên kết chăn nuôi vịt cỏ Vân Đình với số thành viên là 42 hộ tại các xã Vạn Thái, Trầm Lộng, Phương Tú và thị trấn Vân Đình.
Quy mô chăn nuôi thường xuyên được hoạch định là 60.000 con, sản lượng cung cấp ra thị trường mỗi ngày là 1,5 tấn thịt vịt.
Lúc đầu còn những dè dặt, e ngại nhưng càng tham gia nuôi vịt cỏ, người nông dân càng mê. Những ai ngày nào còn hoa mắt trước tốc độ lớn của con vịt siêu thịt nay đã ngẫm lại.
Nuôi vịt siêu tiếng là lớn nhanh thật nhưng tốn cám công nghiệp, chi phí giá thành cao, suy cho cùng chỉ “béo” mỗi anh bán cám.
Đã thế vịt siêu ở đâu cũng nuôi được, số lượng rất lớn nên không thể độc quyền “một mình một chợ” như vịt cỏ được, do đó giá cả cũng bấp bênh và thường là thấp. Còn con vịt cỏ thì lợi thế đủ bề vì ít bệnh tật, lại siêng năng kiếm ăn, kham khổ đã quen rồi.
Nguồn: nghenong.com