Nếu dùng cho ăn tươi nên thu hái vào khoảng từ 113-118 ngày sau khi đậu trái; nếu dùng cho bảo quản để vận chuyển đi xa nên thu hái sớm hơn vài, ba ngày khoảng 110 ngày sau khi đậu trái.
– Phương pháp thu hái Sầu riêng (đặc biệt với giống sầu riêng cơm vàng hạt lép): Nếu dùng cho ăn tươi nên thu hái vào khoảng từ 113-118 ngày sau khi đậu trái; nếu dùng cho bảo quản để vận chuyển đi xa nên thu hái sớm hơn vài, ba ngày (khoảng 110 ngày sau khi đậu trái).
Biểu hiện bên ngoài: vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu đồng vàng nhạt. Trên mặt vỏ xuất hiện đường thẳng rõ nét chạy từ trên xuống qua các gai theo hình múi quả. Phần nối giữa cuống quả và thân cây rất dễ tách ra (nhà vườn quen gọi là “tróc đĩa”).
Quả có mùi thơm nhẹ, thịt quả mềm, màu vàng ươm, vị ngọt đậm, béo ngậy, ăn không sượng. Nếu thu hái sớm hơn thì vỏ còn xanh, thịt còn trắng, ăn không ngọt, không thơm, quả dễ sượng.
– Bảo quản: Có nên bảo quản trái sầu riêng bằng thuốc trừ nấm Carbenzim không?
Thời gian gần đây, ở Tiền Giang và một số địa phương các tỉnh lân cận xuất hiện tin đồn thất thiệt “ăn sầu riêng bị bệnh ung thư”, từ việc một số nhà vườn và chủ vựa trái cây trước khi thu hoạch ít ngày và sau khi thu hoạch đã trét Carbenzim (tên thương mại của Carbendazim) đậm đặc vào đít trái sầu riêng nhằm mục đích bảo quản được lâu.
Carbendazim là loại thuốc trừ nấm phổ rộng, được sử dụng để phòng trừ nhiều loại nấm gây bệnh đốm lá, cháy lá, thối trái, ghẻ, phấn trắng,… trên nhiều loại cây lương thực, thực phẩm, rau và cây ăn trái. Thuốc Carbendazim có thể được xử lý theo nhiều cách khác nhau: Đối với cây ăn trái có thể phun lên cây, tiêm vào thân cây, phun lên trái, nhúng trái sau thu hoạch vào dung dịch thuốc pha loãng để bảo quản.
Vấn đề người tiêu dùng quan tâm: Carbendazim có nguy cơ gây bệnh ung thư không? Thông tin do Trung tâm Kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Nam khẳng định rằng Carbendazim có độc cấp tính thấp, không gây đột biến di truyền. Liên minh châu Âu (EU) và cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARA) không đưa Carbendazim vào danh sách các chất có khả năng gây ung thư. Riêng cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ (USRPA) xếp chất này vào nhóm C – có thể gây ung thư.
Trung tâm Kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Nam còn cho rằng: Carbendazim xâm nhập vào cơ thể động vật máu nóng chủ yếu qua đường miệng, không xâm nhập qua da. Khi đã xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, Carbendazim sẽ nhanh chóng được chuyển hóa và loại thải qua nước tiểu và phân. Dựa trên phân tích khẩu phần ăn hàng ngày và mức dư lượng tối đa cho phép, các tổ chức UNEP/ILO/WHO xếp Carbendazim vào nhóm ít có khả năng gây nguy cơ về sức khỏe đối với cộng đồng.
Để trấn an người tiêu dùng, đồng thời cung cấp thông tin cho nhà vườn, ngày 6/6/2007, tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Cục bảo vệ thực vật đã phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam, Sở Nông nghiệp & PTNT Tiền Giang và chính quyền địa phương tổ chức cuộc Hội thảo với sự tham gia của hơn 100 nhà vườn trồng sầu riêng của xã Ngũ Hiệp, Tam Bình và vùng lân cận thuộc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, cán bộ quản lý địa phương từ xã đến huyện đã cùng các nhà khoa học và hàng chục nhà báo quan tâm cùng tham dự.
Tại cuộc Hội thảo đã thảo luận xung quanh tác dụng của loại thuốc trừ nấm Carbendazim: lợi và hại của nó trong quá trình sử dụng bảo vệ cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng. Mục tiêu chính của Hội thảo là tìm xem Carbendazim có ảnh hưởng đến sức khỏe con người không?
Đa số các đại biểu đều thống nhất mặt tích cực của thuốc này là góp phần bảo vệ sản phẩm cây ăn trái: giữ vững năng suất và không ảnh hưởng đến chất lượng của quả thương phẩm, còn tác hại đến sức khỏe con người thì ít có khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng trên thế giới vẫn còn ý kiến khác nhau, cho nên vì sức khỏe cộng đồng, vì an toàn thực phẩm, Hội thảo khuyến nghị: “nhà vườn, chủ vựa trái cây tuyệt đối không trét Carbenzim vào trái sầu riêng; người tiêu dùng không mua, không ăn sầu riêng có trét thuốc Carbenzim” và khuyến nghị trên đã được ban tổ chức yêu cầu thực hiện.
Nguồn: sưu tầm