Nội dung chính
Đại diện BIDV cho biết, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân, ngay khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, BIDV đã chủ động thăm hỏi, chia sẻ khó khăn với ngư dân vay vốn trên địa bàn.
Qua các cuộc trao đổi với cán bộ tín dụng của BIDV, bà con ngư dân cho biết, bên cạnh việc gây thiệt hại lớn đến kinh tế, tình trạng cá chết hàng loạt thời gian qua đã gây tâm lý hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và hoạt động du lịch của các tỉnh. Do đó, bà con rất mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan sớm có kết luận nguyên nhân làm cá chết hàng loạt và công bố rộng rãi để cho bà con yên tâm ra khơi, bám biển. Bà con cũng đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ để khôi phục hoạt động khai thác, đánh bắt xa bờ.
Thiệt hại lớn về kinh tế
Trong gói tín dụng 1.500 tỷ đồng, BIDV sẽ dành 500 tỷ đồng cho doanh nghiệp; 1.000 tỷ đồng cho cá nhân, hộ gia đình. Về lãi suất- ngắn hạn là 6%/năm; trung dài hạn là 8%/năm. Thời hạn triển khai 6 tháng kể từ ngày 4.5.2016.
Sau khi trực tiếp khảo sát, tổng hợp ý kiến của bà con ngư dân, BIDV tiếp tục có công văn gửi đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ NNPTNT làm đầu mối thực hiện, sớm có đánh giá, tổng hợp trình Chính phủ phương án hỗ trợ ngư dân ở khu vực bị thiệt hại do cá chết bất thường được áp dụng cơ chế hỗ trợ theo Quyết định 48 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ (hỗ trợ chi phí tiền dầu, bảo hiểm…) để giải quyết khó khăn trước mắt; đề xuất có biện pháp thu mua đối với lượng thủy sản mà ngư dân đã khai thác được. Hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật đối với ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp để đảm bảo cuộc sống.
Đề xuất đối với UBND các tỉnh có ảnh hưởng trực tiếp, các tỉnh lân cận: Giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 chủ trì và trực tiếp chỉ đạo việc hỗ trợ bà con ngư dân khắc phục tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của hiện tượng cá chết hàng loạt. Huy động lực lượng thực hiện việc cấp giấy chứng nhận an toàn đối với thủy hải sản khai thác xa bờ ngay khi tàu cập cảng và cho đưa đi tiêu thụ bình thường.
Đề xuất đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực và có trách nhiệm hơn trong triển khai cho vay theo Nghị định 67. Đề nghị NHNN đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội để giúp bà con ngư dân vượt qua khó khăn trước mắt…
Triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 1.5 và ý kiến của Thống đốc NHNN, BIDV đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ đối với bà con ngư dân bị ảnh hưởng tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế). Cụ thể, BIDV triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến, nuôi trồng, tiêu thụ thủy, hải sản.
Ngoài ra, đối với khách hàng đã vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, BIDV miễn toàn bộ lãi trong 6 tháng kể từ ngày 8.4 đối với các khoản vay mà chủ tàu đã hoàn thành việc đóng tàu, đưa vào khai thác, sử dụng nhưng không bán được cá đã khai thác.
Đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp (người nuôi trồng có thủy, hải sản bị chết), BIDV miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong vòng 3 tháng từ 8.4; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng (giữ nguyên nhóm nợ). Đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp còn lại (khai thác, nuôi trồng mà quá trình tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng; các khách hàng chế biến, kinh doanh thủy hải sản), BIDV miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong vòng 1 tháng kể từ ngày 8.4; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Trường hợp ngưng trệ sản xuất kéo dài, BIDV sẽ xem xét bổ sung các chính sách hỗ trợ tiếp theo.
Nguồn: 2lua.vn