Ngành nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Bình Định được ưu tiên khuyến khích phát triển để nâng cao năng suất, chất lượng.
Đến nay, tỉnh Bình Định đã phát triển nhiều dự án nuôi tôm công nghệ cao như Công ty Cổ phần Thuỷ sản Việt – Úc đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà kính nuôi tôm công nghệ cao với hơn 300 ha tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Công ty TNHH Thành Ly đang triển khai dự án nuôi tôm công nghệ cao tại các xã Cát Hải, Cát Thành, huyện Phù Cát. Công ty TNHH Thạnh Vân và Công ty TNHH Hiệp Thành đang làm thủ tục dự án đầu tư nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát…
Việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp năng suất chất lượng tôm thương phẩm ở Bình Định được không ngừng nâng cao
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, ngay từ nửa cuối năm 2015, tỉnh đã giao 120 ha đất cho Công ty CP Thủy sản Việt – Úc đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ).
Theo đó, tôm sẽ được nuôi trong nhà màng Israel, dùng công nghệ lọc nước tuần hoàn của Mỹ và Hà Lan, sử dụng chế phẩm sinh học, ao nuôi có mái che phủ. Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu tôm thương phẩm trực tiếp ra thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản. Ngoài ra, dự án còn cung cấp nguyên liệu trực tiếp cho các công ty, nhà máy chế biến tôm trong nước.
Trước đó Bình Định cũng đã chấp thuận cho Công ty TNHH Thành Ly triển khai dự án nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao tại xã Cát Hải và Cát Thành (huyện Phù Cát). Dự án có vốn đầu tư hơn 284 tỷ đồng, nuôi trên diện tích 48 ha, gồm 108 hồ nuôi tôm với 24 hồ chứa lắng xử lý nước và 12 hồ lắng – xử lý bùn. Dự kiến sản lượng tôm thẻ chân trắng hàng năm thu hoạch khoảng 2.700 tấn trong hai vụ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Uy, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng và Chế biến thuỷ sản Xanh cho biết, trên cơ sở tìm hiểu về xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm thương phẩm, năm 2013 công ty đã đầu tư trên 3 tỷ đồng, xây dựng 7 ao nuôi trên tổng diện tích 26.000 m2 tại thôn Tân Thắng, xã Cát Hải, huyện Phù Cát. Công ty đã ứng dụng nuôi tôm theo công nghệ BioFloc, đây là công nghệ tiên tiến tầm cỡ thế giới đầu tiên được ứng dụng nuôi tôm tại tỉnh Bình Định. Đến năm 2015 năng suất mỗi ao đạt 18 tấn tôm thương phẩm và đạt tổng doanh thu trên 15,4 tỷ đồng.
Bình Định hiện đang ngày càng có nhiều dự án ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao. Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi sẽ góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững khi Việt Nam bắt đầu hội nhập vào thị trường TPP.
Nguồn: sưu tầm