Cá Dĩa

Cá Dĩa có hình dĩa tròn, dẹp ngang, màu sắc rất đa dạng với rất nhiều đốm và hoa văn trên cơ thể. Đầu ngắn, mắt khá lớn và linh động.

Cá Dĩa - ca dia

Các vi phát triển, vi ngực và vi đuôi là những tia vi mềm. Đường bên không hoàn toàn, đường bên phía trên từ nắp mang đến giữa thân, đường bên phía dưới từ giữa thân đến cuống đuôi. Trên thân có nhiều sọc đứng, tùy theo loài mà các sọc này có số lượng và độ đậm nhạt khác nhau.

1. Đặc điểm phân bố

Cá Dĩa có phân bố tự nhiên ở vùng Amazon (Nam Mỹ), nơi có nhiệt độ nước trung bình từ 28 – 30 độ C và độ pH thấp khoảng 6,4, ngoài ra còn một số loài có thể sống ở mức pH khoảng 4 (Nguyễn Minh ,1998 và Đoàn Khắc Bộ, 2007). Cá dĩa được đưa vào nuôi đầu tiên ở Mỹ vào những thập niên 50 của thế kỹ 19. Sau đó lan dần sang các nước châu Á như Hông Kông, Đài Loan, Singapor, Thái Lan…

2. Đặc điểm sinh trưởng

So với một số loài cá khác, thời gian phát triển phôi của cá Dĩa thì khá dài. Tính từ lúc cá mẹ vừa đẻ trứng, thì khoảng 60 giờ ở nhiệt độ 30 độ C và 65 – 72 giờ ở nhiệt độ 26 – 28 độ C thì cá nở (Đoàn Khắc Bộ, 2007). Cá bột mới nở có kích thước khoảng 1,2 – 2 mm. Sau 5 – 6 tuần tuổi cá có chiều dài khoảng 2,4 – 2,5cm và cá từ 5 – 6 tháng tuổi trở lên thì màu sắc trên cơ thể mới hiển thị đầy đủ. Theo một số nghệ nhân ở thành phố Hồ Chí Minh cá Dĩa có thể tuổi thọ trung bình khoảng 8 năm, nhưng có một số con cũng có thể sống từ 12 – 13 năm.

3. Đặc điểm dinh dưỡng

Cá Dĩa có dạ dày đặc biệt, phân nhánh và có vách dày. Ruột cá dĩa tương đối ngắn, miệng nhỏ và răng hàm gồm một hàng những gai nhỏ hình chóp. Từ những đặc điểm trên, có thể nhận định cá Dĩa là loài cá ăn động vật (Nguyễn Thị Thanh Hiền, 1993 ).

– Sau khi nở cá con sẽ bám và ăn các chất nhờn trên cơ thể cá bố mẹ. Giai đoạn này kéo dài từ 12 – 14 ngày (Đoàn Khắc Bộ,2007). Lúc này cá con ăn được các thức ăn tự nhiên như Artermia, Moina, Daphnia. Cá từ 3 tuần tuổi trở lên có thể ăn được các loại thức ăn như trùn chỉ, tim bò, lăng quăng, ròng ròng (Thomas A. Giovanetti 1991, Nguyễn Minh 1998, Đoàn Khắc Bộ 2007).

 

– Thức ăn cho cá Dĩa cần phải được thay đổi thường xuyên, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sinh trưởng và sự lên màu của cá vì màu sắc của cá Dĩa phụ thuộc rất nhiều vào thức ăn và môi trường nuôi (Bùi Minh Tâm 2008).

– Ngoài các loại thức ăn trên, trong quá trình nuôi cũng cần bổ sung thêm các loài vitamin như vitamin A, D,… Nếu thiếu các loại vitamin này cá có thể bị một số bệnh như kém ăn, chậm phát triển, màu sắc nhợt nhạt, xương bị giòn và mang bị biến dạng.

4. Đặc điểm sinh sản

– Tuổi thành thục của cá Dĩa là khoảng 10 – 12 tháng (Bùi Minh Tâm 2008, Đoàn Khắc Bộ 2007). Trong thời kỳ phát dục cá có màu sắc rất sặc sỡ. cá mái thường hung hăng hơn cá trống và hay cắn vào cá trống để báo hiệu đã sẵn sàng cho việc sinh sản. Đôi khi cả hai con bơi sát vào nhau, đầu hướng lên trên, thỉnh thoảng giật đuôi về đối phương.

– Đối với cá Dĩa không có đặc điểm nào đáng tin cậy trong việc phân biệt đực cái. Chỉ đến giai đoạn sinh sản mới có thể phân biệt được giới tính dựa trên hình dạng của gai sinh dục. Gai sinh dục của cá đực thì ngắn và nhọn hơn, trong khi cá mái thì dài và cùn hơn (Nguyễn Minh 1998). Ngoài ra cũng có thể phân biệt dựa vào một số đặc điểm như cá đực thường có có hình dáng to, đầu hơi gù, vây bụng xệ xuống, dưới bụng vùng giáp vây lõm vào trông rất rõ. Cá cái thường nhỏ hơn cá đực, đầu thẳng, phần bụng phía sau vây dưới thẳng theo chiều cong của toàn bộ bụng cá (Bùi Minh Tâm 2008).

– Trước khi đẻ vài ngày, cá có hiện tường rùng mình, rung toàn thân, xếp vây lại, đôi lúc đứng yên tại chỗ, ít bắt mồi. Cá cái đẻ theo chiều dọc của giá thể, cá đực cũng theo hướng đó tiết tinh thụ tinh cho trứng. Trong tự nhiên, giá thể cho cá đẻ có thể là thực vật thủy sinh có lá to, hoặc những tảng đá ở tầng đáy.

 

– Sức sinh sản của cá Dĩa khoảng 200 – 800 trứng tùy theo độ tuổi. Đối với lần sinh sản đầu tiên, cá Dĩa thường chỉ đẻ khoảng 150 – 200 trứng và khả năng giữ con cũng rất kém. Cá Dĩa có thể sinh sản quanh năm nhưng vào mùa lạnh thì đẻ ít hơn.

– Thời gian tái phát dục của cá phụ thuộc nhiều vào thức ăn, sự chăm sóc và sức khỏe của cá bố mẹ. Có khi vài ngày là cá có thể sinh sản trở lại, nhưng có khi kéo dài một tháng hoặc hơn. Ngoài ra thời gian cá con bám trên cơ thể cũng ảnh hưởng đến thời gian tái phát dục của cá bố mẹ (Bùi Minh Tâm 2008, Đoàn Khắc Bộ 2007).

5. Phân loại cá Dĩa

– Theo Schultz (1960) cá Dĩa được phân loại như sau:
– Cá Dĩa đỏ (Symphysodon discus): Cơ thể có các vây lưng, hậu môn có màu đỏ nâu. Chiều dài cá trưởng thành khoảng 15 – 20cm.

 

– Cá Dĩa xanh lá cây (Symphysodon aequifasciata aequifasciata): Thân có màu xanh lục, các sọc có màu nâu đậm hơn màu trên thân. Cá Dĩa xanh lá cây thuộc loài quý hiếm.

– Cá Dĩa xanh da trời (Symphysodon aequifasciata haraldi): Cá Dĩa xanh da trời còn được gọi là cá Dĩa nâu đỏ, thân có màu đỏ hoặc nâu đỏ, các sọc có màu xanh sáng. Chiều dài cá trưởng thành từ 12 cm trở lên.

– Cá Dĩa xám (Symphysodon aequifasciata axelrodi): Thân có màu xám, các sọc trên cơ thể và vây có màu xanh da trời. Các vằn dọc chỉ có ở vây lưng, trán và vây hậu môn. Chiều dài cá trưởng thành khoảng 14 cm.

Nguồn: kithuatnuoitrong.com

Thảo luận cho bài: Cá Dĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *