Nôn mửa là hiện tượng các chất bị đẩy ra khỏi miệng một cách không mong muốn, dưới lực tác động và co bóp của các cơ dạ dày.
Việc cún nôn mửa có thể do chúng đã ăn phải loại thức ăn không phù hợp, ăn quá nhiều hoặc quá nhanh trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên nguyên nhân có thể phức tạp hơn – do chúng bị nhiễm độc hay gặp phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào đó.
Triệu chứng
Trước khi nôn hoặc khi cảm thấy buồn nôn, cún thường chảy nước dãi, tự liếm môi và nuốt nước bọt liên tục. Đôi lúc chúng thậm chí còn ăn cỏ – để giải tỏa cảm giác khó chịu ngứa ngáy trong dạ dày, hay tự làm xao lãng cơn buồn nôn.
Cần phân biệt rõ nôn mửa với trào ngược – hiện tượng thức ăn quay ngược trở lại khỏi miệng khi chưa được tiêu hóa. Trào ngược xảy ra tự nhiên, không có sự tác động của các cơ dạ dày. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra trào ngược, hơn nữa nó lại khác hẳn với nôn mửa, vì thế không thể coi chúng là một.
Xử lí khẩn cấp
Đối với những cơn nôn mửa nghiêm trọng, không dứt:
Loại bỏ tất cả thức ăn mà cún đã ăn gần nhất. Nếu cún cưng vẫn duy trì trạng thái tỉnh táo và chỉ nôn một lần duy nhất, bạn không nhất thiết phải gọi bác sĩ thú y. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng sau xuất hiện, bạn cần đưa chúng đến phòng khám ngay lập tức:
-
Trong thành phần nôn có máu
-
Cún bị sốc, mất nước, trướng bụng, sốt, tiêu chảy hay có biểu hiện mệt mỏi, chán nản
-
Phần nướu răng của cún chuyển màu xanh xám hoặc vàng
-
Bạn nghi ngờ cún bị ngộ độc thức ăn hay nuốt phải chất độc hại
-
Chú cún của bạn là cún con, hoặc chưa từng được tiêm chủng đầy đủ
Đối với những cơn nôn mửa gián đoạn, hoặc trong trường hợp cún không bị sốc hay mất nước:
-
Không cho cún ăn trong vòng 12 tiếng sau khi nôn. Thay vào đó, cho chúng những viên nước đá để liếm, hoặc cho uống một ít nước, nửa tiếng một lần.
-
Sau khoảng 12 – 24 tiếng tính từ lần nôn đầu tiên, bắt đầu cho chúng ăn lại với thức ăn nhẹ. Tốt nhất là bạn nên trộn cơm với thịt ức gà, cho chúng ăn thử một vài muỗng xem chúng có tiếp tục nôn mửa không. Nếu không, cho chúng ăn một ít thức ăn nhẹ, 1 – 2 tiếng một lần.
-
Khi cơn nôn mửa hoàn toàn chấm dứt, bạn có thể cho cún quay lại chế độ ăn thông thường vào ngày tiếp theo.
Nguyên nhân
-
Nhiễm khuẩn, kí sinh trùng đường ruột
-
Vấn đề liên quan đến chế độ dinh dưỡng (do thay đổi chế độ ăn, ăn phải thức ăn không phù hợp hoặc ăn phải rác)
-
Nuốt phải dị vật (đồ chơi, xương, kẹo cao su)
-
Suy thận cấp tính, rối loạn chức năng thận
-
Suy gan cấp tính hoặc viêm nhiễm túi mật
-
Viêm nhiễm hoặc ung thư tuyến tụy
-
Nôn mửa sau phẫu thuật
-
Nhiễm độc, virus
-
Do ảnh hưởng của thuốc hoặc chất gây tê nhất định
-
Phình trướng bụng, táo bón
-
Sốc nhiệt
-
Say xe
-
Nhiễm trùng tử cung (phổ biến hơn ở những chú chó già)
Chẩn đoán
Cún cưng cần được kiểm tra toàn diện nếu như tình trạng nôn mửa kéo dài liên tục ở mức độ nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ xác định chính xác nhất tình trạng của cún nhờ chụp X-quang, thử máu, phân và nước tiểu, siêu âm và/hoặc thụt bari để chụp X-quang đại tràng. Nếu bạn có thể mang đến mẫu thành phần nôn của cún, bác sĩ cũng sẽ dễ dàng chẩn đoán nguyên nhân gây nôn mửa hơn.
Điều trị
– phương pháp điều trị nôn mửa ở cún tương tự như đối với mèo.
Biện pháp phòng ngừa
-
Tránh thay đổi chế độ dinh dưỡng của cún quá đột ngột.
-
Không cho cún tiếp xúc với đồ chơi hay dị vật mà chúng có thể nhai hoặc nuốt. Xương cũng không phải là ngoại lệ.
-
Thường xuyên quan sát và không để cho cún bới rác.
Trong mọi trường hợp khi cún bắt đầu có biểu hiện nôn mửa, bạn cần phải bình tĩnh xử lí và đưa chúng đến bác sĩ thú y nếu cần thiết. Việc quan sát cún thường xuyên sẽ giúp bạn dễ dàng phát hiện những biểu hiện bất thường và cún cưng có thể tránh khỏi những cơn nôn mửa không đáng có.
Nguồn: nanapet.com
Tìm bài này trên Google:
- cún