Trước tiên dê cái trong nuôi dê chuyên sữa cần có sức khỏe tốt biểu hiện qua sự mau mắn, linh hoạt, dễ thương và có da mềm mại với bộ lông bóng mượt và mềm.
Không nên mua các dê cái mà chúng ta cảm thấy không thích chúng. Thêm vào đó nên kiểm tra thêm các biểu hiện của sự viêm móng, sưng khớp, viêm vú, suy dinh dưỡng hay tiêu chảy.
Nếu được nên kiểm tra một số thành tích sản xuất của mẹ chúng, bản thân chúng như sản lượng sữa của chu kỳ trước, tuổi sinh lứa đầu. Sau đó kiểm tra bầu vú. Bầu vú phát triển có cấu trúc cân xứng, vững chắc với màng gân treo chắc chắn, đóng cao, rộng ở phía sau và phát triển dài đến phía trước bụng với các núm vú phát triển dễ vắt sữa.
Nếu màng treo yếu, bầu vú bị chảy xệ nên dễ bị xầy sát, rút ngắn thời gian sản xuất. Sau khi vắt sữa bầu vú phải mềm, có nhiều nhiều nếp gấp và không có nhiều mô liên kết. Các hạt cứng trong bầu vú có thể chỉ dẫn sự viêm vú trước đó.
Về đặc tính cho sữa, dê cái phải có hình dáng thanh, nhiều góc cạnh, không mập, cổ thanh, dài; vai và hông ốm nổi rõ các mấu xương. Xương sườn phải rộng bản, mặt xương phẳng, uốn cong, không đóng nhiều thịt, về năng lực cơ thể, để dê cái có thể ăn được nhiều thức ăn với biểu hiện qua phần thân dài và sâu với các sườn cong và sâu ở lồng ngực. Lồng ngực nhỏ sẽ giới hạn khả năng hô hấp ảnh hưởng đến chức năng trao đổi chất. Thân có dạng hình cái nêm (tam giác), từ trước ra sau, vòng ngực phát triển, vai – rộng và bụng to, tròn.
Chân, cẳng phải mạnh, thẳng với các khớp không bị phồng to, nhưng có cấu trúc chắc chắn. Chân cẳng sẽ mang dê cái suốt đời, đi đứng để ăn uống, cho sữa. Với các khớp gối, khớp bàn chân, móng chân to, lỏng lẻo sẽ gây ra đau, stress làm giảm khả năng và độ bền trong sản xuất. Vùng xương chậu hẹp và dốc sẽ có sức chứa bầu vú nhỏ và đưa xuống phía sau và làm cho khoảng cách hai chân sau nhỏ nên dê cái sẽ đi lại khó khăn khi cho sữa. Đường sống lưng cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến độ bền sản xuất. Một sống lưng khỏe mạnh sẽ nâng đỡ khối lượng cơ thể lớn, kể cả bào thai. Một sống lưng rộng phẳng với phần khum gần như ngang với phần thân trước sẽ cung ứng một không gian lớn phía sau cho bầu vú nhất là các màng gân treo và các mô liên kết để nâng đỡ bầu vú. Cuối cùng dê cái cần phải có tính tình hiền lành, dễ dạy và dễ thân thiện để dễ quản lý khi vắt sữa, cho ăn…
Nguồn: caytrongvatnuoi.com