Cách chống nóng cho vật nuôi

Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, nâng cao hiệu quả chăn nuôi trong mùa hè, người chăn nuôi cần nắm được các biện pháp kỹ thuật chống nắng nóng cho vật nuôi.

Yêu cầu về chuồng trại

Thiết kế chuồng theo hướng đông nam và cao hơn mặt đất xung quanh 30 – 40 cm, rộng rãi, thông thoáng, có thể là dưới bóng của tán cây to hoặc xung quanh trồng cây xanh.

Nên lợp bằng mái ngói hoặc mái lá cọ thiết kế mái chồng để lưu thông không khí tốt hơn. Mái hiên cách mặt đất ít nhất 2 m. Có hệ thống cửa để thông gió.

Thường xuyên thu dọn, làm vệ sinh sạch sẽ các chất thải (phân, nước tiểu) sẽ có tác dụng giảm sức nóng và khí độc từ các chất thải bốc lên. Phun thuốc khử trùng định kỳ bằng các loại thuốc khử trùng mới có hiệu quả cao với vi sinh vật gây bệnh như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid…; dùng thuốc thú y (Diptere, Permethrin) tiêu diệt các động vật ký sinh ở trong và ngoài cơ thể lợn như ruồi, nhặng, muỗi, giun, sán, ve, rận…

Định kỳ phun thuốc phòng, chống ve, ruồi, muỗi, bọ mạt…

Chăm sóc

Sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, đầy đủ theo nhu cầu sinh lý từng giai đoạn. Cho ăn những thức ăn dễ tiêu, uống nước mát đầy đủ, nên cho thức ăn tinh vào sáng sớm và chiều tối.

Đối với thủy cầm, cho nước sạch vào bể tắm, thay nước 2 – 3 lần/ngày. Đối với gà đẻ trong mùa nóng giảm hàm lượng đạm (ngô, thóc…) cho ăn thêm rau xanh, bã đậu tương, bổ sung Vitamin C. Trong những ngày nắng nóng cần san thưa, nuôi với mật độ vừa phải, ví dụ: đối với gà: úm 50 – 60 con/m2, gà 0,5 – 1 kg nhốt 20 – 30 con/m2, gà 2 – 3 kg nhốt 7 – 10 con/m2. Nếu quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh. Tiêm phòng bệnh 2 lần/năm đầy đủ các loại vaccine: Tụ huyết trùng (gà, ngan, vịt), cúm AH5N1 (gà, vịt)… để tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Đối với gia súc, cho ăn tăng các loại thức ăn xanh, như rau cỏ tươi, củ quả và các loại vitamin, tăng cường chất đạm; giảm thức ăn tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần ăn. Trong những đợt nắng nóng kéo dài nên thực hiện chế độ chuyển bữa cho ăn: thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường cho ăn vào ban ngày chuyển cho ăn vào sáng sớm hoặc chiều tối. Đảm bảo thường xuyên có đủ nước sạch để gia súc uống. Có thể tắm  cho gia súc 2 – 3 lần/ngày để giảm nhiệt cơ thể. Với bò sữa nên tắm trước khi vắt sữa hoặc sau khi vắt sữa khoảng 2 – 3 giờ. Nên chăn thả gia súc vào khoảng thời gian từ 6 – 9 giờ và từ 16 – 18 giờ hàng ngày. Không chăn thả ngoài trời nắng gắt, cho ăn thêm những lúc nhốt trong chuồng. Không để gia súc làm việc nặng hay làm việc nhiều trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Đối với lợn, cho uống đủ nước sạch, mát bằng vòi có van tự động, bổ sung thêm muối ăn, đường gluco, chất điện giải, B.Complex, Vitamin C cho vào thức ăn hay nước uống để giải nhiệt. Cho ăn thêm rau xanh, thức ăn tự chế (tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, rau xanh, củ quả ủ chua) hay thức ăn tổng hợp đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Nếu có điều kiện nên bố trí quạt thông gió. Tránh vận chuyển lợn trong thời điểm nắng nóng cao trong ngày từ 11 – 15 giờ. Cần giãn thưa mật độ nhốt lợn trong những ngày có nhiệt độ cao. Nếu có điều kiện thả lợn trong sân chơi có bóng cây mát.

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Cách chống nóng cho vật nuôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *