Site icon Nuoitrong123

Cách tăng năng suất cây ăn quả

TS. Nguyễn Văn Hòa- Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam – chỉ ra những biện pháp nâng cao năng suất cây ăn quả.

Theo TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, để ngành sản xuất rau quả phát triển tốt, tăng trưởng bền vững trong giai đoạn mới, chúng ta cần tổ chức sản xuất một cách bài bản, nghiêm túc và hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng cao, đồng đều, liên tục trong năm, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất, nhất là tăng tính chuyên nghiệp, độc quyền sản phẩm và đa dạng giống mới.

Tận dụng lợi thế giống ngon có sẵn: nước ta có nhiều giống rau quả địa phương rất ngon đã đượcthị trường trong nước công nhận, các giống này đã được cơ quan quản lý công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng phục vụ công tác giống rất tốt, tuy nhiên nhiều chủng loại vẫn chưa mở rộng diện tích trồng như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng Ri6… Vì diện tích sản xuất nhỏ nên sản lượng không đủ cung cấp cho thị trường, do đó việc quy hoạch và phát triển sản phẩm chủ lực đóng vai trò quan trọng, công tác giống tốt phải đi song hành thì việc tạo sản lượng lớn của cùng một loại giống chất lượng cao sẽ giúp phát triển thương hiệu và giữ thương hiệu cho cả thị trường trong và ngoài nước.

Tổ chức liên kết sản xuất GAP, hữu cơ: chúng ta đã có nhiều nô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP, góp phần rất lớn trong sản xuất an toàn. Đây là mô hình sản xuất bền vững trong tương lai, nó gắn liền với hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, cắt bỏ được các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng, giúp tăng giá trị cho từng nhân tố trong chuỗi, làm tăng giá trị gia tăng cho từng mặt hàng, giảm thiểu dịch hại tấn công và phát triển thành dịch.

Tuy nhiên, những mô hình này mới được thực hiện ở quy mô nhỏ, rải rác, sản lượng ít, chỉ có trong một giai đoạn nhất định trong năm và chưa liên kết được với nhau và với doanh nghiệp lớn, nên việc buôn bán chưa tăng lợi nhuận và bền vững như mong nuốn. Việc liên kết vùng cho từng sản phẩm mang tính cách mạng cho sản xuất nông nghiệp nếu được quy hoạch và thực hiện nghiêm túc, có cơ chế phân chia lợi nhuận hợp lý, trong đó hai thành tố quan trọng nhất trong liên kết này là doanh nghiệp và nhóm nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn nhất định theo hướng chất lượng cao (GAP, sản xuất hữu cơ). Mô hình sản xuất thành công ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy rất rõ điều này. Nhà nước cần tạo điều kiện để các vùng sản xuất xây dựng nhiều hợp tác xã sản xuất và tiếp thị sản phẩm của mình, ngành nông nghiệp địa phương cần tổ chức thi đua giữa các hợp tác xã và chọn, khen thưởng các hợp tác xã mạnh nhất, giỏi nhất, hiệu quả nhất, lấy đó làm mô hình cho những hợp tác xã khác học tập.

Sản xuất rải vụ gắn với liên kết lớn: với điều kiện nhiệt đới và các biện pháp kỹ thuật đã được nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất, nhiều cây ăn quả nổi tiếng của ta đã có thể sản xuất, cho sản phẩm quanh năm như thanh long, xoài, bưởi, cam, chôm chôm, nhãn, sầu riêng…, điều mà không phải nước nào cũng làm được. Như vậy, nước ta có điều kiện cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới nếu chúng ta tổ chức sản xuất rải vụ một cách hợp lý.

Để làm được điều này, phải thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất giữa các địa phương với nhau thành vùng sản xuất hàng hóa có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt. Ở đây vai trò của nhạc trưởng có ý nghĩa quyết định sự thành bại của liên kết sản xuất và điều tiết rải vụ, nhạc trưởng phải điều tiết được tất cả các địa phương trong vùng cho sản phẩm đó. Phải có cơ chế liên kết và chia sẻ lợi nhuận hợp lý, minh bạch cho từng thành viên; việc bảo hiểm trong sản xuất cũng góp phần tạo sự thành công, nhất là trong giai đoạn đầu còn khó khăn, việc nghiên cứu tìm hiểu và nắm vững thị trường, đối tác, đối thủ, nhu cầu theo thời gian đóng vai trò quan trọng trong điều tiết sản xuất rải vụ một cách hợp lý, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro.

Xây dựng và giữ vững thương hiệu mạnh đại diện cho quốc gia: việc thống nhất xây dựng thương hiệu mạnh, mang tính quốc gia cho từng sản phẩm chủ lực là rất cần thiết vì hiện nay trên cùng một chủng loại quả, ví dụ thanh long, nước ta có quá nhiều doanh nghiệp tham gia đóng gói và xuất khẩu, xây dựng nhiều thương hiệu khác nhau, nhưng chưa đại diện cho quốc gia, nên các doanh nghiệp tự cạnh tranh, tự giảm giá để xuất khẩu, những doanh nghiệp nhỏ bị bóp chết, trong khi đó doanh nghiệp thu mua nước ngoài được lợi.

Trong khi đó ở nước ngoài, một doanh nghiệp/hiệp hội đại diện xuất khẩu chỉ một hoặc hai sản phẩm chủ lực và là đầu mối duy nhất, độc quyền cho sản phẩm đó, những doanh nghiệp khác làm vệ tinh cho doanh nghiệp đại diện. Chính vì vậy, tất cả các nhà nhập khẩu đều phải lệ thuộc vào doanh nghiệp/hiệp hội này. Để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của rau quả Việt Nam trên thị trường thế giới trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện tốt công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, trong đó cần chú ý đến cơ chế chia sẻ quyền lợi hợp lý của các thành phần tham gia trong suốt chuỗi.

Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi: đây là vấn đề quan trọng, giúp giảm các công đoạn không cần thiết trong chuỗi cung ứng và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm trong suốt tất cả các khâu từ sản xuất đến đóng gói, tiêu thụ trong chuỗi giá trị, như vậy lợi nhuận đến tay người sản xuất cũng tăng lên.

Giống mới và công tác bảo hộ giống: với lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, nước ta có chủng loại cây ăn quả đa dạng với nhiều sản phẩm nổi tiếng cả trong và ngoài nước, tuy nhiên các giống này còn có những hạn chế khi đưa vào sản xuất quy mô hàng hóa như năng suất chưa cao, chất lượng còn thấp không đẹp, kích cỡ không đều, vị không đặc trưng)… Do vậy cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu chọn tạo giống mới, đặc biệt cần phải có các chương trình đầu tư dài hạn (ít nhất 10 năm) cho nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả vì đây là những đối tượng dài ngày. Cần kết hợp tốt phương pháp chọn giống truyền thống với phương pháp hiện đại (chuyển gen, nuôi cấy mô…) để rút ngắn được thời gian, kinh phí và nhanh chóng tạo ra những giống mới có giá trị kinh tế cao…

Bên cạnh việc nghiên cứu chọn tạo giống mới đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất kinh doanh, chúng ta cần phải làm tốt công tác bảo hộ giống mới ở cả trong nước và quốc tế. Điều này không chỉ góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà chọn giống, giảm thiểu tình trạng mất giống, ăn cắp bản quyền giống mà còn tăng hiệu quả sản xuất, tăng tính cạnh tranh nhờ độc quyền trong sản xuất và cung ứng sản phẩm.

Một ví dụ điển hình là giống Kiwi “Hayward” được phát triển và thương mại hóa ở New Zealand trước khi bảo hộ giống. Kết quả giống “Hayward” được trồng rộng khắp thế giới mà không có bất cứ một lợi tức nào cho người đã nghiên cứu và phát triển giống đó. Còn giống Kiwi “Hort16A” tên thương mại là “ZEAPRITMGold”, sau khi được bảo hộ đã thu được lợi nhuận xấp xỉ 4 tỷ đô la New Zealand từ khi giống này được đưa ra thương mại hóa, gấp gần 4 lần việc xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong một năm.

Nguồn: vietq.vn

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version