Cách trị rối loạn nhận thức ở Chó già

Thật không may là giống như loài người, khi về già, não bộ của chó sẽ dần bị thoái hóa. Khi đó trí nhớ, khả năng học hỏi và tiếp nhận, khả năng nhận thức, các giác quan như thị giác hay thính giác đều bị ảnh hưởng.

Cách trị rối loạn nhận thức ở Chó già - cach tri roi loan nhan thuc o cho gia 500x321

Tuy nhiên, khác với chúng ta thì những dấu hiệu rối loạn nhận thức về già ở chó đều rất khó nhận thấy. Chỉ đến lúc những dấu hiệu này trở nên trầm trọng hơn ta mới nhận thấy được thì đã là quá muộn để chúng ta tìm cách cứu chữa, hay đảo ngược tình thế.

Rối loạn nhận thức là gì?

Hội chứng rối loạn chức năng nhận thức (CDS – Cognitive Dysfunction Syndrome) là tình trạng “lão hóa” não bộ của chó, dẫn đến sự suy giảm về nhận thức, khả năng tiếp thu và học hỏi, cũng như khả năng phản ứng với các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài. Những triệu chứng ban đầu của bệnh thường không đáng lo ngại nhưng càng về sau, chúng càng trở nên nghiêm trọng. Trên thực tế, những triệu chứng lâm sàng của bệnh được tìm thấy ở 50% các chú chó hơn 11 tuổi, và có ít nhất một triệu chứng rối loạn nhận thức xuất hiện ở 68% các chú chó quá tuổi 15.

Nguyên nhân gây bệnh

Những thay đổi bệnh lý ở não động vật là nguyên nhân trực tiếp gây ra rối loạn nhận thức, nhưng liệu đâu mới là nguyên nhân khiến những thay đổi này chỉ xuất hiện ở một số cá thể mà không xảy ra ở những con khác? Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được tìm ra, tuy nhiên chúng ta có thể khẳng định là nhân tố di truyền đóng vai trò không hề nhỏ gây ra chứng rối loạn nhận thức khi chó về già. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của môi trường sống tác động và làm thay đổi thành phần gen cũng là một phần nguyên nhân gây ra chứng bệnh này.

Triệu chứng

  • Rối loạn phương hướng (VD: tìm sai hướng cửa ra vào, không xác định được các vị trí quen thuộc, bị bối rối khi gặp các vật thể cản đường)

  • Bồn chồn, lo lắng

  • Dễ bị kích thích, trở nên cáu kỉnh

  • Lười hoạt động, chơi đùa

  • Thích liếm các vật thể, hay các thành viên trong gia đình hơn

  • Tỏ ra bất mãn, có thái độ coi thường đối với những luật lệ có sẵn trong nhà

  • Chậm tiếp thu, học hỏi những cái mới

  • Không nhận ra những tuyến đường quen thuộc

  • Giảm tần suất tự chăm sóc bản thân: tự chải lông, tự chau chuốt

  • Không thể nhịn đi đại tiện hoặc tiểu tiện

  • Chán ăn

  • Thay đổi đồng hồ sinh học (ngày ngủ, đêm thức)

Chẩn đoán

Bạn cần phải cung cấp cho bác sĩ thú y hồ sơ tiền sử bệnh lí đầy đủ của cún, bao gồm cả những triệu chứng ban đầu, bản chất căn bệnh cũng như những tình huống có thể dẫn đến hành vi lệch lạc hay biến chứng phức tạp ở cún. Bác sĩ thú y sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể cho cún để xác định tình trạng cơ thể, cũng như tình trạng hoạt động của chức năng não bộ. Thử máu, siêu âm và chụp X-quang cũng được tiến hành để tìm ra những nguyên nhân dẫn đến thay đổi hành vi rối loạn nhận thức.

Điều trị

Những chú chó mắc chứng rối loạn nhận thức cần được chữa trị lâu dài, thêm vào đó sự giúp đỡ của bạn có thể khiến bệnh tình của chúng thay đổi đáng kể. Thực tế, chứng bệnh này không thể biến mất triệt để. Tuy nhiên việc duy trì một môi trường sống khỏe mạnh và an toàn với chế độ dinh dưỡng, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lí có thể làm chậm lại quá trình suy giảm nhận thức. Dinh dưỡng cho cún ở thời điểm này nên được bổ sung các chất giúp tăng cường chức năng não bộ như hợp chất chống ôxi hóa, vitamin E và C, selen, flavonoids, beta carotene, carotenoids, Omega-3 và carnitine. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ thú y về các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng phù hợp cho cún có chứa những thành phần này.

Bác sĩ thú y sẽ đánh giá sức khỏe của cún định kì để xác định mức độ phản ứng của cún đối với liệu pháp điều trị. Tuy nhiên, bạn cần theo dõi và kiểm soát chúng thường xuyên để phát hiện ra những sự thay đổi hành vi và thông báo với bác sĩ kịp thời. Đối với những chú cún mắc bệnh lâu năm, kiểm tra 2 lần mỗi năm là đủ, trừ trường hợp phát sinh những vấn đề khác.

Làm thế nào để đẩy lùi các dấu hiệu rối loạn nhận thức đến càng lâu càng tốt?

  • Chế độ dinh dưỡng cân bằng, thích hợp với giống loài. Bổ sung SAMe (S-adenosylmethionine), Medium-chain triglycerides (MCTs – chất có nhiều trong dầu dừa) hay các sản phẩm bồi bổ dinh dưỡng cho sức khỏe não bộ

  • Khiến cơ thể và trí óc của cún luôn được thư giãn với các bài tập phù hợp

  • Duy trì cân nặng phù hợp với lứa tuổi cún cưng – những chú chó thừa cân, béo phì là đối tượng có nguy cơ cao mắc phải những vấn đề lão hóa trầm trọng hơn khi về già

  • Chăm sóc sức khỏe răng miệng cho cún

  • Theo dõi sát sao sức khỏe của cún cũng như các thay đổi về thể chất. Đưa cún đi kiểm tra định kì 2 lần/năm

Nguồn: nanapet.com

Thảo luận cho bài: Cách trị rối loạn nhận thức ở Chó già

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *