Nội dung chính
Cây đinh lăng lá nhuyễn vừa dễ trồng vừa ít tốn công chăm sóc do cây có thể chịu hạn và thích hợp với nhiều loại đất trồng cây, miễn đảm bảo thoát nước tốt.
Cây đinh lăng gồm nhiều loại phân biệt bởi hình dạng và kích thước lá, nhưng cây đinh lăng lá có lá nhuyễn hay còn gọi lá cây gỏi cá được trồng nhiều do lá cây được dùng như một loại rau sạch có vị thuốc tốt cho sức khỏe. Chúng ta nên trồng vài chậu cây đinh lăng tại nhà,vừa làm cây cảnh vừa có thể hái lá ăn như rau sống.
1. Chọn đất và chậu trồng cây
Đất trồng cây đinh lăng có thể trộn hổn hợp đất thịt tự nhiên hay đất pha cát và phân hữu cơ hoai mục cùng ít trấu sống theo tỷ lệ 2:1: 0,5 hay dùng đất sạch ngoài thị trường có đóng bao sẵn trộn thêm đất dinh dưỡng phân trùn quế theo tỷ lệ 2:1.
Chọn chậu để trồng cây đinh lăng lá nhuyễn có kích thước khoảng cao 40 cm, đường kính 35-40 cm, nếu sau này cây lớn thì có thể sang chậu lớn hơn.
Chậu trồng cây đinh lăng tại nhà nên chọn chậu sành để giữ bộ rễ cây phát triển tốt nhất, vì rễ cây đinh lăng cũng là vị thuốc rất tốt. Nhớ kê đáy chậu sau khi trồng cây để nước tưới thoát tốt.
2. Nhân giống cây đinh lăng lá nhuyễn
Cây đinh lăng có thể trồng bằng cách giâm cành và trồng quanh năm, nhưng tốt nhất nên trồng mùa nắng để cành giâm không bị thối úng.
Chọn cây có thân nhánh có kích thước khoảng 1,5 – 2cm, cắt nhánh thân thành từng đoạn ngắn ( hom giống) khoảng 18-20 cm bằng dao bén, tỉa bớt lá để hạn chế thoát nước, chấm gốc hom giống vào thuốc kích thích ra rễ như Atonik, NAA, N3M, Root… sau đó ghim hom giống sâu 5-7 cm nghiêng góc 30 độ vào khay hay chậu có lớp đất hay giá thể tơi xốp dầy khoảng 15-18 cm, dùng 4 ngón tay ấn xung quanh gốc ghim giúp cố định.Tưới nước đủ ẩm bằng vòi nước nhẹ.
Nhớ để hom giống sau khi giâm cành vào nơi thoáng râm mát hay dưới lưới lan.Tránh làm xê dịch hom sau khi ghim để cành giâm mau ra rễ. Ngày tưới nước nhẹ hai lần.
Sau thời gian 25-30 ngày thì lá non bắt đầu nhú ra là hom giống đã ra rễ, khi thấy ra nhiều lá mới dài được 10 cm thì nhổ đem ra trồng trong chậu ( thời gian 50-60 ngày sau khi giâm cành).
3. Bón phân và tưới nước
Khi mới trồng cây con vào chậu thì tưới nước đầy đủ để cây mau phục hồi và phát triển tán lá.
Cây đinh lăng có thể trồng nơi có đầy đủ ánh sáng hay chỉ một phần chiếu sáng, nên thích hợp đặt chậu trồng cây ở sân thượng.
Khi cây đinh lăng đã lớn nhiều cành nhánh thì có thể tưới một ngày một lần trong mùa nắng, mùa mưa tưới cách ngày.
Vì cây trồng tại nhà để hái lá non dùng làm rau sạch nên chỉ bón phân trùn quế vào gốc một lớp 2-3 cm khi thấy rễ cây mọc nhô lên trên, hay hai tháng bón phân một lần, không cần dùng phân hóa học bón cho cây.
4. Phòng trừ sâu bệnh và vị thuốc
Cây đinh lăng lá nhuyễn ít khi bị sâu bệnh tấn công, trường hợp thấy có sâu ăn lá thì nên bắt bằng tay vào chiều tối hay sáng sớm.Do cây trồng tại nhà nên hạn chế không dùng thuốc BVTV.Trường hợp có mưa to kéo dài cần kiểm tra cây có bị ứ nước không vì rễ cây khá nhạy cảm khi bị úng nước.
Cây đinh lăng có thể sống rất lâu khoảng vài chục năm, cây càng lâu năm thì có bộ rễ càng quý ví như một loại nhân sâm có vị thuốc tốt, có thể dùng rễ cây đinh lăng để ngâm rượu để phòng và chữa nhiều loại bệnh.
Riêng lá cây đinh lăng lá nhuyễn trồng được 2-3 năm tuổi thì dùng để ăn như rau sạch hay chế biến thành vị thuốc mới có tác dụng.
Nguồn: Sưu tầm