Cách trồng Khoai Tây từ giống củ bi

Khoai Tây bi nẩy mầm và phát triển thành cây bình thường như một cây khoai tây mọc lên từ hạt, trong những điều kiện thích hợp, và tiếp tục tạo củ hoặc ra hoa kết trái không khác gì một cây khoai tây trồng từ một củ lớn hay một cây giâm cành.

Cách trồng Khoai Tây từ giống củ bi - cach trong khoai tay tu giong cu bi

Trong các phòng nhân giống cây trồng bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, việc giữ giống và nhân giống khoai tây trong ống nghiệm đã được thực hiện dễ dàng. Tuy vậy, cấy truyền các chồi, ngọn sang chai lọ mới mỗi khi cây quá dài là một việc làm tốn kém, do hao tốn môi trường nuôi cấy và điện thắp sáng.

Lợi dụng khả năng cây khoai tây có thể tạo củ trong những điều kiện thích hợp nhất định, các nhà khoa học hoạt động trong mạng lưới trung tâm khoai tây quốc tế (CIA) đã tìm ra phương pháp tạo củ trong ống nghiệm. Nhờ đó, việc giữ giống đỡ hao tốn, việc nhân giống cũng thuận tiện, dễ dàng, nhất là khi cần xuất nhập một giống khoai tây nào đó.

Những củ khoai tây kích thước rất nhỏ (3-5mm) cũng có giai đoạn ngủ nghỉ, nẩy mầm và phát triển thành cây bình thường như một cây khoai tây mọc lên từ hạt, trong những điều kiện thích hợp, và tiếp tục tạo củ hoặc ra hoa kết trái không khác gì một cây khoai tây trồng từ một củ lớn hay một cây giâm cành (khoai cấy mô).

Từ những gợi ý đó, kết hợp với quan sát thực tế sản xuất khoai tây cấy mô tại Đà Lạt, những người làm khoai tây giống đã gặp nhiều trở ngại, mà việc sản xuất ra củ khoai tây bi sẽ là một biện pháp giải quyết thỏa đáng.

Việc nhân giống khoai tây sau giai đoạn ống nghiệm cần 2 hoặc 3 bước làm mạ để cây khoai tây lớn hơn về kích thước, sau đó cắt ngọn cắm vào bầu đất, đợi ra rễ, phát triển khoảng vài tuần, rối đưa ra vườn trồng.

Đại đa số nông dân vẫn trồng cây cấy mô với mật độ dày để lấy củ nhỏ, làm giống cho vụ sau; chỉ có một số người có điều kiện chăm sóc tốt mới trồng trực tiếp cây khoai tây trong bầu đất để lấy củ thương phẩm kết hợp với việc gây giống, gọi là củ cấp 1, tức là dòng vô tính đời thứ nhất (C1).

Trong sản xuất khoai tây bầu đất, mùa vụ thích hợp để sản xuất cây giống là mùa mưa, độ ẩm và nhiệt độ cao, nhưng ngày dài, nên việc trồng trọt cây khoai tây gặp khó khăn do sâu bệnh nhiều, khả năng tạo củ thấp và khó thu được củ giống tốt. Cũng vì vậy mà vụ đông xuân – hàng năm thường thiếu củ giống để trồng vào chính vụ.

Một xu hướng ngược lại là làm củ giống cấp 1 từ vụ đông – xuân. Trong vụ này, việc lấy ra củ giống dễ dàng hơn vì thời tiết thuận lợi. Thế nhưng vụ này lại là vụ nghịch của những nơi làm giống khoai tây trong bầu đất, cây để tạo củ nách, chậm ra rễ và chậm phát triển khi đưa ra đồng ruộng.

Những vấp váp còn gặp phải khi dự định đưa giống khoai tây đến các vùng xa Đà Lạt, vì việc vận chuyển cây giống khó khăn, do cồng kềnh và đòi hỏi bảo dưỡng nghiêm ngặt. Chưa kể đến việc phát triển cây khoai tây nhiệt đới hoặc đáp ứng yêu cầu giống khoai tây vụ đông cho đồng bằng miền Trung và miền Bắc nước ta, mà trung tâm sản xuất giống là vùng rau Đà Lạt, quả là một vấn đề rất lớn và có nhiều khó khăn.

Qua những vấn đề nêu trên, nhiều cán bộ kỹ thuật đã tìm cách giải quyết thỏa đáng nhất là phải sản xuất ra dạng củ khoai tây giống nhỏ bằng cỡ viên bi, vì thực tế sản xuất cho thấy rằng cỡ nhỏ hơn 1cm đường kính rất trở ngại cho sản xuất, mầm nhỏ khó quan sát, độ đồng đều chưa cao, phải qua giai đoạn vườn ươm trước khi xuất trồng; còn củ trung bình 1cm đường kính nặng khoảng 1g là vừa phải để trồng trực tiếp ra đồng ruộng; cỡ lớn hơn thường kém hiệu quả kinh tế. Đáng lưu ý rằng củ khoai tây bi này không phải là loại tận thu trên ruộng trồng trọt, thường là củ còn non; và cũng không phải là củ tận thu ở các luống mạ già, thường không đồng đều về tuổi sinh lý.

Củ khoai tây bi làm giống là củ giống cấp 1 sản xuất trực tiếp từ giống khoai tây cấy mô trong ống nghiệm. Củ giống có đầy đủ những đặc tính tốt của cây khoai tây bầu đất là đồng đều, sức sống tốt, không bị lẫn tạp sạch những vi rut gây giảm năng suất chủ yếu. Củ bi còn có ưu thế hơn là dễ trồng, chủ động hơn cho người trồng trọt trong giai đoạn đầu về mặt giống, gọn, nhẹ, dễ bảo quản, vận chuyển ra đồng.

Về lợi ích kinh tế, trước hết đề cặp đến mặt tiết kiệm

– Nông dân không phải gây giống cấp 1 vì việc gây giống cũng có những phiền phức và thu hoa lợi không cao, tốn công tuyển chọn, xử lý, giữ giống… chỉ cần trồng trực tiếp củ bi để lấy củ thương phẩm và củ giống cấp 2. Sau đó 1 vụ, lại tiếp tục trồng từ củ bi để đảm bảo năng xuất nhất là sức sống, sức chống chịu bệnh của giống.

– Việc làm giống của nông dân thường dành những củ tốt, to trung bình từ 15-50g để làm giống, mỗi ha đất trồng khoai thường tốn từ 5 tạ đến hơn 1 tấn rưỡi khoai giống, như vậy tổn phí một lượng lương thực thực phẩm rất lớn, nếu tính trên quy mô vài chục ngàn ha khoai tây không kể đến những vùng ở miền Bắc phải có từ 4 đến 6 tấn khoai giống mới đủ trồng 1 ha vì mùa hè quá nóng bức, củ giống tồn trữ lâu, hư hỏng nhiều. Nếu trồng khoai bi chỉ cần chừng 35kg củ giống là đủ để trồng trên 1 ha.

– Việc bảo quản, vận chuyển, trồng trọt cũng dễ dàng hơn các cách trồng từ các củ giống lớn, cây bầu đất hoặc đoạn mầm, hạt… Nhất là việc đưa củ giống đến những vùng xa nơi sản xuất rất thuận tiện, an toàn và phí vận chuyển thấp.

– Cuối cùng là giá củ giống bi thấp hơn nhiều so với củ giống lớn và không đắt hơn một cây bầu đất bao nhiêu. Như vậy người trồng trọt có thể giảm được vốn đầu tư ban đầu cho vườn khoai tây khá nhiều.

Hiện nay Liên hiệp khoa học – sản xuất Đà Lạt đã giải quyết được cơ bản những yêu cầu trong việc sản xuất giống củ bi, trong thời gian tới sẽ có thể có những cải tiến, đổi mới kỹ thuật để giảm giá thành hơn nữa và đầu tư thêm vào kỹ thuật bao bì, hy vọng việc trồng trọt khoai tây củ bi sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả cao cho nông dân khắp nơi.

Về kỹ thuật trồng trọt, qua các thí nghiệm và các điểm khảo nghiệm với quy mô nhỏ và vừa, phù hợp với sức sản xuất của nông dân, kinh nghiệm về sản xuất khoai tây thương phẩm từ củ bi có những điểm chính như sau:

– Việc xử lý đất trồng là cần thiết vì củ giống nhỏ và mầm ban đầu nhỏ, nếu bị sâu hoặc bệnh trong đất tấn công thì ảnh hưởng rõ rệt hơn tới mùa màng. Do đó, việc rải thuốc, xử lý đất có thể áp dụng cách làm sau: Rải vôi nỉa úp để trộn đều vôi vào đất, yêu cầu từ 7 tạ đến 2 tấn vôi tốt cho 1 ha đất trồng, tùy theo vùng đất chua nhiều hay ít, để đất nghỉ và ải trong vòng nửa tháng. Có thể dùng thêm sunfat đồng rắc trực tiếp vào đất với lượng dùng 15-30 kg/ ha để phòng các loại nấm bệnh hại khoai tây sống trong đất. Khoảng 1 tuần trước khi trồng, rải các loại thuốc bột chống côn trùng như Diazinon (Basudin BR), Liadajor (octagon), Heptachlor, Furadan… cùng với phân hữu cơ bón lót, trộn đều trong đất.

Việc chuẩn bị phân bón lót cần đặc biệt chú ý đến phân hữu cơ, để có thể có đủ chất dinh dưỡng dễ tiêu cho cây non. Thường các nơi đều dùng phân lân supe hay lân Văn Điển (lân nhiệt nung) rải trộn với phân chuồng. Lượng phân chuồng cần thiết là 4-6 kg phân chuồng tốt cho mỗi mét vuông. Phân lân bón lót khoảng 60 kg P2O5 (tương đương 330kg supe lân) cho mỗi ha. Cũng nên bón thêm khoảng 40kg K2O (tương đương 80kg sunfat) trong đợt bón lót này.

– Trước khi đặt củ giống, trong điều kiện Lâm Đồng – Đà Lạt, những thực nghiệm từ trước đến nay đề nghị nên dùng khoảng 60 kg manhê Sunfat (MgSO4. 7H2O), 60kg Urê hay 140kg SA và 5kg Borax (hàn the) rải theo hố sẽ đặt củ giống. Nên trộn đều đất với số phân này để tránh mầm củ bị teo bỏng.

– Về củ giống, cần thiết phải chọn lựa một lần sau cùng để loại những củ xấu nếu có hoặc những củ có biểu hiện sâu bệnh, mầm không đều… do những sai sót trong quá trình bảo quản, vận chuyển có thể đã mắc phải.

– Nên phun một lượt thuốc xử lý củ giống trước khi trồng, gồm có thuốc trừ sâu thông thường như Vô-pha-tốc (Methyl-parathion) nồng độ 10/00 phối hợp với thuốc chống nấm như Zineb, Maneb, nồng độ 20/00. Trong trường hợp trồng trên đất phin hay pha cát, cần phun Benlate (Bênomyl) 1% để phòng bệnh lở cổ dễ do nấm nhiễm vào cây non.

– Đặt củ giống vào hốc, chú ý mầm khoai hướng thuận và phủ đất sâu đều tay. Đất nặng thì nên phủ cạn 2-3cm, đất nhẹ cũng không nên sâu quá 5cm. Vì mầm khoai nhỏ nên khi giải củ giống và khi trồng cần khéo léo, nhẹ nhàng, tránh tổn thương cho củ và mầm non.

– Trong khi tưới cho cây con cần chú ý: nếu tưới phun mưa nên chọn gương sen cỡ nhỏ, tưới phớt vừa đủ ướt, tránh chảy tràn làm trôi hoặc vùi củ giống quá sâu; nếu quá khô hạn thì nên tưới nhiều lần và tưới nhẹ. Sau khi cây mọc đều, tưới bình thường như cách tưới phổ biến.

– Tùy chân đất va mùa vụ mà xác định thời gian phun thuốc, bón thúc và vun gốc (bỏ vai) cho cây khoai tây.

– Thường phải đi thăm vườn hàng ngày, chú ý mặt dưới lá, tầng lá gốc đã phát hiện sâu, bệnh, mối, kiến phá hoại. Yêu cầu phun thuốc trừ sâu rầy định kỳ là cần thiết. Có thể dùng các loại thuốc Các-ba-mat như Monitor, Padan, Bassa, Mipcin hoặc các loại dipterex, Bi 58… để phun định kỳ, liều thấp khi chưa phát hiện côn trùng. Nên chú ý các loại bọ trích hút như rầy mềm, rệp, nhện đỏ… đều có thể truyền bệnh virut, ảnh hưởng đến năng suất và nhất là củ giống C2. Đôi khi có thể dùng thuốc trừ sâu như Sherpa, Decis, Sunicidin… đề phòng các loại sâu bướm đục củ khi đã nứt đất, củ đã lớn.

– Các loại bệnh nấm thường gặp như mốc sương, đốm vàng, chết héo do nấm đất đều có thuốc lưu dẫn đặc hiệu. Tốt nhất là phun Benlate dịnh kỳ 7-10 ngày/ lần. Khi có dịch mốc sương thì dùng Ridomil Maneozeb. Tuy nhiên, việc dùng các loại thuốc Bordeaux hay zineb cũng cần thiết vì một số nấm bệnh chưa có thuốc đặc trị, nếu không chú đến cũng sẽ ảnh hưởng ngay đến năng suất cây khoai tây.

– Cần chú ý vun gốc trên chân đất cát pha hoặc đất có cấu tượng hạt lớn, dễ bị nước rửa trôi. Việc xới xáo đặc biệt cần thiết trên nền đất sét, do cây khoai tây yêu cầu đất thông thoáng hơn các cây trồng khác.

– Lúc cây khoai tây cao khoảng 15-20 cm, cần xăm xới nhẹ, rải phân thúc lần 1 (150 kg SA + 40 kg K2SO4 + 30 kg MgSO4 + 3 kg Borax/ ha) và vun gốc. Dùng lượng phân bón còn lại (150 kg SA hay 65 kg Urê + 29 kg MgSO4 + 2 kg Borax) bón thúc và vun gốc lần 2 khi cây đã có củ và tán lá chưa kín luống, cây bắt đầu vào giai đoạn yêu cầu dinh dưỡng cao nhất. Cần xới nhẹ trước khi vun gốc.

– Kể từ sau lần bón thúc lần 1, việc phun các thức ăn qua lá, gồm các chất dinh dưỡng vi lượng là rất cần thiết. Nên dùng định kỳ từ 2-4 lần/ tháng tùy theo sức phát triển của cây con và phun ở mặt dưới lá vào buổi chiều tối.

– Những giới thiệu trên đây về kỹ thuật trồng cũng không ngoài mục đích giới thiệu tham khảo. Trên mỗi thửa đất, tùy theo lịch sử trồng trọt và các đặc điểm khí hậu, đất đai, chủng loại và mùa vụ cụ thể mà có cách điều chỉnh cho cây trồng đạt năng suất cao nhất. Đôi khi việc dùng phân xanh, có vùng đất không dùng đến phân hữu cơ vì cây khoai tây sẽ dễ bị bệnh hại.

– Những yêu cầu về phòng chống các bệnh như khuẩn héo xanh, thối nhũn, chết rũ vàng hoặc bị tuyến trùng gây củ dị hình… có những hướng dẫn riêng, người trồng khoai tây củ bi cũng cần chú ý đến việc luân canh, tránh những cây họ cà, họ đậu và cả họ cải, mới mong có thể có năng suất cao, ít bị sâu bệnh và sâu hại nói trên tiếp tục phá hoại trên vườn khoai tây, bảo đảm chất lượng củ giống cầp 2 cho vụ kế tiếp.

– Một vấn đề quan trọng khác cũng đang cãi là củ bi có kích thước nhỏ, liệu có thể cho năng suất như những củ lớn cùng giống khi trồng trong cùng một điều kiện không? Những kết quả thực nghiệm còn chưa đủ tin cậy, nên có thể nêu nhận xét rằng mỗi loài vật liệu làm giống đòi một quy trình công tác thích hợp. Việc trồng củ bi phải chú đến các khâu đầu, thời gian đầu hơn trồng củ lớn, thời vụ chín có thể muộn hơn 5-10 ngày, nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế sẽ không có gì thua kém, nếu không phải là bằng hoặc hơn, vì thuộc tính kỹ thuật trong củ giống cao hơn. Thực tế trong trồng khoai tây cấy mô trong 10 năm qua đã chứng tỏ rằng cây khoai tây cho năng suất thương phẩm cao hơn củ giống nếu chăm sóc phù hợp.

Có thể nhận định rằng giống khoai tây củ bi là một trong những tiến bộ kỹ thuật về giống khoai tây, góp phần quan trọng vào việc giải quyết khó khăn về giống cho những vùng sản xuất lớn và mở ra một hướng sản xuất đặc hữu cho vùng Đà Lạt trong thời gian tới. Cho nên còn rất nhiều vấn đề nảy sinh trong việc sản xuất, canh tác… dẫn đến nhiều giải pháp kỹ thuật và những nội dung đã nêu trên sẽ bộc lộ ra thiếu sót tất yếu, cần quan tâm để sửa chữa bổ xung.

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Cách trồng Khoai Tây từ giống củ bi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *