Nội dung chính
Đỗ trọng không kén đất lắm, có thể là đất đồi, đất dốc, đất bằng trên cao đều sống được. Tuy vậy nơi đất dày, tơi xốp nhiều mùn, ẩm nhưng thoát nước, độ chua vừa phải
Công dụng:
Đỗ trọng là cây thuốc quý, sản phẩm của nó chủ yếu là vỏ. Vỏ đỗ trọng là loại thuốc bổ dưỡng tốt và không thể thiếu trong các phương thuốc thảo dược cổ truyền. Nó chữa được các bệnh như thận, huyết áp, đại tràng và nhiều bệnh khác. Lá cây cũng có thể chữa được nhiều bệnh và là loại lá uống nước giải nhiệt, được người dân Sa Pa, Lào Cai thường dùng.
Gỗ màu trắng, cứng, không phân biệt giác, lõi, có thể làm đồ gia dụng, nông cụ, hoặc dùng trong kiến trúc.
Yêu cầu khí hậu, đất đai:
Đỗ trọng là cây á nhiệt đới, nhưng phạm vi thích ứng tương đối rộng. Đỗ trọng có thể phân bố nơi có nhiệt độ trung bình hàng năm 13-17°C, lượng mưa từ 500-1500mm. Nhiệt độ tháng giêng trên 0°C và tháng 7 nóng nhất dưới 29°C.
ở Sa Pa (Lào Cai) có nhiệt độ bình quân năm là 15,8°C, nhiệt độ trung bình tháng giêng là 10,2°C, tháng 7 là 20,4°C, lượng mưa là 2374.4mm. Như vậy về mặt nhiệt độ là hoàn toàn phù hợp; lượng mưa cao hơn nhưng phần lớn mưa vào tháng 5 đến tháng 9, là mùa sinh trưởng, như vậy thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây.
ở Sa Pa đã trồng ở các độ cao 1200-1300m; 1500-1600m và 2000-2100m, đỗ trọng đều sinh trưởng bình thường và cho sản phẩm khá.
Qua thực tiễn ở Sa Pa và một số nơi khác thì các tỉnh vùng núi phía Bắc, những nơi có độ cao trên 1000m có điều kiện khí hậu tương tự Sa Pa, đều có thể trồng đỗ trọng.
Đỗ trọng không kén đất lắm, có thể là đất đồi, đất dốc, đất bằng trên cao đều sống được. Tuy vậy nơi đất dày, tơi xốp nhiều mùn, ẩm nhưng thoát nước, độ chua vừa phải (độ pH 5-7,5) thì đỗ trọng sinh trưởng tốt; nhưng nơi có điều kiện khí hậu phù hợp nhưng đất xấu thì phải tăng cường bón phân chuồng, tăng cường xới xáo cũng thu được kết quả.
Đỗ trọng là cây ưa sáng nên cần trồng thưa, không nên trồng dưới tán cây khác.
Đỗ trọng có cây đực, cây cái riêng rẽ, vì vậy nếu trồng để lấy hạt giống thì nên có từ 15-20% số cây là đực để giúp cho việc thụ phấn tốt. Theo tài liệu nước ngoài, nếu trồng bằng cây con mọc từ hạt thì tỷ lệ đực/cái khoảng 4/6.
Đỗ trọng có khả năng tái sinh chồi rất mạnh, cây chồi mọc rất nhanh; người ta có thể lợi dụng đặc tính này để kinh doanh rừng chồi.
Kỹ thuật gây trồng:
Chọn lấy hạt giống ở những cây mẹ khỏe mạnh, trên 20 tuổi. Cây ra hoa tháng 6-7, quả chín vào tháng 8-9. Khi thấy vỏ quả từ màu xanh chuyển sang màu nâu hay màu vàng xám, hạt tròn, để trên cây khoảng một tháng sau cho chín đều rồi thu hoạch. Khi thu hái thường dọn sạch ở dưới, hứng vải bạt hoặc ni lông, vào buổi chiều lặng gió hoặc ít gió thì rung cho quả, hạt rụng rồi thu lượm về nhà. Hạt nhỏ, sau khi thu hoạch xong không nên phơi ra nắng mà chỉ hong nơi khô thoáng 3-4 ngày để tách hạt. Hạt sau khi làm sạch được cho vào túi hoặc lọ, cất khô, để nơi thoáng mát (nhiệt độ 15-20°C) đến mùa xuân (tháng 2-3) thì đem gieo. Hạt trước khi gieo có thể ngâm vào nước nóng 40°C để nguội rồi rửa hạt đem gieo.
Đất vườn ươm cần làm nhỏ, kỹ, đánh luống cao 20-30cm, bón lót bằng phân chuồng hoai 5-10kg cho một luống 10m2. Hạt đỗ trọng nhỏ nên khi gieo cần trộn hạt với tro hoặc đất mùn, khác màu với đất luống để gieo cho đều, gieo xong rắc một lớp mùn mỏng rồi dùng rơm rạ phủ lên mặt luống giữ ẩm; tưới nước 2-3 ngày một lần.
Sau khi cây nẩy mầm 10-15 ngày, có khoảng 2-3 lá thì bón thúc bằng nước phân loãng. Cây cao được 5-6cm thì cấy vào bầu. Thành phần ruột bầu ở Sa Pa làm là đất 95%, phân chuồng 4%, phân NPK 1%. Bầu có đường kính 8-10cm. Sau khi cấy cây vào bầu cần làm giàn che, hàng tháng tưới phân urê 1 lần với nồng độ 0,1kg/10 lít nước tưới cho 1-2 luống, hoặc cũng có thể tưới bằng nước tiểu loãng. Trước khi đem trồng 2-3 tháng thì ngừng bón thúc để cây cứng.
Ngoài ra cũng có thể dùng biện pháp chiết cành để lấy cây con đem trồng. Song bằng cách này thì thường là có số lượng ít, không thỏa mãn yêu cầu trồng nhiều. Phương pháp chiết tương tự như chiết các loài vải, cam, quýt.
Cây con thường ưươm ở vườn 1 năm (10-12 tháng). Vào cuối đông, đầu xuân có thể đem trồng.
Hố cần đào trước khoảng nửa tháng. Khi trồng cần bón lót bằng phân chuồng hoai, mỗi hố 2-3kg, trộn đều với đất. Hố đào 30x30x30cm. Tùy theo có trồng nông lâm kết hợp hay không mà trồng dày hay thưa. Nếu không trồng nông lâm kết hợp thì có thể trồng với mật độ 2500 cây/ha (khoảng cách giữa các cây 2x2m) hoặc 1600 cây/ha (khoảng cách giữa các cây 2x3m).
Có thể trồng đỗ trọng xen với cây ăn quả như đào, lê, mận. Cần chú ý đỗ trọng là cây ưa sáng nên không được để tán cây ăn quả che lấp đỗ trọng thì mới đạt kết quả. Có thể trồng cây ăn quả cách cây đỗ trọng 8-10m. Lúc đầu đất còn trống có thể trồng rau, lạc, đậu ở dưới; về sau khi cây lớn có thể tỉa cành cho đỗ trọng để nó mọc vươn cao, tạo khoảng thân dưới cành dài, thu hoạch vỏ sẽ được nhiều hơn.
Nguồn: Kỹ thuật trồng một số cây thân gỗ đa tác dụng
Tìm bài này trên Google:
- cây đỗ trọng