Chuồng trại nuôi dế và những điều cần biết

Chuồng trại nuôi dế

Nếu nuôi dế với số lượng nhỏ chỉ có vài ba mươi xô, thùng trở lại thì ta cần dọn một cái phòng nhỏ sẵn có trong nhà, hoặc dọn dẹp một khoảng trống bên chái nhà có diện tích khoảng vài ba mươi mét vuông cũng tạm gọi là đủ chỗ. Vì các xô, thùng nuôi dế nếu có cùng kích thước bằng nhau thì có thể đặt chồng lên nhau mà nuôi khỏi choán nhiều chỗ.

Trái lại, nếu ta nuôi dế với số lượng lớn từ năm bảy chục đến vài ba trăm xô thùng trở lên thì phải nghĩ đến việc lập chuồng trại nuôi dế riêng với diện tích rộng thì mới đủ chỗ.

Chuồng trại nuôi dế rộng rãi sẽ tạo nhiều thuận lợi cho việc nuôi dế: Nào là khu vực nuôi dế đẻ, rồi khu vực chỉ nuôi dế con, khu vực nuôi dế thịt và khu đặt những xô thùng ấp trứng.

Dù nuôi dế với số lượng lớn, trong một khu chuồng trại rộng cũng không hề gây ô nhiễm môi trường như nuôi các giống gia cầm, gia súc khác. Lẽ dễ hiểu là chất thải của dế không nhiều và cũng không bốc mùi xú uế nên chuồng trại nuôi dế dù có làm cạnh nhà ở hoặc ở gần các khu dân cư sinh sống cũng không gây hại gì đến sức khoẻ của mọi người.

Thế nhưng kỹ thuật lập trại nuôi dế cũng phải làm “rập khuôn” theo phương cách lập trại để nuôi trâu bò, heo gà. Vì rằng, có thực hiện đúng như vậy mới thích nghi được với tập tính sống và môi trường sống của loài côn trùng này.

Chuồng trại nuôi dế và những điều cần biết - nuoi de

Chuồng trại nuôi dế nằm trên cuộc đất cao của 1 nông hộ

Từ trước đến nay có một số ít người nghĩ rằng con dế rất dễ nuôi, cứ bắt nhốt vào xô thùng rồi tới bữa nhớ siêng năng cho ăn uống đầy đủ thì chúng sẽ sinh trưởng tốt, sẽ lớn nhanh. Còn nếu nuôi đủ trống, đủ mái thì theo quy luật tự nhiên chúng cũng tự bắt cặp với nhau rồi sinh sản bình thường như cách sống tự nhiên của chúng ở bên ngoài vậy (?).

Chính vì suy nghĩ một cách đơn giản như vậy nên ít ai quan tâm đến và cũng không tìm hiểu đến môi trường sống của dế như thế nào mới phù hợp với chúng, để nuôi dưỡng chúng cho tốt hơn.

Do chủ quan như vậy nên ngay bước đầu bắt tay vào nghề chăn nuôi mới mẻ này họ phải nếm mùi thảm bại. Dế chết hàng loạt trong các xô, thùng … Bao nhiêu vốn liếng bỏ ra đã đi đời nhà ma và đến chừng hiểu ra thì mọi chuyện đã quá muộn màng! Có nhiều người vì phải nếm thảm bại này sinh ra nản chí và bỏ nghề luôn.

Thật ra, con dế không đến nỗi quá trái tính, trái nết, nghĩa là không đến nỗi khó nuôi. Nuôi thất bại là do ta chưa tìm hiểu kỹ về tập tính sống của chúng. Tuy chúng là loài côn trùng nhỏ nhoi nhưng dù sao cũng là một sinh vật, chúng cần có môi trường sống thích hợp mới sinh trưởng tốt được.

Vì vậy lập chuồng trại nuôi dế cũng phải có kỹ thuật mới gặt hái được thành công, chứ không thể tuỳ tiện làm cách nào cũng được.

Chọn cuộc đất cao ráo

Chuồng trại nuôi dế cũng cần phải được xây dựng trên một cuộc đất cao ráo để tránh úng ngập trong mùa mưa bão.

Cách làm này cũng như cách chọn đất để làm chuồng trại nuôi các loài gia súc, gia cầm. Duy chỉ khác một điều là khu đất làm chuồng trại nuôi dế không nhất thiết phải đòi hỏi làm cách xa nhà ở, hoặc xa khu vực dân cư sinh sống. Lẽ dễ hiểu là trại nuôi dế dù có rộng lớn đến bao nhiêu cũng không gây ô nhiễm môi trường như các trại nuôi trâu bò, gà vịt … Và tuy dế (trống) biết gáy, nhưng hàng triệu tiếng gáy của dế có cất lên cùng một lúc cũng không gây ồn bằng tiếng gáy của một hai con gà trống.

Sở dĩ chuồng trại nuôi dế cũng nên làm trên cuộc đất cao ráo, vì tập tính của loài này chỉ thích ở nơi cao ráo, miễn là đừng quá khô cằn và tránh xa những vùng đất thường xuyên bị úng ngập.

Trong đời sống hoang dã bên ngoài, chúng biết tránh nơi ẩm thấp mà tìm đến vùng đất cao ráo để đào hang sinh sống. Nơi ruộng khô dế có thể ẩn mình dưới những cục đất cày nằm trên mặt ruộng. Ở vùng thấp trũng, dế tránh xa những nơi nước đọng ao tù mà đào hang ở những nơi bờ ruộng, những mô đất cao Nếu hang bị ngập nước thì dế hối hả rời ngay khỏi nơi trú ngụ của nó. Những ai thời trẻ tuổi có thú vui ra đồng bắt dế đá tất đã có kinh nghiệm này: cứ tìm vài bụm nước chế đầy hang tất sẽ tóm được con dễ do bị ngộp nước nên vội vã chui ra …

Tóm lại, nơi nuôi dế dù chỉ là một phòng nhỏ trong nhà hoặc ở bên chái nhà cũng phải là nơi cao ráo, không bị úng ngập.

Chọn hướng chuồng thích hợp

Ngoài việc thích sống ở vùng khô ráo, dế còn thích sống ở vùng khí hậu ấm áp dễ chịu. Nói chung, dế có khả năng chịu nóng hơn là chịu lạnh. Vì vậy, chuồng trại nuôi dế nên quay về hướng đông hoặc hướng đông nam mới thích hợp với chúng.

Chuồng trại quay mặt về hướng Đông, mỗi sáng sớm sẽ đón nhận được ánh nắng ấm áp chiếu rọi vào làm cho không khí trong toàn trại được ấm áp và khô ráo hơn. Trong ánh nắng ban mai vốn có tia cực tím không những giúp dế sinh trưởng tốt hơn, mà còn tiêu trừ được biết bao mầm bệnh do vi trùng vi khuẩn các loại gây ra trong khắp chuồng trại. Nói cách khác, ánh nắng ban mai trong trường hợp này đã thổi một luồng sinh khí vào trại giúp môi trường sống của vật nuôi được tốt hơn.

Trong trường hợp xây chuồng trại của dế quay về hướng đông nam, buổi sáng vẫn đón nhận được nguồn nắng ấm áp chiếu rọi vào chuồng. Đồng thời còn đón nhận được ngọn gió nồm, nhờ đó mà bên trong khu vực chuồng trại lúc nào cũng được mát mẻ, dễ chịu. Chúng ta đã biếtnhiệt độ thích hợp đối với dế là trong khoảng từ 26 đến 28 độ C.

Nền chuồng phẳng, cao ráo

Mặt nền nhà mà gồ ghề, lồi lõm thì làm sao sắp xếp được các thùng xô nuôi dế được ngay ngắn, nhất là khi phải chất chồng lên cao? Ngoài ra, nền cần được tráng xi măng, hoặc tốt nhất là lát gạch vừa ngăn ngừa kiến đào hang ổ sinh sống. Nói đến kiến thì chắc chắn người nuôi dế nào cũng phải lo cảnh giác thường xuyên và thẳng tay bài trừ đến tận hang ổ để tiêu diệt chúng, mỗi khi thấy dạng chúng xuất hiện trong khu vực nuôi dế.

Chuồng trại nuôi dế và những điều cần biết - chuong trai nuoi de farmvina com  640x427

Bảo vệ, che chắn chuồng trại nuôi dế kỹ càng

Chung quanh trại dế, sát phía ngoài tường vách cần tạo đường mương nước giáp vòng, mục đích chính cũng là để ngăn ngừa lũ kiến từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong trại giết chết dế.

Mương nước này không cần quá sâu, quá rộng, mà chỉ cần có độ sâu 15cm và bề rộng khoảng 20cm là vừa. Mương cần được xây gạch cho chắc chắn và tô trát xi măng kỹ để lượng nước chứa bên trong không bị rò rỉ ra ngoài.

Nếu vì một lẽ gì để con mương vành đai trại dế bị cạnh nước thì nó sẽ trở thành vật vô dụng. Vì vậy, hằng ngày ta phải để ý theo dõi đến mực nước của mương xem có đầy tràn hay không. Nên thả cá Bảy Màu hoặc cá Hồng Kim vào nuôi trong mương nước này để chúng diệt trừ hết lăng quăng, trừ muỗi.

Ngoài ra, khu vực đất đai bao quanh trại dế nếu là đất trống, ta nên phát quang theo định kỳ bằng cách chặt bỏ hết cây tạp và gom cỏ dại lại một nơi cách xa đó đốt bỏ. Việc làm đó cũng nhằm mục đích ngăn ngừa các kẻ thù của dế không còn nơi ẩn núp để lén lút xâm nhập vào bên trong trại dế.

Mặt khác, ta cũng nên khai thông mương rãnh quanh khu vực chuồng trại này để tạo sự khô ráo, sạch sẽ.

Mái chuồng thông thoáng mát mẻ

Phần mái lợp bên trên chuồng trại cũng đóng vai trò quan trọng. Mái lợp bằng thứ vật liệu gì là tuỳ thuộc vào ý thích, vào sự tính toán và khả năng tài chính của chủ nuôi. Nếu vốn liếng eo hẹp thì lợp bằng lá hoặc tranh là thứ vật liệu xây dựng rẻ tiền. Ngược lại, nếu khả năng tài chính dồi dào ta có thể lợp ngói hoặc tôn lạnh. Làm vậy tuy phải bỏ ra nhiều tiền nhưng có thể sử dụng được nhiều năm vì có độ bền chắc, lại khỏi phải nơm nớp lo sợ bị thần hoả viếng thăm không biết lúc nào!

Nhưng, mái chuồng trại nuôi dế dù có lợp bằng vật liệu gì đi nữa thì cũng không nên làm thấp lè tè gây ngột ngạt, nóng bức, mà phải có độ cao cách xa nền nhà chừng ba bốn mét mới đủ thoáng mát. Mái trại cũng có độ cao cần thiết để phủ kín hành lang quanh trại và nhờ đó mưa sẽ không tạt tới, nắng cũng không thể rọi vào bên trong chuồng trại.

Vách trại dế che kín

Cần đảm bảo mọi kẻ thù bên ngoài không thể lọt vào bên trong để sát hại dế, đồng thời cũng không dể đế nuôi đào thoát ra khỏi khu vực nuôi chúng.

Tường vách của trại có thể dùng bằng tôn hoặc xây bằng gạch, có như vậy mới bảo đảm được chắn chắn, bền bỉ. Không nên để vách kín mít mà phải có trổ nhiều cửa sổ cho thông thoáng.

Các khung cửa sổ ngoài việc lắp đặt cánh cửa để tiện đóng mở như thường thấy, còn phải căng thêm tấm lưới kẻm mắt nhỏ, với mục đích gì thì chắc các bạn cũng đã biết.

Việt Chương – Phúc Quyên (Farmvina)

Thảo luận cho bài: Chuồng trại nuôi dế và những điều cần biết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *