Đường Lam Sơn: Tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao để tăng năng suất

Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn đã ký kết hợp tác khoa học công nghệ nghiên cứu và phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô công nghiệp.

Để hoàn thành đề án tái cơ cấu sản xuất vùng mía đường Lam Sơn gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, vừa qua, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn (Lasuco) và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), đã ký kết hợp tác khoa học công nghệ nghiên cứu và phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo quy mô công nghiệp.

Đề án tái cơ cấu được Công ty đưa vào triển khai từ năm 2013. Sau gần 3 năm thực hiện, đến thời điểm này Lasuco cơ bản “xanh hóa” được diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn các huyện miền núi như Thọ Xuân, Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Sơn, Cẩm Thủy… bằng các giống mía chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản. Đặc biệt, sau khi được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các viện, trường đại học, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đã tăng lên rõ rệt.

Đường Lam Sơn: Tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao để tăng năng suất - tang nang suat 271a 1

Tập trung tái cơ cấu sản xuất vùng Mía đường Lam Sơn theo hướng công nghệ cao

Điển hình như, Học viện Nông nghiệp VN chuyển giao kỹ thuật trồng mía bầu, che phủ nilon đã đưa năng suất mía trong vùng tăng từ 45 tấn/ha lên 70 tấn/ha, cá biệt một số mô hình đạt 120 – 130 tấn/ha; phối hợp Viện Di truyền NN chuyển giao kỹ thuật sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, tạo thêm nghề phụ, công ăn việc làm cho người dân vùng nguyên liệu mía Lam Sơn (bình quân lợi nhuận trên 5 triệu đồng/tấn nguyên liệu); phối hợp Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật trồng dưa vàng Kim hoàng hậu theo hướng CNC mang lại lợi nhuật 25 triệu đồng/1.000m2/vụ cho nông dân.

Được thành lập năm 1980, sau 35 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Nhà máy đường Lam Sơn – nay là Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã không ngừng lớn mạnh toàn diện, giành được những thành tựu to lớn cả về lượng và chất. Trong thời gian đó, Công ty đã đưa vào chế biến 16,15 triệu tấn mía; sản xuất và tiêu thụ gần 1,77 triệu tấn đường và 115 triệu lít cồn; tổng doanh thu đạt 17.500 tỷ đồng; nộp Ngân sách Nhà nước 1.170 tỷ đồng. Thương hiệu LASUCO đã trở thành một mô hình kinh tế mới liên kết hợp tác công – nông – trí, gắn công nghiệp với nông nghiệp; mối liên kết 4 nhà “Doanh nghiệp – Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà nông” được phát triển bền chặt, thúc đẩy hình thành một Tập đoàn kinh tế công – nông nghiêp – dịch vụ – thương mại.

Công ty đã xây dựng mục tiêu, định hướng phát triển trong giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn 2030, trong đó tập trung tái cơ cấu sản xuất vùng Mía đường Lam Sơn theo hướng công nghệ cao và phát triển gắn với tăng trưởng xanh bền vững. Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông – công nghiệp bền vững bằng công nghệ cao; xây dựng một số sản phẩm hàng hóa chủ lực, có hàm lượng công nghệ cao mang thương hiệu Xứ Thanh. Phấn đấu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp có doanh thu đạt 1 tỷ USD, trong đó doanh thu từ mía đường chiếm từ 25 đến 30%, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt từ 40 đến 45%; bảo đảm việc làm cho 3.000 cán bộ, công nhân viên và hàng vạn nông dân với chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Đường Lam Sơn: Tái cơ cấu theo hướng công nghệ cao để tăng năng suất

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *