Hiệu quả từ chăn nuôi Lợn theo tiêu chuẩn VietGAP

Với mục tiêu cung ứng ra thị trường sản phẩm thịt lợn an toàn, đồng thời để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đầu năm 2014, ông Bùi Đức Dũng, tiểu khu Cây Châm, thị trấn Đu (Phú Lương, Thái Nguyên) đã đăng ký chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP. Hiện nay, gia đình ông là hộ đầu tiên và duy nhất trên địa bàn huyện Phú Lương thực hiện quy trình này. Cũng vì thế mà bà con ở trong tiểu khu thường gọi ông bằng cái tên khá thân thiện “Ông Dũng VietGAP”.

Từ Quốc lộ 3 đi vào trục đường xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành chưa đầy 1km, chúng tôi bắt gặp một khu trang trại chăn nuôi lợn được xây dựng khá quy mô. Vào tới khuôn viên khu trang trại chúng tôi mới hiểu được vì sao mà người dân ở tiểu khu lại gọi ông là “Ông Dũng VietGAP”. Cả khuôn viên gồm vườn, trang trại và khu nhà ở rộng gần 10.000 m2 đều được xây dựng khang trang, sạch sẽ và rộng rãi. Nếu không được giới thiệu thì ít ai biết rằng gia đình ông Dũng lại đang nuôi đến hơn 800 con lợn bởi luồng không khí ở đây khá thoáng đãng, khác hẳn với nhiều hộ chăn nuôi khác mà chúng tôi từng được biết.

Hiệu quả từ chăn nuôi Lợn theo tiêu chuẩn VietGAP - img7848 1

Ông Bùi Đức Dũng, tiểu khu Cây Châm, thị trấn Đu (Phú Lương) đang chăm sóc đàn lợn con.

Tiếp chúng tôi tại bàn trà đặt phía ngoài sân, ông Dũng bắt đầu kể về quá trình, lý do mà ông quyết định chăn nuôi lợn an toàn. Ông bảo: trước đây, cuộc sống của gia đình tôi phụ thuộc hoàn toàn vào mấy sào ruộng nên rất khó khăn. Vì vậy, năm 2008, 2 vợ chồng đã bàn bạc chăn nuôi thêm lợn. Lúc đầu, tôi cũng chỉ nuôi vài con, dần dần mở rộng quy mô. Đến năm 2012, khi trong chuồng có gần 200 con lợn (với khoảng trên 20 tấn lợn thịt) chuẩn bị được xuất chuồng thì ngoài thị trường lại xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn. Dù đàn lợn của gia đình tôi không bị nhiễm bệnh nhưng người tiêu dùng lúc đó đều “nói không” với thịt lợn, cũng vì thế mà thương lái ép giá, giá bán lợn hơi lúc đó đang ở ngưỡng 40.000 đồng/kg tụt xuống 16.000 đồng/kg. Với gần 20 tấn lợn thịt gia đình tôi chấp nhận thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Sau lần đó, tôi luôn trăn trở là làm thế nào để sản phẩm chăn nuôi của mình luôn được người tiêu dùng lựa chọn, không bị thương lái ép giá và tôi đã tìm hiểu và chuyển sang chăn nuôi lợn an toàn.

Năm 2014, ông Dũng bắt đầu chuyển sang chăn nuôi lợn an toàn theo quy trình VietGAP. Để nắm rõ quy trình này, ông đã nhờ sự hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, đồng thời tự tìm tòi qua các phương tiện truyền thông để chăn nuôi. Ông cho biết: Nuôi lợn an toàn đòi hỏi rất khắt khe từ địa điểm; bố trí khu chăn nuôi; chuồng nuôi và thiết bị chăn nuôi; giống và quản lý chăn nuôi; vệ sinh, quản lý thức ăn chăn nuôi… Đặc biệt, tất cả mọi hoạt động tác động lên con lợn từ việc chăn cám gì, cho ăn vào giờ nào, tiêm phòng thuốc gì, lịch vệ sinh hay ngày, tháng sinh nở của lợn nái… đều phải ghi vào cuốn sổ nhật ký chăn nuôi để theo dõi. Chính vì vậy, sau khi đăng ký thực hiện, ông Dũng đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng 2 khu chuồng trại với diện tích gần 5.000 m2 để chăn nuôi. Sau 3 lứa lợn (tương đương với 1,5 năm), đến lứa thứ 4 gia đình ông mới được Trung tâm Kiểm định Chất lượng giống và Vật tư hàng hóa (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) cấp giấy chứng nhận chăn nuôi VietGAP (tháng 9/2015 được cấp giấy chứng nhận).

Hiện nay, tại 2 khu chuồng trại của gia đình ông đang nuôi trên 800 con lợn, trong đó có tới gần 100 lợn nái để gây lấy lợn giống và hơn 700 lợn thịt. Bình quân mỗi tháng gia đình ông xuất hơn 6 tấn lợn thịt, thu về khoảng 250 triệu đồng, trừ mọi chi phí thu lãi 60 triệu đồng/tháng. Ông Dũng chia sẻ thêm: tham gia chăn nuôi theo VietGAP, được học và tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện nghiêm túc lịch tiêm phòng vắc xin, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, nên đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, tôi thấy an tâm hơn nhiều. Nay đã có nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh (Hà Nội, Hải Dương…) tìm đến đến ký hợp đồng mua bán. Khách hàng tin tưởng, sản phẩm xuất ra thị trường an toàn, đặc biệt là giảm thiểu ô nhiễm môi trường nên tôi phấn khởi lắm. Hiện nay, gia đình cũng đang đầu tư xây thêm một khu chuồng với diện tích 1.500 m2 để mở rộng chăn nuôi.

Ông Trần Đình Bảy, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương cho biết: Toàn huyện hiện có 14 trang trại với gần 200 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, trang trại của gia đình ông Dũng là đơn vị đầu tiên đăng ký chăn nuôi theo quy trình VietGAP ở huyện. Thực hiện theo quy trình này, người chăn nuôi phải đảm bảo được các tiêu chí theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, như: không dùng chất tăng trưởng, ghi chép sổ sách chuồng trại, không bán lợn mới được tiêm kháng sinh, chưa đủ thời gian cách ly ra thị trường… Thực tế cho thấy, chăn nuôi an toàn, thời gian vật nuôi được xuất chuồng kéo dài hơn từ 10 – 15 ngày so với chăn nuôi thông thường nhưng chất lượng sản phẩm được đảm bảo, giá bán lại cao hơn từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Đặc biệt ưu điểm của quy trình này là kịp thời phát hiện sai sót trong quá trình chăn nuôi, truy nguyên theo sổ sách ghi chép để có biện pháp khắc phục. Lợi ích của người dân là nắm được quy trình chăn nuôi khoa học tiên tiến, tạo ra được nguồn thực phẩm sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập, ổn định đời sống… Đây là giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững và thời gian tới huyện Phú Lương sẽ nhân rộng mô hình này.

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Thảo luận cho bài: Hiệu quả từ chăn nuôi Lợn theo tiêu chuẩn VietGAP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *