Một số bệnh ở rễ, lá, nhiệt độ cao làm giảm tỉ lệ đậu quả, năng suất giảm rất nhiều, nếu không nói là mất trắng… Vì vậy ghép cà chua lên gốc cà tím là giải pháp được lựa chọn để hạn chế tối thiểu các trở ngại trên giúp nông dân trồng cà chua trái vụ thu nhập cao.
Cà chua là cây rau ăn quả được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, việc phát triển sản xuất cà chua đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên phần lớn diện tích trồng cà chua tập trung vào vụ đông, năng suất cao nhưng giá rẻ, tiêu thụ chậm, vụ hè thu diện tích giảm, do thời tiết không thích hợp cho cây sinh trưởng, bị chết nhiều vì ngập nước.
Đây là phương pháp lấy ngọn giống cà chua ghép với gốc cà tím để tận dụng ưu thế chống chịu thời tiết nắng nóng và sâu, bệnh tốt của cà tím. Khi ghép trên gốc cà tím, hình dạng quả vẫn giữ đúng đặc tính cơ bản của giống cà chua ghép. Giống cà chua được ghép trên gốc cà tím sinh trưởng phát triển tốt, có khả năng hạn chế bệnh héo xanh gây hại, chống chịu tốt với thời tiết nắng nóng của vụ hè thu.
Nội dung chính
Hướng dẫn cách ghép cà chua trên gốc cà tím
1. Thời vụ ghép
– Vụ hè thu: gieo hạt cà tím từ ngày 5/6 đến ngày 20/6, gieo hạt cà chua từ ngày 16/6 đến ngày 30/6 (gieo hạt cà chua sau cà tím 10 ngày), trồng cây đã ghép vào cuối tháng 7 đầu tháng 8.
– Vụ xuân hè muộn: gieo hạt cà tím từ tháng 12, gieo hạt cà chua vào cuối tháng giêng. Ghép cây vào cuối tháng 2 đầu tháng 3, trồng cây vào giữa tháng 3.
2. Gieo hạt cà tím
Hạt cà tím, hạt cà chua ngâm riêng trong dung dịch thuốc tím 0,5% trong 1 giờ, sau ngâm tiếp 5-6 giờ trong nước sạch, đem ủ ấm trong 1-2 ngày, khi hạt nứt nanh, gieo trong khay, bầu (đường kính bầu 5-7cm, cao 10-15cm) hay vỉ xốp, có lỗ thoát nước ở đáy.
Gieo hạt cà tím vào khay hoặc túi bầu có kích thước 6 x 9 x 7 cm, hỗn hợp trong bầu gồm 70% đất màu trộn đều với 30% phân chuồng ủ mục, 1m3 hỗn hợp trộn thêm 5 kg lân super, hạt cà chua gieo gần nơi gieo hạt cà tím để thuận tiện cho việc ghép sau này. Gieo 2-3 hạt cà tím 1 lỗ. Tưới đủ ẩm đến khi cây mọc đều. Giai đoạn cây con cần phun phòng sâu vẽ bùa, bọ phấn trắng truyền bệnh xoăn lá và bệnh lở cổ rễ bằng Regent 1% và Benlat C 10% định kỳ 5 ngày 1 lần,
3. Ghép cây
Khi cây cà tím có 4 – 5 lá thât, cao 15 – 18 cm, cây cà chua có 3 – 4 lá thật, cao 12 – 15 cm thì tiến hành ghép. Dùng dao lam cắt vát 300 thân cây cà tím phía trên 2 lá mầm, có thể chọn vị trí nào đó để cắt thân cà tím cho tương xứng với đường kính thân cây cà chua, cắt thân cà chua góc 300 dưới lá thật, dùng ống cao su có đường kính 2-3 mm giữ gốc ghép và ngọn ghép áp sát 2 mặt vát vào nhau.
4. Chăm sóc
Ghép xong cần che mát 70% ánh sáng trực tiếp bằng lưới nilon màu đen đồng thời che mưa trong 10 ngày. Khi cây ghép đã liền sẹo, cắt bỏ dây chun để cây phát triển bình thường, mang ra nơi có nhiều ánh sáng. Tiếp tục chăm sóc đến khi cây ghép có 4 – 6 lá thật, cao 25 – 30cm là đủ tiêu chuẩn đem trồng .
Lượng phân bón ( 360m2): 8-10 tạ phân chuồng hoai mục + 20kg NPK (5:10:3:S) bón lót khi trồng. Bón thúc 3- 4 lần, khi cây có nụ, sau mỗi lần thu quả bằng 10-15kg phân NPK (12:5:10:S). Nếu không có phân NPK có thể bón phân đơn với lượng: 25-30kg lân supe+10-12kg ure+10-12kg kaliclorua. Thường xuyên tỉa nhánh, lá gốc cho thông thoáng, làm giàn cho cà chua tựa, tránh đổ ngã khi mang quả.
Phun chế phẩm H-K (Humat-K)+Multi-K định kỳ cho cà chua, 10 ngày/lần để tăng khả năng chống bệnh, bền cây.
Vụ sớm, vụ hè cần chọn chân ruộng cát pha hay thịt nhẹ, thoát nước, tráng nắng, nhiều màu. Nếu đất chua, độ pH<6 cần bón 20-25kg vôi bột khi làm đất.
Theo Hội Nông dân Việt Nam, KHKTNN