Hướng dẫn cách nuôi Gà con hiệu quả cao

Gà con nuôi công nghiệp là gà ấp nhân tạo – ấp bằng máy. Một lần ấp ít nhất là năm bảy chục trứng, nhiều là năm mười ngàn trứng, tuỳ vào nhu cầu để ấp máy nhỏ hay máy lớn.

Gà con ấp máy khi mới nở cũng yếu ớt, bộ lông tơ ướt chèm nhẹp, rún cũng ướt và to, bộ dạng khờ khạo. Gà mới lọt khỏi vỏ trứng như vậy bắt ra úm liền không tốt bằng cách cứ để gà nằm trong máy ấp thêm một ngày nữa để gà khô lông, khôn lanh hơn. Hơn nữa, trong ngày tuổi đầu đời này gà cũng chưa biết ăn uống, và cũng chưa cần thiết trong việc ăn uống.
Ngay từ ngày đầu này nên lựa ra nuôi những con gà khoẻ mạnh không bệnh tật, và dứt khoát loại thải những con gà yếu sức và có tật bẩm sinh.
Gà con khoẻ mạnh là gà nở đúng ngày trông cứng cáp, rún không còn tròng đỏ lòi cả cục ra ngoài, lông tơ không dính sát da, mắt không đui, mỏ không bị tréo và chân đứng sổng lên mạnh dạn.
Ngược lại, gà con mới nở mà dị hình dị tướng, lông dính sát vào mình, mắt mỏ đều có tật, chân khô yếu như bại xuội, thân nhẹ cầm trên tay thấy nhẹ hều. Gà mà èo uột, bệnh tật như vậy nếu tiếc mà nuôi sẽ tốn công, tốn của mà thôi.
Chuồng úm gà con, nền chuồng nên làm bằng lưới kẽm mắt nhỏ 1cm để gà không lọt chân xuống làm què cẳng, đồng thời phân gà cũng lọt hết xuống máng phân dễ dàng. Nhờ đó mà chúng không ăn phân của nhau, tránh bị mắc bệnh cầu trùng, là bệnh kí sinh trùng nguy hiểm giết chết gà con hàng loạt. Vì nếu trong chuồng có một gà bị bệnh cầu trùng thì lần lượt những con chùng chuồng đều bị lây bệnh này.
Gà con mới nở rất sợ gió máy và ẩm ướt, chúng cần được úm kỹ với nhiệt độ thích hợp. Nếu được sống trong môi trường ấm áp gà sẽ khoẻ mạnh năng động, lăng xăng lui tới khắp chuồng. Vì vậy, việc điều chỉnh nhiệt độ trong chuồng úm trong từng giai đoạn sinh trưởng của gà con là điều ai cũng phải quan tâm.
Trong tuần đầu, nhiệt độ chuồng úm cao từ 31 đến 34 độ mới đủ ấm áp để nuôi sống gà.
Đến tuần lễ thứ hai gà đã khôn lớn, mình đã toả ra thân nhiệt để sưởi ấm cho nhau, nên nhiệt độ chuồng úm có thể hạ thêm vài độ: từ 30 đến 33 độ là vừa.
Đến tuần tuổi thứ ba, tuần lễ cuối cùng nuôi trong chuồng úm, gà đã khôn lanh thì nhiệt độ trong chuồng úm lại giảm xuống còn từ 29 đến 31 độ.
Như vậy, sau tuần tuổi này, do thân nhiệt đã cao nên ra khỏi chuồng úm là gà con có thể thích nghi với nhiệt độ ngoài trời, khoảng trên dưới 30 độ.
Trên lý thuyết là vậy, nhưng trong thực tế có khi lại khác. Hàng ngày, vào giấc trưa, giấc chiều tối tuỳ theo nhiệt độ bên ngoài mà ta phải điều chỉnh nhiệt độ trong chuồng úm sao cho thích hợp, bằng cách quan sát cách sống của gà trong chuồng ra sao để mà định liệu, chứ không nên ỷ lại vào mấy ngọn đèn úm:
  • Nếu thấy gà con trong chuồng úm nằm dàn đều khắp nền chuồng mà ngủ say thì biết là nhiệt độ chuồng úm thích hợp.
  • Ngược lại, nếu thấy gà chen chúc nhau ngay dưới bóng đèn úm mà ngủ gà ngủ gật là biết nhiệt độ chưa đủ ấm, cần phải tăng lên.
  • Còn nếu gà vừa kêu chiêm chiếp vừa há mỏ thở thì phải hạ ngay nhiệt độ trong chuồng úm xuống, vì môi trường sống của gà quá oi bức, nóng nực …
  • Tính xong việc úm cho ấm, ta còn nghĩ đến việc ăn uống của gà con.
Gà con mới nở ngày đầu (nằm trong máy ấp) không ăn. Ngày tuổi thứ hai nuôi trong chuồng úm chúng cũng chưa biết ăn, nhưng nhiều con đã biết khát nước, tìm đến máng nước mà uống.
Nước cho gà con uống là nước tinh khiết, đun sôi để nguội. Khi gà được vài ba tuần tuổi thì cho chúng uống nước lã bình thường, miễn tinh khiết là được.
Qua ngày tuổi thứ ba thì gà c on đã tập ăn. Nên cho chúng ăn theo bữa. Cứ cách một giờ cho ăn một bữa, và bữa ăn của chúng kéo dài độ mười đến mười lăm phút là vừa. Nên cho gà ăn đúng bữa. Xong bữa thì lấy máng ra.
Sau tuần lễ đầu thì gà đã biết ăn rành, từ đây nên đặt máng ăn trong chuồng úm thường trực cho gà ăn tự do với máng ăn có trục lăn ngăn ra ở giữa để gà không nhảy được vào giữa máng mà làm hỏng thức ăn.
Cần phải tính toán đến việc đặt máng ăn cho đủ để tới bữa gà nào cũng có chỗ để đứng ăn, tránh con mạnh được ăn nhiều, con yếu đứng ngoài chịu đói.
Thức ăn đựng trong máng gà con chỉ đủ cho chúng ăn trong ngày, số dư ra đổ bỏ, vì đã ôi thiu. Máng phải đem ra ngoài cọ rửa sạch rồi phơi nắng khử trùng cho hợp vệ sinh. Máng nước hàng ngày cũng nên thay nước mới hai lần. Và sau mỗi ngày những máng cũ cũng được làm vệ sinh sạch sẽ.
Nuôi gà con, ngoài việc chăm lo thức ăn nước uống cho chúng sống no đủ, còn phải nghĩ đến việc tao cho gà sự miễn nhiễm đối với các bệnh truyền nhiễm, có như vậy suốt đời gà mới không bị lây nhiễm những bệnh hiểu nghèo để sống sởn sơ, tăng năng suất:
  • Trong tuần tuổi đầu tiên, mỗi gà con đều được chích ngừa bệnh trái gà.
  • Qua tuần lễ thứ hai, ta chích ngừa dịch tả cho gà.
  • Gà con sáu tuần tuổi được chích ngừa bệnh toi. Và cũng vào lứa tuổi này bắt đầu xổ lãi cho gà.
  • Việc xổ lãi sau đó, cứ tiếp tục mỗi tháng xổ thêm một lần cho đến khi gà được 5 tháng tuổi.
Còn ba bệnh là bệnh trái, dịch tả, bệnh toi thì sau khi chích lần thứ nhất, chờ đến ba tháng sau chích lại lần thứ hai, mỗi bệnh chích cách nhau một tuần để tăng thêm sức miễn nhiễm. Sau đó, cách sáu tháng chỉ chích ngừa hai bệnh dịch tả và bệnh toi.
Nên chích thuốc cho đầy đủ và đúng kỳ hạn mới giúp gà miễn nhiễm được các thứ bệnh nguy hiểm trên
Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Hướng dẫn cách nuôi Gà con hiệu quả cao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *