Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên (Bắc Giang) thành lập năm 2014. Sau một năm thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi, cuối năm vừa qua, Hội được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu “Lợn sạch Tân Yên”. Đây là bước tiến quan trọng để sản phẩm lợn sạch chiếm lĩnh thị trường.
Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên (Bắc Giang) thành lập năm 2014. Sau một năm thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi, cuối năm vừa qua, Hội được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu “Lợn sạch Tân Yên”. Đây là bước tiến quan trọng để sản phẩm lợn sạch chiếm lĩnh thị trường.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Tân Yên thăm mô hình chăn nuôi của hội viên Hội Chăn nuôi lợn sạch.
Ông Ngô Xuân Lương, cán bộ thú y xã Ngọc Châu, Chủ tịch Hội chăn nuôi lợn sạch Tân Yên bắt đầu nuôi lợn quy mô lớn từ năm 2012. Khi ấy, tổng chi phí xây dựng chuồng nuôi hết khoảng 100 triệu đồng.
Với hệ thống chuồng trại khép kín, ông nuôi hơn 500 con lợn nái và thương phẩm/lứa, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Làm theo ông, hầu hết hội viên của Hội đều chăn nuôi theo mô hình khép kín và chọn giống lợn siêu nạc.
Huyện Tân Yên hiện có hơn 250 trang trại chăn nuôi lợn, quy mô từ 300 – 400 con lợn thịt/lứa cùng hàng trăm gia trại, tập trung ở các xã: Ngọc Châu, An Dương, Việt Lập, Liên Chung, trong đó Ngọc Châu là xã có phong trào nuôi lợn phát triển nhất và thành lập Hội Chăn nuôi lợn sạch. Khi chăn nuôi phát triển, người dân cần có thông tin về thị trường, đầu ra cho sản phẩm nên hội viên cùng tìm cách tháo gỡ.
Thời điểm đầu năm 2010, huyện đang quan tâm tìm hướng đi cho các trang trại chăn nuôi lợn. Ý tưởng gặp nhau, vậy là năm 2014, Hội Chăn nuôi lợn sạch Tân Yên ra đời trên cơ sở Hội Chăn nuôi lợn sạch xã Ngọc Châu.
Trò chuyện về việc xây dựng nhãn hiệu lợn sạch, Chủ tịch Hội Ngô Xuân Lương cho biết: “Chúng tôi đã suy tính rất kỹ, trong số vật nuôi hiện nay, thịt lợn là thực phẩm chủ yếu. Hơn thế, hàng năm nông dân trong huyện nuôi và xuất bán gần 200 nghìn con lợn. Để hội nhập sâu và bền vững, người chăn nuôi cần hợp tác lại và xây dựng thương hiệu sản phẩm”.
Đến nay, Hội có 54 hội viên ở 5 xã, nuôi 1 nghìn con lợn nái ngoại. Bình quân, từ nuôi lợn, hội viên có lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm. Về nhãn hiệu lợn sạch, ông Lương cho biết, nghề chăn nuôi luôn tiềm ẩn rủi ro về đầu ra, giá cả bấp bênh, dịch bệnh đe dọa. Mặt khác người chăn nuôi thiếu kiến thức về thú y, không bảo đảm khâu chọn giống, chăm sóc… Từ việc thành lập Hội và xây dựng nhãn hiệu lợn sạch, hội viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, bảo vệ nhãn hiệu và môi trường.
Thực tế, các trang trại nuôi lợn đều có hầm biogas xử lý chất thải, việc ra vào chuồng nuôi đều tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. Hội cũng đang hướng các hộ nuôi lợn chưa vào Hội sử dụng nhãn hiệu lợn sạch với điều kiện phải chăn nuôi theo đúng quy trình để có sản phẩm bảo đảm chất lượng, không sử dụng chất cấm. Từ khi có nhãn hiệu lợn sạch, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn hẳn. Thương nhân ở các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP Hà Nội và nhiều tỉnh phía Nam về tận nơi đặt hàng.
Ông Nguyễn Quang Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc phấn đấu để có nhãn hiệu lợn sạch đã khó nhưng gìn giữ và phát triển nhãn hiệu còn khó hơn. Vì thế, thời gian tới, huyện chỉ đạo Hội tập trung hướng dẫn hội viên thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn. Đồng thời tuyên truyền, vận động để các hộ tham gia vào Hội nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín với khách hàng và góp phần quảng bá hình ảnh chăn nuôi ra ngoài địa bàn.
Với Tân Yên, nhãn hiệu lợn sạch đã và đang được thị trường đón nhận, mở hướng đi mới cho người chăn nuôi.