Đất thích hợp cho Hồng là đất thịt, hoặc đất thịt nhẹ, nên chọn những nơi đất cao không bị ngập úng, đất bằng phẳng, tơi xốp thông thoáng, có độ pH = 6,0 – 6,5, có đầy đủ ánh sáng.
1. Thời vụ trồng
Hồng thuộc cây lâu năm, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất là trồng vào 2 thời vụ chính: vụ xuân tháng 2 – 4 (bắt đầu thu hoa tháng 9 năm đó) và vụ thu tháng 9 –10 (bắt đầu thu hoa từ Tết Nguyên Đán).
2. Kỹ thuật làm đất
– Lên luống: hình thang, luống rộng 1,3 – 1,4 m, mặt luống 70 – 80 cm, luống cao 30 cm, rãnh luống rộng 30 – 40cm.
– Bón lót: 2 tấn phân chuồng hoai + 20kg NPK + 1tấn mùn rơm + 1m3 xỉ than tổ ong cho một sào Bặc Bộ, những nơi đất chua cần rắc thêm vôi bột với liều lượng 4 kg vôi bột/1 sào.
– Cách bón: bón phân sâu cách mặt luống 10cm, có thể rạch hàng hoặc bổ hốc. Bón trước khi trồng 3 – 5 ngày.
3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc
a. Chọn giống
Chọn giống có màu sắc đẹp, hương thơm nhẹ, sinh trưởng khoẻ và có khả năng chống chịu sâu bệnh đặc biệt là bệnh phấn trắng như giống hồng VR2, VR6 (đỏ nhung, đỏ tươi của Trung Quốc).
Có thể sử dụng cây giống nhân bằng phương pháp giâm cành hoặc cây ghép. Cây ghép có ưu điểm nhanh phục hồi, khoẻ nhưưng dễ thoái hoá, cây giâm thời gian đầu chậm hơn cây ghép nhưng sản lượng hoa cao, lâu bị thoái hoá giống và dễ áp dụng các biện pháp canh tác khác.
b. Mật độ và khoảng cách trồng
Trồng hàng đôi, hàng cách hàng 30 – 35 cm, hàng cách mép luống 15 – 20 cm, cây cách cây 25cm. Với khoảng cách này, tương ứng 5,0 – 5,2 vạn cây/ha (tức là 1.800- 2.000 cây/1sào Bắc Bộ).
c. Kỹ thuật trồng
Khi trồng tay trái giữ cây, tay phải lấp đất nhẹ vào xung quanh gốc, ấn nhẹ tay cho cây đứng, tránh làm đứt rễ cây, không để phân tiếp xúc với đất. Trồng xong tưới thật đẫm nước.
Nếu trồng vào những ngày nắng nóng thì phải che bằng lưới đen hoặc rơm, rạ 2-3 tuần để cây nhanh hồi phục, nâng cao tỷ lệ sống cho cây.
d. Kỹ thuật tưới nước
Có 2 phương pháp tưới: tưới nước ngập rãnh tức là bơm nước vào 2/3 các rãnh để 2 tiếng đồng hồ sau đó rút hết nước hoặc tưới bằng vòi bơm vào mặt luống giữa 2 hàng cây, tránh bắn nước nhiều lên bộ lá và nụ sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh lan truyền. Nếu tưới bằng vòi bơm thì giữa 2 hàng cây ta tạo ra 1 rãnh nhỏ để khi tưới nước và phân không chảy ra ngoài.
e. Kỹ thuật bón phân
Hoa hồng rất ưa phân hữu cơ, sau khi trồng 1 – 2 tháng là phải tưới phân cho cây. Có thể dùng phân hữu cơ ngâm ủ với phân vi sinh sông gianh theo tỷ lệ 2m3 nước cần 300 kg phân hữu cơ + 50 kg phân vi sinh tưới cho 10 sào.
Định kỳ 10 – 15 ngày tưới một lần, mỗi lần tưới hoà thêm 3 kg đạm urê cho 1 sào Bắc Bộ. Ngoài ra cần thường xuyên bổ sung phân qua lá cho cây.
f. Kỹ thuật bấm ngọn, vít cành điều tiết sinh trưởng
Phương pháp bấm ngọn, vít cành ta có thể đạt được 3 mục đích sau:
- Làm tăng năng suất từ 3 – 4 lần (có thể thu từ 7 – 9 bông/1 gốc/lần thu).
- Tăng chất lượng cành hoa (chiều dài cành hoa > 70 cm)
- Điều khiển ra hoa theo ý muốn
Lưu ý: Vít cành chỉ áp dụng đối với cây giâm
g. Kỹ thuật bao hoa trên đồng ruộng:
Mục đích: Để tránh côn trùng và các tác động của môi trường xung quanh, đồng thời giữ hoa nhanh nở trong vài ngày. Có 2 cách bao hoa là bao bằng giấy báo (cắt 1 mảnh giấy báo quấn quanh bông hoa và buộc hoặc dán lại) và bao bằng lưới bao có sẵn.
Nguồn: Sưu tầm