Kĩ thuật thâm canh lạc cao sản

Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Đậu đỗ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) đã nghiên cứu thành công quy trình kỹ thuật thâm canh lạc cao sản vụ xuân, áp dụng cho đồng bằng sông Hồng, duyên hải Bắc Trung Bộ nhằm đạt năng suất 40-45 tạ/ha.

Kĩ thuật thâm canh lạc cao sản - ki thuat tham canh lac cao san 500x374

Khâu giống: 

Cần chọn các giống có đặc tính chịu thâm canh cao, chiều cao cây trung bình, góc phân cành hẹp… như các giống L14 (được công nhận giống tiến bộ kỹ thuật năm 2002), MD9 (được công nhận khu vực hóa năm 2002), L18 (đã được thử nghiệm hàng trăm ha ở phía bắc).

Chú ý: Chỉ nên dùng giống sản xuất vụ thu đông để trồng vụ xuân.

Lượng giống cho 1 ha: 180-200 kg lạc vỏ, chọn hạt giống kích cỡ tương đối đồng đều. Thời vụ: từ 15-1 đến 30-2.

Làm đất:

Cày sâu, bừa nhỏ cho đất tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại. Độ ẩm của đất trước khi gieo hạt phải đạt 75%.

Phân bón cho một ha:

Phân chuồng: 15-20 tấn hoặc 1-1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh.

Urea: 85-100 kg.

Super lân: 600-700 kg.

Kali: 160-180 kg.

Vôi bột: 400-500 kg.

Bón lót toàn bộ phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh trước khi bừa.

Vôi bột bón lót 1/2 trước khi bừa, còn lại bón vào gốc sau khi lạc tắt hoa 5-7 ngày.

Toàn bộ phân lân, kali và urea vãi đều trên mặt luống trước khi rạch hàng.

Lên luống và rạch hàng:

Có hai phương thức:

1. Lên luống rộng 1 m, cao 15-20 cm, rãnh rộng 30 cm. Mặt luống chia thành bốn hàng dọc (hai hàng rìa cách mép luống 12 cm, hai hàng giữa cách nhau 25 cm), thiết kế luống theo hướng đông – tây.

2. Luống rộng 0,5 cm, cao 15-20 cm, rãnh rộng 0,3 m. Mặt luống chia thành hai hàng dọc, mỗi hàng cách mép luống 12 cm, khoảng cách giữa hai hàng 25 cm, thiết kế luống theo hướng đông – tây.

Rạch hàng sâu 3-4 cm, gieo với mật độ 40 cây/m2, nếu luống rộng 1 m, bổ hốc cách nhau 15-16 cm; nếu luống rộng 50 cm, bổ hốc cách nhau 12-13 cm, gieo 2 hạt/hốc, sau đó phủ đất đều, dày 3-4 cm cho mặt luống phẳng.

Phun thuốc trừ cỏ:

Dùng hai loại thông dụng là Achetochlor hoặc Ronsta 50% (0,75-1kg/ha), phun đều lên mặt luống ngay sau khi gieo hạt, nếu đất kho thì phun nước lã trước rồi phun thuốc trừ cỏ sau theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn.

Phủ ni-lông:

Dùng ni-lông trong suốt chuyên dùng cho lạc, độ dày 0,007 – 0,01 mm (bảo đảm một kg ni-lông phủ được 100 m2 đất. Phủ ni-lông căng, phẳng trên mặt luống, mép phủ trùm xuống hai bên rãnh, mỗi bên 10 cm. Dùng cuốc vét đất ở rãnh ập nhẹ vào hai bên mép luống cố định ni-lông.

Khi thấy lạc nhú khỏi mặt đất, chọc lỗ trên ni-lông cho lạc chồi ra ngoài, dùng tay bới nhẹ đất quanh gốc cho hai lá mầm lộ ra khỏi đất, tạo điều kiện cho cành cấp 1 phát triển sớm, cành mập.

Nếu thời tiết khô hạn, phải tưới cho lạc ở hai thời kỳ quan trọg: trước khi ra hoa (sáu đến bảy lá) và đậu quả. Tưới vào rãnh ngập 2/3 chiều cao rãnh, để nước ngấm đều, sau đó tháo cạn là cách tốt nhất, nếu không có thể tưới phun.

Phun phân trung, vi lượng (Mo, B, Zn, Cu, Mg) vào thời kỳ sáu đến bảy lá, kích thích nhiều hoa, sai quả; Paclobutrazol (P333) 500 g/ha làm tăng quá trình sinh trưởng sinh thực, phun khi chiều cao cây đạt 30-35 cm (sau khi hình thành tia, quả).

Phòng trừ sâu hại chủ yếu như sâu khoang, sâu xanh, sau cuốn lá… Sử dụng cây hướng dương làm cây dẫn dụ, thu hút các loại sâu đến đẻ trứng. Kiểm tra định kỳ trên lá hướng dương tiêu diệt các ổ trứng.

Bà con nông dân hoặc cán bộ khuyến nông cơ sở cần biết thêm chi tiết của quy trình kỹ thuật này, xin liên hệ với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Đậu đỗ (Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội).

Nguồn: vietlinh.vn

Thảo luận cho bài: Kĩ thuật thâm canh lạc cao sản

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *