Kỹ thuật thâm canh cây Vừng

Vừng là cây có thời gian sinh trưởng ngắn, nên rất cần ánh sáng cho quang hợp để tổng hợp các chất hữu cơ phục vụ cho sinh trưởng và phát triển. Nếu thiếu ánh sáng cây vừng vươn lóng dài, số mắt trên cây ít dẫn đến lượng quả ít và năng suất thấp.

Kỹ thuật thâm canh cây Vừng - ky thuat tham canh cay vung

 I   Quy định chung

1. Mục tiêu kinh tế kỹ thuật

1.1  Yêu cầu sinh thái của cây vừng

2.1. Nhiệt độ:

Cây vừng  là loại cây chịu hạn, chịu nóng, nhiệt độ thích hợp cho vừng sinh trưởng và phát triển  tốt từ  25- 30°C.

2.2. Lượng mưa:

Nhu cầu nước của vừng phụ thuộc vào từng thời kỳ, tổng lượng mưa trong toàn bộ thời gian sinh trưởng và phát triển của cây vừng từ 250-300mm. Thời kỳ vừng cần nhiều nước là: từ khi gieo đến 6 lá và lúc ra hoa, hình thành quả. Nếu vừng bị ngập, đất thoát nước kém, thì trong một thời gian ngắn vừng sẽ chết hàng loạt.

2.3. ánh sáng:

Vừng là cây có thời gian sinh trưởng ngắn, nên rất cần ánh sáng cho quang hợp để tổng hợp các chất hữu cơ phục vụ cho sinh trưởng và phát triển. Nếu thiếu ánh sáng cây vừng vươn lóng dài, số mắt trên cây ít dẫn đến lượng quả ít và năng suất thấp.

2.4. Đất:

Vừng là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi trên các loại đất sau khi thu hoạch lạc, đậu, ngô Xuân. Đất  cát pha, thịt nhẹ, tơi xốp, có mạch nước ngầm sâu, thoát nước tốt thích hợp cho sản xuất vừng.

 II Giống vừng

1. Một số giống vừng

1.1 .Giống vừng đang trồng ở Nghệ An:

Hiện tại ở Nghệ An trong sản xuất đại trà có các giống vừng địa phương (vừng đen, vừng vàng) và giống vừng mới là vừng V6.

1.2.  Phương pháp chọn giống vừng:

– Chọn những cây nhiều quả và cân đối, có độ dài lóng 2,5-4cm, được cắt bỏ hai đầu và lấy phần giữa cây. Cây phải sạch sâu bệnh.
– Sau khi chọn xong được phơi riêng để tránh lẫn tạp, hạt khô đưa vào cất giữ làm giống vụ sau.

III Kỹ thuật gieo trồng

1. Thời vụ gieo trồng

1.1. Vụ Xuân:

Gieo từ 20/2-20/3, chọn những ngày trời không mưa rét, đất đủ ẩm để gieo vừng.

1.2. Vụ Hè Thu:

Chủ yếu gieo trên đất sau khi đã thu hoạch xong lạc, đậu, ngô của vụ Xuân. Vụ này hay gặp hạn khi gieo và gặp mưa to gây ngập úng cục bộ ở một số vùng vào thời kỳ thu hoạch. Vì vậy vụ vừng Hè Thu gieo càng sớm càng tốt, tốt nhất gieo trước 10/6.

2. Đất trồng vừng và kỹ thuật làm đất

2.1. Đất trồng vừng:

Thích hợp trên các chân đất thịt nhẹ, đất cát pha và thoát nước tốt.

2.2. Làm đất:

+ Đối với đất làm lạc vụ Xuân, đậu tương vụ Xuân sau khi thu hoạch thì phải cào dồn cỏ dại, bừa kỹ 2-3 lần.

+ Đối với đất thịt nhẹ, đất sau thu hoạch ngô và cây trồng khác: Cày bừa kỹ (cày 2 lần, sau mỗi lần cày bừa 2-3  lượt).

+ Lên luống: Luống có rãnh sâu 25-30 cm và luống rộng 1,5-2m, mặt luống có hình lưng rùa. Những vùng đất cát pha, tơi xốp, thoát nước tốt thì gieo vừng xong mới vét rãnh thoát nước, tạo thành từng luống rộng từ 2,5-3m.

3. Lượng giống và phương pháp gieo

3.1. Lượng giống:    

– Vừng V6: gieo       4kg/ha.
– Vừng địa phương: 5kg/ha.

3.2. Phương pháp gieo:

– Gieo hàng: khoảng cách hàng cách hàng 20cm, cây cách cây 10cm, rạch rãnh sâu 3cm, gieo xong khoả lớp đất mỏng.- Gieo vãi: sau khi lên luống xong, dùng vừng trộn với tro bếp hoặc đất bột rải đều trên mặt luống, sau đó dùng cành cây kéo qua hoặc bừa lướt nhẹ, để lấp hạt vừng 1-2cm.

4. Phân bón

4.1. Vôi bột: 400kg/ha (bón trước khi cày bừa).

4.2. Phân chuồng: 4-5 tấn/ha.

4.3. Phân NPK  500 kg/ha loại 3:9:6.

Tất cả các loại phân này đều bón lót vào lần cày bừa cuối cùng (đối với đất không cày thì bón trước khi bừa). Riêng đất quá xấu bón thúc 2kg urê/sào khi vừng 2-3 lá.

IV Chăm sóc

1. Làm cỏ

1.1 Làm cỏ lần 1:

Khi vừng 2-3 lá: dặm tỉa, loại bỏ cây lẫn và nhổ sạch cỏ dại kết hợp xới đất phá váng ( nếu sau khi gieo vừng gặp trời mưa thì phải bừa nhẹ để phá váng).  Đối với đất xấu, vừng kém phát triển: bón thúc 2kg urê/sào.

1.2. Làm cỏ lần 2:

Khi vừng có 6-7 lá: tiếp tục dặm tỉa, cố định mật độ 40-45cây/m2 và kết hợp vun gốc, bắt sâu khoang, sâu cuốn lá, nhổ bỏ cây bị nhiễm bệnh vi khuẩn.

2. Phòng trừ sâu bệnh

2.1. Sâu khoang:

– Đặc điểm: sâu non có màu nâu đen, đốt bụng thứ nhất có một vết đen to bao quanh, được chuyển từ cây trồng vụ trước sang gây hại vừng. Sâu ăn trụi lá, cắn đứt ngang cây. Thời kỳ ra hoa làm quả thì làm rụng hoa, đục khoét quả làm ảnh hưởng tới năng suất.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Trước khi làm đất phải kiểm tra mật độ sâu khoang trong đất, nếu cao thì dùng 0,5kg Basudin 10H/500m2 trộn với đất bột rải đều trên ruộng và bừa 1-2 lần để diệt sâu.
+ Khi sâu gây hại cây con nên huy động nông dân bắt diệt bằng thủ công vào chiều tối và sáng sớm.
+ Thời kỳ ra hoa làm quả: thường xuyên thăm đồng để phát hiện ổ trứng và cắt bỏ (đốt). Khi phát hiện sâu non còn nhỏ tuổi dùng các loại thuốc sau để diệt trừ: Match 50ND (20ml)/sào pha trong 30 lít nước để phun; Polytrin 440ND; Sumicidin 20 EC liều dùng theo khuyến cáo trên nhãn mác.

2.2. Sâu cuốn lá:

– Đặc điểm: Sâu thường tập trung ở trên lá ngọn và nhả tơ cuốn hai mép lá vừng vào nhau để sinh sống, sâu ăn biểu bì làm hỏng lá, ảnh hưởng đến quang hợp của cây, làm giảm năng suất.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Thăm đồng thường xuyên và phát hiện sớm, khi mật độ còn thấp thì kết hợp lúc làm cỏ dùng tay bắt diệt sâu.

+ Khi sâu ở mật độ cao, dùng các loại thuốc sau để diệt trừ: Match 50ND (20ml)/sào pha với 30lít nước để phun; Polytrin 440ND; Sherpa 25EC… liều dùng theo khuyến cáo trên nhãn mác.

2.3. Rệp hại vừng:

– Đặc điểm: Rệp sống tập trung từng đàn trên thân, lá ở phần ngọn, quả non. Rệp chích hút nhựa cây làm cho cây kém phát triển, lá ngọn xoắn lại, hoa ít, quả nhỏ ảnh hưởng tới năng suất.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Gieo trồng đúng kỹ thuật, đảm bảo mật độ, bón phân cân đối.
+ Khi mật độ rệp cao dùng các loại thuốc sau để diệt trừ: Regent 800WG, Actara 25EC: 1,5-2g/sào/30lít nước; Bi 58 50ND; Karate 2,5EC; Oncol 20EC: 50cc/sào/30lít nước (phun đều trên ruộng).

2.4. Bệnh  héo xanh vi khuẩn:

– Đặc điểm: Do vi khuẩn Pseudomonas Solanacerum gây ra làm cho vừng bị héo xanh đột ngột, lá vẫn giữ màu xanh, cắt ngang cây thấy bó mạch có màu nâu sẫm, rễ bị đen và thối, bóp nhẹ chỗ bị thối có dịch nhầy trắng tiết ra. Bệnh gây hại từ lúc cây con đến khi thu hoạch, vi khuẩn thường ký chủ trên nhiều loại cây nhất là cây họ đậu, họ cà.

Bệnh phát sinh mạnh ở nhiệt độ 25-35°C khi trời có mưa nắng xen kẽ, ẩm độ đất cao, ruộng thoát nước chậm.

Biện pháp phòng trừ: đây là bệnh nguy hiểm và gây hại nặng trên diện rộng, hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để phòng trừ. Để hạn chế tối đa bệnh héo xanh do vi khuẩn, cần thực hiện một số biện pháp sau:

+ Bón đầy đủ vôi và phân cân đối.
+ Giữ đúng mật độ quy định.
+ Luống vừng phải cao, thoát nước nhanh khi mưa to.
+ Nhổ bỏ và tiêu huỷ cây vừng bị nhiễm bệnh.
+ Trồng luân canh với các loại cây trồng khác.

2. 5. Bệnh chết thối do nấm (bệnh thán thư):

– Đặc điểm: Bệnh gây héo lá nhưng không đột ngột, khi bị nặng làm cho cây vừng bị khô, các bó mạch và phần trong thân không chuyển màu nâu, bóp cây không có dịch nhầy. Bệnh phát triển mạnh ở những ruộng bón phân không cân đối, độ ẩm đất cao.

– Biện pháp phòng trừ: Bón phân cân đối, gieo đúng mật độ. Khi vừng bị bệnh dùng các loại thuốc sau: Dacanil 75WP; Anvil 55C, liều dùng theo khuyến cáo.

 V Thu hoạch

Khi vừng đã ngả màu hơi vàng (chắc xanh), tiến hành ngắt phần ngọn để tạo cho hạt vừng chắc, mẩy.

Khi vừng đã ngả màu toàn thân, tiến hành thu hoạch khi trời nắng ráo và tuỳ thời tiết, nếu sau khi thu hoạch về trời tiếp tục nắng thì đem ủ 1 ngày đêm rồi đem phơi và đập lấy hạt; trường hợp thu hoạch về gặp mưa thì phải dựng đứng bó vừng đến khi trời nắng đem ra phơi.

Nguồn: sưu tầm

Tìm bài này trên Google:

  • kỹ thuật trồng vừng

Thảo luận cho bài: Kỹ thuật thâm canh cây Vừng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *