Kỹ thuật trồng giống cải làn 12Rca02 cho hiệu quả cao

Cải Làn 12Rca02 có nhiều ưu điểm vượt trội như sinh trưởng, phát triển khỏe. Thời gian sinh trưởng ngắn (80 – 105 ngày). Thân và ngồng lớn. Phân nhánh nhiều (8 – 12 nhánh/thân). Ít nhiễm sâu bệnh hại…

Kỹ thuật trồng giống cải làn 12Rca02 cho hiệu quả cao - 5710884ecb1b5

Thu hoạch cải làn

Viện Nghiên cứu Rau quả đã chọn lọc thành công giống cải làn 12Rca02 từ nguồn các giống rau nhập nội.

Cải làn 12Rca02 có nhiều ưu điểm vượt trội so các giống cải làn đang gieo trồng ở miền Bắc nước ta như sinh trưởng, phát triển khỏe. Thời gian sinh trưởng ngắn (80 – 105 ngày). Thân và ngồng lớn. Phân nhánh nhiều (8 – 12 nhánh/thân). Ít nhiễm sâu bệnh hại (sâu xanh, bọ nhảy, sương mai, thối nhũn, thối đen). Khối lượng trung bình 120 – 150g/cây. Ngoài ra, cải làn 12Rca02 có thân mềm, không bị nứt, vitamin C và đường tổng số cao. Sau chế biến ăn ngọt.

Giống cải làn 12Rca02 đã được nhiều địa phương ở Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội gieo trồng trên diện rộng cho năng suất cao. Trung bình đạt năng suất 200 – 220 tạ/ha.

Chọn lọc thành công rau cải làn 12Rca02 đã làm phong phú thêm tập đoàn giống rau Việt Nam. Tạo sự đa dạng sinh học trên đồng ruộng. Giảm thiểu nguy cơ bùng phát sâu bệnh hại trên đồng ruộng.

Để có sản phẩm cải làn 12Rca02 an toàn, TS Ngô Thị Hạnh, Bộ môn Rau – gia vị, Viện Nghiên cứu Rau quả khuyến cáo quy trình thâm canh như sau:

Thời vụ:

– Vụ xuân hè: Gieo tháng 1 đến tháng 4.

– Vụ thu đông và vụ đông xuân: Tháng 8 đến tháng 12. Riêng các tỉnh trung du miền núi có khí hậu mát mẻ có thể gieo quanh năm.

Đất trồng phù hợp:

Cát pha, thịt nhẹ, giầu mùn, pH từ 5,5 – 6,5.

Dọn sạch cỏ và tàn dư thực; làm đất kỹ, tơi nhỏ; lên luống cao 20 – 25 cm, mặt luống rộng từ 1,0 – 1,2 m, bằng phẳng dễ thoát nước để tránh ngập úng khi gặp mưa.

Mật độ: 20 – 25 vạn cây/ha.

Khoảng cách: 20 x 20 cm hoặc 20 x 25cm.

Cách gieo hạt

Cải làn có thể gieo liền chân hoặc gieo vườn ươm.

Gieo liền chân: Chọn đất thịt nhẹ hoặc khu đất cao, tơi xốp, dễ thoát nước, dọn sạch cỏ dại, phơi khô, đập nhỏ, lên luống rộng 1-1.2 m, cao 0,25m, rãnh rộng 0,3m. Mặt luống làm theo theo hình mui luyện. Lượng hạt giống cho 1 sào Bắc bộ: 40-50 g.

Gieo qua vườn ươm:

Làm đất: Chọn đất làm vườn ươm đảm bảo tơi xốp, giàu mùn, giữ ẩm và dễ thoát nước. Làm đất kỹ, tơi nhỏ luống rộng 0,8 – lm, rãnh rộng 30cm.

Bón phân:

Lượng phân bón lót cho 01 sào Bắc bộ từ 200 – 250 kg phân hữu cơ ủ hoai, 5 kg super lân và 12 kg vôi bột. Rải phân đều trên mặt luống, đảo đều đất và phân, vét đất nhỏ ở rãnh phủ lên mặt luống.

Gieo hạt: Gieo hạt làm 2 lượt để hạt phân bố đều trên mặt luống (khi gieo nên trộn hạt với đất bột). Gieo hạt xong lấy đất bột phủ đều kín hạt, sau đó phủ một lớp rơm rạ băm nhỏ hoặc phủ một lớp trấu mỏng trên mặt luống và dùng ô doa tưới nước đủ ẩm.

Tưới nước: Sau khi gieo tưới 2 lần/ngày vào sáng sớm hoặc chiều mát trong vòng 3-5 ngày đầu, khi hạt nảy mầm nhô lên mặt đất tưới nước 2 ngày một lần.

Chăm sóc: Tiến hành nhổ cỏ, tỉa bỏ cây bị bệnh, cây xấu (tỉa lần 1 khi cây được 1 lá thật, lần 2 khi cây được 3 lá thật), nên để khoảng cách cây × cây là từ 3 – 4 cm để đảm bảo cho cây giống sinh trưởng tốt nhất. Sau khi nhổ tỉa kết hợp tưới thúc bằng phân vi sinh với lượng 5-6 kg/sào (chú ý không tưới đạm urê).

Tiêu chuẩn cây giống: Cây khoẻ, sạch bệnh, đốt sít nhau, mập, lùn, có 4 – 5 lá thật.

Phân bón: Sử dụng phân bón hợp lý, cân đối theo nhu cầu sinh trưởng của cây, ưu tiên phân hữu cơ đã ủ hoai mục, tuyệt đôi không dùng phân tươi, nước phân tươi để bón và tưới. Bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học.

Lượng phân bón cho 1 ha:

Loại phân
Tổng lượng phân bón
Bón lót (%)
Bón thúc (%)
kg/ha
kg/sào
Lần 1
Lần 2
Lần 3
Phân chuồng ủ mục
20. 000
720
100
Đạm urê
100
20
30
30
20
Lân supe
50
100
Kali clorua
60
40
30
30

Cách bón:

– Bón lót: Toàn bộ phân chuồng và phân lân + 20% lượng đạm.

– Bón thúc chia làm 3 đợt:

+ Bón thúc đợt 1: khi cây có 4 – 5 lá thật nếu gieo trực tiếp hoặc 10 – 15 ngày sau khi cấy. Kết hợp với làm cỏ, xới xáo vun gốc và vét rãnh. Bón 30% đạm + 40% kali .

+ Bón thúc đợt 2: Sau trồng 25 – 30 ngày. Gieo liền chân bón sau đợt 1 từ 15 – 20 ngày. Kết hợp với làm cỏ, xới xáo vun gốc và vét rãnh. Bón 30% đạm + 30% kali.

+ Bón thúc lần 3: Sau lần 2 là 15 ngày, bón 20% đạm + 30% kali.

Nhặt cỏ, xới xáo và vun gốc kết hợp với 2 lần bón thúc.

Chăm sóc:

– Tưới nước: Sau khi trồng phải tưới đủ ẩm vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi cây bén rễ hồi xanh, sau đó 2 – 3 ngày tưới 1 lần. Sau các đợt bón thúc nếu đất khô có thể tưới nước vào rãnh, cho nước ngập 2/3 rãnh sau đó tháo hết nước.

Trong các đợt bón thúc, làm cỏ cần kết hợp cắt tỉa lá già, loại bỏ cây bệnh, lá bệnh, xới xáo và làm cỏ, vét rãnh để tạo cho ruộng cải làn thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.

Phòng trừ sâu bệnh:

– Bọ nhảy: Trưởng thành của bọ nhảy ăn lá tạo thành những lỗ nhỏ li ti, khi mật độ cao thì có thể ăn hết cả gân lá làm cho lá xơ xác. Sâu non ăn hại rễ tạo thành những đường lõm ngoằn ngèo hay từng lỗ sâu làm cây dễ bị héo hoặc bị bệnh thối gốc.Dùng thuốc Trerbon 10EC hoặc Sumicidin 20EC… để diệt trừ bọ nhảy. Ngoài ra, việc luân canh cải làn với các loại rau đậu khác hay với lúa nước, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, sẽ hạn chế được số lượng sâu phát triển.

– Sâu xanh bướm trắng (Pieris rapae), sâu khoang (Spodoptera liture): Sâu non tuổi 1 khi ăn đục một lỗ nhỏ ở mặt dưới lá, chui đầu vào ăn nhu mô lá để chừa lại biểu bì. Sâu tuổi 2 gặm ăn mặt dưới lá để lại lớp biểu bì mặt trên lá tạo thành những đốm trong mờ. Cuối tuổi 2 trở đi sâu gặm lá tạo thành nhiều lỗ thủng. Khi số lượng sâu nhiều rau bị hại rất nghiêm trọng. Dùng thuốc Sherpa 25EC, Trerbon 10EC hoặc thuốc trừ sâu sinh học BT 3% để phun.

Bệnh sương mai (Phytopthora infestans): Bệnh trên lá là tạo những vết đốm màu xanh trong hoặc màu xanh vàng, dạng hình bất định hoặc hình nhiều cạnh do giới hạn bởi gân lá. Trên vết bệnh ở mặt dưới phiến lá thường hình thành một lớp nấm mốc màu trắng xám. Bệnh phát sinh phát triển gây hại mạnh khi có giọt sương trên lá và nhiệt độ thấp. Xử lý hạt trước khi gieo, thu sạch tàn dư lá bệnh ngay sau khi thu hoạch, thực hiện luân canh với cây trồng nước và thường xuyên vệ sinh đồng ruộng. Khi bệnh mới phát sinh cần phun thuốc phòng trừ. Có thể dùng Daconil 75WP, Benlate 50WP, Ridomil MZ 72 WP.

Bệnh thối nhũn do vi khuẩn (Erwinia carotovora sp.), bệnh thối do nấm (Sel rotinia selerotioum,), bệnh đốm lá (Cereospora sp). Hạn chế bệnh bằng cách không để ruộng quá ẩm và úng kéo dài; thường xuyên làm vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ… làm cho ruộng luôn sạch và thông thoáng. Bệnh thối nhũn dùng thuốc: Macozeb 80WP, Ridomil MZ 72WP, Anvil 5SC…để trừ.

– Bệnh thối đen: Vết bệnh đặc trưng bắt đầu từ rìa mép lá lan rộng vào phía trong tạo thành vết bệnh hình chữ V bạc màu, sau đó bệnh bắt đầu khô và chết hoại. Vi  khuẩn xâm nhiễm vết bệnh qua lỗ thủy khổng hoặc vết thương cơ giới trên phiến lá vào mạch dẫn và lan truyền toàn cây. Mô mạch dẫn bị xâm nhiễm chuyển màu đen. Khử trùng hạt giống trước khi gieo bằng nước ấm 50 độ C trong 30 phút để diệt vi khuẩn bám dính trên hạt giống. Bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm. Vệ sinh đồng ruộng triệt để sau khi thu hoạch. Khi bệnh phát sinh trên lá có thể phòng ngừa và hạn chế tác hại bằng hoạt chất Copper hydroxide (DuPontTM Kocide 46.1 DF).

Thu hoạch:

Nếu gieo liền chân có thể thu hoạch sau khi gieo 45 – 50 ngày, còn nếu trồng cây thì sau khi trồng 30 – 35 ngày cho thu hoạch. Cải làn là loại rau ăn có thể ăn lá, thân và ngồng hoa, nên sau khi thu hoạch thân chính có thể thu hoạch nhiều đợt nếu chăm sóc tốt. Khi thu hoạch cần loại bỏ lá gốc, lá già, lá bị sâu bệnh; rửa sạch, không để giập nát, cho vào bao bì sạch để tiêu thụ.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Kỹ thuật trồng giống cải làn 12Rca02 cho hiệu quả cao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *