Là một trong ba loài lan Hài đẹp của vùng cao nguyên Nam Trung Bộ, Hài cánh sen Paphiopedilum appletonianum còn gọi là Hài đài cuốn hay Vệ hài đài trắng chỉ mọc trên những hốc đá, dưới thác nước, ở độ cao khoảng 1500 m.
Tên Việt Nam: Lan hài đài cuốn, Hài cánh sen, Hài đài cuốn; Lan hài appleton; Vệ hài đài trắng, Vệ hài apleton,
Tên Latin: Paphiopedilum appletonianum
Họ: Phong lan Orchidaceae
Bộ: Phong lan Orchidales
Nhóm: Lan đất
Mô tả:
Cây mọc thành bụi nhỏ trên đất mùn. Thân rất ngắn, chìm dưới đất. Lá hình thuôn, dài tới 22cm, rộng 2 – 4cm, xếp 2 dãy, đầu nhọn lệch, màu lục bóng, mặt trên có nhiều đốm nhỏ màu lục nhạt. Cụm hoa thường có một hoa, có cuống chung màu đỏ, dài 17 – 45cm, mảnh, phủ lông ngắn. Lá bắc hai, 1 lá to, dài 3 – 4cm, 1 lá nhỏ, hình mác nhọn.
Hoa màu tím lục, đường kính 8 – 10cm. Lá đài trên hình trứng rộng, màu lục với các chấm màu hồng ở gốc, dài 3,5 – 3,8cm, mép ở phần trên quăn vào trong, méop ở phần dưới quăn ra ngoài. Lá đài dưới hình trứng, rất nhỏ, màu lục nhạt, có 3 răng nhỏ ở đỉnh.
Cánh hoa hình thìa, dài 5 – 5,5cm, rộng 2,5cm, thuôn, đỉnh có 2 – 3 răng nhỏ, từ gốc ra đến giữa mép lượn sóng nhăn nheo, có 13 – 14 chấm màu nâu thẫm, đầu có màu tím hồng. Cánh môi hình mũ sâu, màu tím lục, dài 4cm, mép màu vàng lục, có vài vết lục ở phía trước, mặt trong có lông, miệng có 4 thùy hình tam giác. Nhị lép gần hình tròn, dài 0,7cm, có đầu lõm.
Sinh học:
Mùa hoa vào tháng 1 – 2. Tái sinh bằng hạt và chồi.
Nơi sống và sinh thái:
Mọc rất rải rác dưới tán rừng mưa nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm, ở độ cao khoảng 1500 m. Cây chịu hạn khá tốt.
Phân bố:
Việt Nam: Lâm Đồng (Đà Lạt).
Thế giới: Thái Lan, Campuchia.
Giá trị:
Dáng cây đẹp, hoa sặc sỡ, có giá trị trồng làm cảnh.
Tình trạng:
Loài hiếm. Mức độ đe dọa: Bậc R. Loài có sự phân bố rất hạn chế và số lượng cá thể rất ít, lại có thể bị đe dọa bị tuyệt chủng do môi trường sống là rừng bị thu hẹp lại.
Đề nghị biện pháp bảo vệ:
Là đối tượng bảo vệ trong hệ sinh thái tự nhiên của một số khu rừng cấm ở Đà Lạt. Ngoài ra cần gấp rút thu thập cây sống để trồng trong các vườn thực vật để giữ nguồn gen và nhân giống làm cảnh.
nguồn: caygiong.org