Nội dung chính
Việt Nam có điều kiện thời tiết khí hậu thích hợp cho sự phát triển của cây lan là nơi có nhiều có nhiều giống lan quý hiếm hiện đang được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới như: Ngọc điểm đai trâu, Ngọc điểm đuôi cáo, Hoàng thảo thủy tiên…
Nghề trồng lan vốn dĩ là một thú chơi tao nhã, nhưng để trồng và tạo ra cây lan đẹp đòi hỏi người trồng lan phải thực sự yêu thích, tỉ mỉ và tốn nhiều công sức đầu tư hơn những mặt hàng nông sản khác.
Ngày nay phong lan đã được xuất khẩu và lưu thông như một ngành thương mại và nhanh chóng lan rộng trên phạm vi toàn thế giới. Nên việc trồng hoa lan đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực và đã thu hút được nhiều người tham gia trồng. Nhiều nước đã gây trồng, lai tạo được nhiều giống mới độc đáo bằng phương pháp công nghệ tiên tiến từ nuôi cấy mô phân sinh dòng thuần theo ý muốn như: Australia, Anh, Pháp, Thái Lan… .
1. Phân loại
– Ngành: Magnoliophyta (thực vật hạt kín)
– Lớp: Monocotyledoneae (lớp một lá mầm liliopsida)
– Bộ: Orchidaceae
– Họ: Orchidaceae
– Giống: Phalaenopsis
– Loài: Phalaenops is spp
– Tên khoa học: Phalaenopsis wedding promenade
2. Đặc điểm thực vật học
a) Về rễ
– Hệ rễ của lan Hồ Điệp không phân chia thành rễ chính, rễ phụ, rễ nhánh và lông hút rõ ràng. Rễ lan Hồ Điệp có dạng hình tròn, to, mập có nhánh hoặc không phân nhánh. Rễ có màu trắng-xanh, đầu rễ có màu vàng-xanh, vàng-trắng hoặc màu đỏ tối. Khi bộ rễ mọc chặt bên trong chậu, rễ có xu thế mọc tràn ra ngoài thành chậu và buông lủng ra ngoài không khí. Hiện tượng này rất có lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lan, vì trong rễ có diệp lục nên rễ có khả năng quang hợp, hút nước và chất dinh dưỡng.
– Theo những nghiên cứu thì người ta thấy rằng rễ của lan Hồ Điệp thuộc nhóm phong lan nên có khả năng quang hợp.
– Phần rễ trên thường sống cộng sinh với nấm, do hạt của hoa lan nói chung đều không có nội nhũ, không được cấp dinh dưỡng khi nẩy mầm, trong điều kiện nảy mầm tự nhiên, cần dựa vào các mầm sống cộng sinh để hút chất dinh dưỡng. Trong quá trình sinh trưởng của cây, các loài nấm này sống cộng sinh tại rễ để tương hỗ cho nhau, vì thế rễ của hoa lan Hồ Điệp còn gọi là rễ nấm. Do đó việc tưới nước và bón phân cho hoa lan phải yêu cầu bón phân thật loãng là vì trên rễ cây có nấm cộng sinh.
b) Về thân
– Lan Hồ Điệp thuộc loại đơn thân, tức là thân của chúng rất ngắn không có giả hành, cũng không có thời kỳ ngủ nghỉ rõ rệt. Lan đơn thân sinh trưởng rất chậm chạp, thân chính của lan trong môi trường thuận lợi hàng năm mọc ra các lá mới, chúng mọc theo hướng cao hơn theo phương thẳng đứng, còn cành hoa thì mọc ở rìa thân hoặc nảy ra từ nách lá, lá mọc xếp thành hai hàng xen kẽ nhau.
– Theo sự sinh trưởng của cây, các lá già ở dưới gốc dần dần già héo và dụng, đến khi có chồi nách mọc ra nhưng thường không mọc dài ra được. Vì cây lan rất khó mọc ra trồi nhánh, nên không dùng phương pháp tách cây để nhân giống. Thân của lan Hồ Điệp ngoài tác dụng giữ cho cây đứng thẳng, còn có chức năng giữ chất dinh dưỡng và nước cho cây.
c) Về lá
– Lá của Lan Hồ Điệp to, dầy, đầy đặn, lá mọc đối xướng ôm lấy thân. Số lá trên thân thường không nhiều, thông thường một cây lan trưởng thành có từ 4 lá trở lên. Trong nách lá có hai chồi phụ, chồi phụ trên to hơn và chồi hoa sơ cấp, bên dưới là chồi dinh dưỡng sơ cấp. Các chồi sơ cấp này sinh trưởng đến một mức độ nào đó thì bắt đầu đi vào gian đoạn ngủ nghỉ.
– Màu sắc của lá gồm ba loại: Lá màu xanh; mặt trên và mặt dưới lá màu đỏ; mặt trên của lá đốm và mặt dưới màu đỏ. Căn cứ vào màu sắc của lá có thể phân biệt được màu sắc của hoa. Lá màu xanh thường ra hoa màu trắng hoặc hoa nhạt màu, còn các lá màu khác thường cho hoa màu đỏ. Còn hoa lan màu vàng thì lá màu xanh-vàng nhưng lá nhỏ hơn lá lan cho hoa màu trắng.
– Lan Hồ Điệp để với điều kiện sinh thái nguyên sinh, thông thường bề mặt trên của lá không có khí khổng, chỉ có mặt dưới của lá mới có khí khổng. Lan Hồ Điệp là loại thực vật CAM, giống như các thực vật CAM khác, khí khổng mở ra vào ban đêm để thu nhận CO2 tạo ra axit “Malic” dự trữ trong cơ thể, vào ban ngày CO2 được giải phóng và tham gia vào quá trình quang hợp của cây. Ưu điểm của loại thực vật này là khí khổng không mở ra vào ban ngày, nên cây không bị mất nước và thoát hơi nước. Điều kiện này đối với những cây không được cung cấp nước đầy đủ và thường xuyên là rất có lợi. Khi cây có đủ nước thì khí khổng cũng có thể mở ra vào ban ngày, hút CO2 để tiến hành quang hợp bình thường. Nếu gặp phải điều kiện khô hạn nghiêm trọng thì khí khổng sẽ đóng lại, quá trình quang hợp diễn ra chỉ vừa đủ cho lượng CO2 tạo ra trong chu trình hô hấp. Đây chính là nguyên nhân khiến cho lan Hồ Điệp mặc dù không có giả hành nhưng lại có khả năng chịu hạn tốt.
– Trong đó, bộ rễ và lá là rất quan trọng. Là cở sở quyết định cho việc lựa chọn Lan Hồ Điệp để tiến hành xử lý ra lan Hồ Điệp hoa.
d) Về ngồng hoa
– Ngồng hoa (cành hoa) lan Hồ Điệp mọc ra từ nách lá, thông thường đếm từ trên xuống thì ngồng hoa bắt đầu mọc từ ra từ lá thứ 3 hoặc lá thừ 4. Ngồng hoa có thể phân nhánh hoặc không phân nhánh. Loại lan hoa to thường ít phân nhánh, còn loại lan hoa nhỏ phân nhánh rất rõ thậm chí một số giống hoa nhỏ có thể nở đến 200 bông hoa. Ngồng hoa khi chưa phân hoá các đốt hoa, thường ở dạng tiềm chồi nách hoặc tiềm chồi hoa. Ở nhiệt độ dưới 15 oC và bị bấm ngọn có thể nẩy thành chồi hoa, nhưng nếu nhiệt độ cao quá 28 oC thì chỉ có thể nẩy thành nhánh chồi nách.
– Đa số các giống hoa đơn cây chỉ ra một ngồng hoa, có một số giống khác hoặc trong điều kiện tốt cho ngồng hoa phân hoá có thể mọc ra 2 hoặc 3 ngồng hoa. Nói chung, lan Hồ điệp là dạng đơn cây nếu phân hoá ra số ngồng càng nhiều hoặc số ngồng nhánh càng nhiều thì hoa nở thường nhỏ, do hạn chế về dinh dưỡng. Nên muốn trồng được lan Hồ Điệp có hoa to và đẹp, cần phải khống chế số ngồng hoa trên một cây, thồng thường người ta chỉ để một ngồng trên một cây và loại bỏ những ngồng nhánh, để ngồng hoa có thể tập trung dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển của ngông hoa. Ngồng hoa sẽ to mập, khoẻ và đảm bảo số nụ và hoa trên một ngồng từ 7 – 10 nụ trở lên, hoa lan đủ tiêu chuẩn xuất vườn.
– Trong thời kỳ phát triển ngồng hoa, nếu nhiệt độ trong vườn lan tăng trên 28 oC vào ban ngày thì ngồng hoa không phân hoá thành hoa mà phân hoá thành lá.
– Thông thường loại hoa màu đỏ, ngồng thường có 4 hoặc 5 đốt và đốt thứ 5 hoặc 6 sẽ là bông hoa đầu tiên. Hoa màu trắng lõi đỏ, thông thường ngồng có 6 hoặc 7 đốt và đốt thứ 7 hoặc 8 sẽ là bông hoa đầu tiên. Hoa màu vàng, thông thường ngồng có 4 hoặc 5 đốt và đốt 5 – 6 là hoa.
e) Về hoa
– Để đánh giá và sự thưởng lãm hoa lan, người ta thường dùng hai khái niệm “hoa đều đặn” hoặc “hoa cực kỳ đều đặn” để hình dung. Hoa đều đặn là chỉ hoa có cánh hoa đều đặn to rộng, giữa các cánh hoa không có khe hở hoặc khe hở rất nhỏ, cánh mội trải xuống tạo cánh hình elip, tất cả bông hoa tạo nên hình dáng tròn. Còn loại cực kỳ đều đặn là chỉ hoa có dáng rất tròn, các cánh hoa đều chồng khít lên nhau, không có khe hở. Nếu giữa các cánh hoa có khe hở hoặc khe hở khá lớn thì gọi là “hoa không đều đặn”.
– Trong một vài năm gần đây đã xuất hiện một số biến dị ở hoa lan Hồ Điệp, có dạng cánh hoa biến dị tạo dáng của cánh môi, có dạng biến dị là hai bông hoặc vài bông hoa trùng với nhau tạo thành hoa kép. Cũng có một số biến dị về cành hoa đã thấy xuất hiện. Những biến bị này có thể là trong quá trình nhân giống vô tính qua nuôi cấy mô do sử dụng kích tố sinh trưởng quá nhiều gây ra, những biến dị này đa số không được di truyền một cách ổn định.
f) Về quả và hạt
– Hoa lan Hồ Điệp chỉ tạo quả qua thụ phấn nhân tạo hoặc thụ phấn nhờ côn trùng.
– Vỏ quả có hình que, phát triển chậm, thường phải qua 4 tháng mới chín và tách vỏ. Số lượng hạt trong một quả khác nhau do sự khác nhau về cây Bố, Mẹ đem thụ phấn.
– Hạt của chúng thường rất nhỏ, có dạng bột, không có nội nhũ, trong điều kiện tự nhiên rất khó tự nảy mầm thành cây con, thường phải gieo hạt trong môi trường vô trùng thích hợp mới có thể thu được cây con với số lượng lớn. Khi gieo hạt trong điều kiện vô trùng, thường để thể tiền chồi (protocorm) nảy mầm thành cây.
Nguồn: kithuatnuoitrong.com