Mặc dù chăn nuôi tập trung quy mô lớn đang phát triển nhưng tại Bắc Ninh, tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư vẫn còn đến 70%, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp xử lý môi trường, giảm bớt dịch bệnh cho người và đàn nuôi như mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học đang trở nên cần thiết.
Đệm lót sinh học là hỗn hợp giữa trấu (hoặc mùn cưa), bột ngô và men Balasa No1 nhằm phân hủy chất thải trong chuồng nuôi dưới sự hoạt động của các vi sinh vật. Lợi ích lớn nhất của chăn nuôi trên nền đệm lót là chất thải được phân hủy hoàn toàn ngay trong chuồng nuôi, không có mùi hôi thối gây ảnh hưởng xung quanh khu vực nuôi. Thực tế, đệm lót đã được nhiều hộ nông dân trong tỉnh áp dụng, tuy nhiên kết quả đạt được theo yêu cầu kỹ thuật chưa thực sự tốt.
Kể từ năm 2014, Trung tâm khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh đã triển khai 2 đề tài khoa học về mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học để trình diễn cho người dân học tập. Riêng năm 2015, mô hình được áp dụng thí điểm cho chăn nuôi gà đẻ tại 2 hộ nuôi ở xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong với quy mô 1.800 con nhận được những đánh giá tích cực của người dân.
Chuồng nuôi gà đẻ trên nền đệm lót sinh học của hộ ông Kiều Quang Cừ, thôn Yên Hậu, xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong luôn khô ráo, sạch sẽ.
Là người có thâm niên gần 20 năm nuôi gà, ông Kiều Quang Cừ, thôn Yên Hậu, xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong từng áp dụng khá nhiều biện pháp xử lý môi trường cho các chuồng nuôi ngay trong gia đình mình. Năm 2015, được sự giới thiệu của các cán bộ khuyến nông huyện, ông đăng ký thực hiện thí điểm mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng giống Ai Cập với quy mô 900 con trên nền đệm lót sinh học. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, ông được tập huấn kỹ thuật chi tiết và nhận thấy việc áp dụng đệm lót là hết sức đơn giản với các nguyên liệu dễ kiếm. Cụ thể, sau khi chuẩn bị chuồng nuôi, ông thực hiện trải trấu có độ dày 15 – 20 cm trên toàn bộ nền chuồng rồi thả gà vào nuôi. Sau 10 ngày, rắc đều hỗn hợp bột men Balasa No1 ủ với bột ngô lên nền trấu, rồi đảo đều. Cứ 1 – 2 ngày thực hiện cào trên bề mặt đệm lót một lần cho tơi xốp, hàng tháng bổ sung thêm men để đệm lót luôn khô và tiêu hủy tốt.
Kết quả sau 6 tháng chăn nuôi cho thấy, tỷ lệ gà được nuôi sống từ lúc nhập giống (1 ngày tuổi) đến lúc gà đẻ đạt 98,6%, tỷ lệ đẻ đạt 48 – 50%. Sau 30 tuần tuổi tỷ lệ đẻ trung bình đạt 85%, năng suất trứng đạt 260 – 265 quả/mái/năm. Về hiệu quả kinh tế, theo tính toán, chăn nuôi gà đẻ trứng trên nền đệm lót sinh học giúp người nông dân tiết kiệm 16.300 đồng/con so với phương thức chăn nuôi thông thường, do giảm chi phí thuốc thú y, phòng chống dịch bệnh, công sức lao động giảm được 80%. Ước tính, sau khi bán các sản phẩm từ chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, hộ ông Cừ thu lãi được 86 triệu đồng.
Điều quan trọng hơn khiến người chăn nuôi cảm thấy yên tâm là không khí chuồng nuôi sạch sẽ, khô ráo, giảm hẳn mùi hôi thối. Ông Cừ vui mừng: “Chăn nuôi bao nhiêu năm rồi nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy “dễ thở” như thế này. Đón khách đến nhà cũng không còn ngại ngần vì mùi khó chịu nữa”.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 137 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng từ 1.000 – 8.000 con, trong đó trang trại trong khu dân cư là 94, ngoài khu dân cư là 43. Theo ông Nguyễn Mạnh Định, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh thì áp dụng mô hình đệm lót sinh học cho nuôi gà đẻ là rất phù hợp và việc nhân rộng mô hình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi, giảm các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thống kê sơ bộ của Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh, tại Bắc Ninh hiện có 120 mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học với khoảng 80.000 con gà, 500 con lợn. Theo chính sách mới của tỉnh, các hộ chăn nuôi sẽ được hưởng hỗ trợ đến 50% giá trị cho một lần làm đệm lót sinh học. Đây là động lực để các hộ đầu tư áp dụng biện pháp xử lý môi trường hiệu quả, an toàn và kinh tế này.