Mô hình nuôi gà thả vườn hiệu quả
Năm 1990, vợ chồng ông Nguyễn Đăng Ánh đang sinh sống tại Đông Hà dắt díu nhau về quê tại thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), mong tìm được công việc phù hợp để phát triển kinh tế gia đình nuôi bốn người con đang tuổi ăn, tuổi học.
Điều kiện thuận lợi nhất đối với gia đình ông Nguyễn Đăng Ánh ở quê là diện tích đất vườn khá rộng, nên ông nghiên cứu kỹ mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Ngoài tìm đọc tài liệu, xem ti vi, năm 2008 ông còn tìm đến gia đình ông Đào Văn Thích ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình để học hỏi kinh nghiệm nuôi gà thả vườn. Đồng thời ông sắp xếp cho con trai út là Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1983) theo học ở Trường Trung cấp Nông nghiệp tại huyện Gio Linh. Sau khi ông và con trai đã có một số kiến thức về chăn nuôi gà, năm 2009 ông Ánh vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng để bắt tay vào xây một chuồng nuôi gà, vay thêm anh em, bạn bè hàng chục triệu đồng mua giống và thức ăn. Do chưa có kinh nghiệm nên năm nuôi gà đầu tiên của gia đình mọi chi phí đều cao, lại không có đầu ra ổn định, dẫn đến thua lỗ nặng. Không nản chí, năm 2011 ông tiếp tục vay vốn 100 triệu đồng, xây thêm hai chuồng mới với tổng diện tích gần 140 mét vuông để nuôi 1.600 con gà. Để có gà xuất chuồng liên tục, ông nuôi ba lứa khác nhau, kết quả đến cuối năm 2011 gia đình ông đã bắt đầu có gà xuất bán. Thường sau khi gà xuất chuồng, ông để chuồng trống khoảng một tháng để làm vệ sinh, sửa sang chuẩn bị nuôi lứa tiếp theo. Cứ thế từ năm 2012 đến nay trong chuồng của gia đình ông luôn có từ 2.000- 3.000 con gà, tạo được việc làm thường xuyên cho 4 lao động trong gia đình. Theo tính toán của ông Ánh, mỗi năm gia đình ông có doanh thu từ chăn nuôi gà khoảng gần 200 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi gần 86 triệu đồng.
Trại nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Đăng Ánh
Sau 5 năm từ 2011 đến nay, nhận thấy nuôi gà thả vườn đem lại hiệu quả cao, ông Nguyễn Đăng Ánh tiếp tục duy trì và phát triển thêm đàn. Điều ông rút ra được kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, đó là luôn chủ động và thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh chuồng trại, áp dụng đệm lót sinh học để lợi công dọn chuồng và để gà không mắc bệnh, với việc làm này mỗi năm giảm chi phí được 4 triệu đồng. Mặt khác không dùng bột ăn công nghiệp 100% mà chỉ ở tỷ lệ khoảng 25% trộn với bột cám, bột ngô, từ cách pha trộn này mỗi năm làm lợi từ thức ăn cho gà khoảng 20- 30 triệu đồng. Đồng thời trong vườn ông trồng thêm các loại cỏ, chuối cho gà ăn nhằm tăng thêm chất xơ để tiêu hóa tốt. Nhờ làm tốt từ khâu chọn giống đến chế biến thức ăn, làm vệ sinh chuồng trại đã góp phần làm giảm giá thành, chất lượng thịt gà lại thơm ngon, lông gà mịn màng, đẹp mắt nên sản phẩm chăn nuôi của ông đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và có thị trường xuất bán ổn định.
Ngoài chăn nuôi gà thịt, gia đình ông Nguyễn Đăng Ánh còn gieo trồng 8 sào ruộng lúa 2 vụ, 8 sào đất trồng màu gồm ném, sắn, 1,5 ha đất rừng trồng cây tràm hoa vàng, đào 1.000 mét vuông ao nuôi cá các loại, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng.
Để khắc phục khó khăn lớn nhất hiện nay trong chăn nuôi là phải nhập giống gà ở xa, tận Hải Phòng, ông Nguyễn Đăng Ánh đang có dự định sẽ hoàn thiện và mở rộng trang trại với mô hình khép kín để nuôi gà đẻ lấy trứng, mở lò ấp gà giống nhằm đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của gia đình và người dân trong vùng.
Với những việc đã làm được trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, năm 2015 ông Nguyễn Đăng Ánh được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Nguồn: nghenong.com