Nhiều mô hình nuôi Gà mang lại hiệu quả kinh tế tại Nho Quan (Ninh Bình)

Với lợi thế địa hình bán sơn địa rộng lớn, huyện Nho Quan (Ninh Bình) là địa phương có điều kiện phát triển kinh tế vườn – đồi, trong đó có các mô hình nuôi gà đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế hộ gia đình.

Đây là một trong các hướng đi mà các cấp hội, đoàn thể ở huyện miền núi này gây dựng phong trào để cùng nhau xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho các hội viên.

Nhiều mô hình nuôi Gà mang lại hiệu quả kinh tế tại Nho Quan (Ninh Bình) - T5 chu thich trong bai

Thăm mô hình nuôi gà ri lai chọi thả vườn của anh Nguyễn Mạnh Hùng, xã Thạch Bình (Nho Quan – Ninh Bình) – Ảnh: Đinh Duy

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Nho Quan cho biết: Toàn huyện có 22.700 hội viên sinh hoạt tham gia sản xuất ở 27 xã, thị trấn. Nguồn thu nhập từ cấy lúa, trồng rừng chưa thể thoát nghèo và nâng cao mức sống được. Nhằm hỗ trợ bà con nông dân phát triển kinh tế tại địa phương, năm 2015, Sở NN&PTNT đã phối hợp Hội Nông dân tỉnh, Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật và tại chức Ninh Bình tổ chức các lớp đào tạo nghề nuôi gà thả vườn cho nông dân các xã: Văn Phú và Phú Sơn, huyện Nho Quan.

Trong thời gian 2 tháng học nghề, các học viên được truyền đạt những kiến thức cơ bản về kỹ thuật nuôi gà thả vườn như: Kỹ thuật úm, chăm sóc gà, phương pháp phòng chống dịch bệnh, nguồn thức ăn để có sản phẩm gà sạch, chất lượng tốt. Với kiến thức được truyền đạt, các học viên sẽ thực hành nuôi gà tại gia đình.

Cùng với đó là được hỗ trợ về giống, thức ăn, vắc xin phòng bệnh cho đàn gà, chăm sóc, nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật. Qua thực tiễn, đã xuất hiện mô hình nuôi gà ở xã Văn Phú, xã Phú Sơn cho hiệu quả rõ rệt. Nhiều hộ đã nuôi tiếp lứa thứ 2, thứ 3 và phát triển đàn gà quy mô lớn từ 3 trăm đến 8 trăm con và đang từng bước xây dựng thương hiệu gà sạch.

Còn mô hình nuôi gà Đông Tảo ở xã Đồng Phong đang được chị em hội viên phụ nữ tập trung phát triển, mang lại giá trị kinh tế ổn định không chỉ cho gia đình, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Giống gà này đã đem lại lợi nhuận cũng như giá trị kinh tế cao với thu nhập hàng chục triệu đồng đến trên một trăm triệu đồng mỗi năm. Từ chỗ có 2 hộ gia đình hội viên phụ nữ đầu tư phát triển mô hình này, đến nay toàn hội đã có trên 10 hộ tham gia sản xuất.

Để mô hình nuôi gà Đông Tảo được phát triển và nhân rộng trong việc phát triển kinh tế gia đình của hội viên phụ nữ, Hội phụ nữ xã Đồng Phong đang đưa ra nhiều giải pháp giúp đỡ các hội viên, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật qua các lớp tập huấn phối hợp với các cấp, hội đoàn thể của tỉnh và huyện Nho Quan.

Bên cạnh đó, cấp hội ở Đồng Phong tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn vay thông qua các kênh từ ngân hàng chính sách xã hội và các nguồn vốn khác để chị em phụ nữ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi gà Đông Tảo và tiến tới xây dựng thương hiệu con nuôi đặc sản – gà Đông Tảo tại địa phương. Hiện nay việc nuôi gà Đông Tảo đang được nhiều gia đình hội viên phụ nữ xã Đồng Phong quan tâm.

Nhờ nuôi gà siêu trứng, ở xã Gia Lâm có một điển hình “dám nghĩ, dám làm” vươn lên làm giàu. Được biết, trước khi nuôi gà siêu trứng, gia đình ông Bùi Văn Quế ở xóm 7, xã Gia Lâm mở trang trại nuôi vịt và gà thương phẩm với quy mô nhỏ nên lợi nhuận chăn nuôi không đáng kể.

Đầu năm 2015, hưởng ứng chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình trang trại của địa phương, ông Quế đã thực hiện việc dồn đổi ruộng đất của gia đình về một khu để cải tạo và quy hoạch trang trại với quy mô trên 2 nghìn m2 để nuôi gà giống Ai Cập siêu trứng. Đây là giống gà có nhiều ưu điểm như: ít bệnh, dễ nuôi và năng suất trứng cao.

Để chăn nuôi đạt hiệu quả, hệ thống chuồng nuôi gà được gia đình thiết kế quy mô công nghiệp, có hệ thống chiếu sáng, thông gió để luôn duy trì nhiệt độ phù hợp và hệ thống cung cấp nước uống tự động. Với cách thiết kế này, không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường mà còn hạn chế được dịch bệnh cho gà.

Ngoài ra, việc cho ăn đúng khẩu phần và tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin là một yếu tố quan trọng để thành công trong chăn nuôi.

Trang trại gà siêu trứng của ông Quế đang có 15 nghìn con, trong đó có 10 nghìn con gà đẻ và 5 nghìn con gà sắp đến giai đoạn sinh sản. Trung bình mỗi ngày ông thu khoảng 8 nghìn quả trứng với giá bán trung bình từ 1 nghìn đồng đến 1,7 nghìn đồng/quả.

Hiện trang trại của ông Quế đã trở thành địa chỉ uy tín cung cấp trứng gia cầm cho các thương lái trên địa bàn và các địa phương lân cận. Nhờ có đầu ra và giá cả ổn định, năm 2015, trừ các khoản chi phí cho thu lãi 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình mà ông còn tạo việc làm ổn định cho 12 lao động địa phương.

“Khi phong trào đã phát triển, mong muốn của các hộ dân là được tạo điều kiện về vốn, đầu ra cho sản phẩm. Các cấp Hội từ tỉnh đến địa phương phát huy vai trò định hướng thông tin, hướng dẫn các hộ dân ở các khu vực thực hiện liên kết, hình thành các tổ hợp tác để đăng ký thương hiệu sản phẩm, tạo điều kiện phát triển hơn nữa các sản phẩm gà” – đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Nho Quan chia sẻ.

Nguồn: Báo Ninh Bình

 

Thảo luận cho bài: Nhiều mô hình nuôi Gà mang lại hiệu quả kinh tế tại Nho Quan (Ninh Bình)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *