Nuôi Gà thả vườn cần chuẩn bị những gì?

Nuôi gà thả vườn cần chuẩn bị những gì?

1. Lựa chọn địa điểm nuôi gà thả vườn

+ Không xây dựng trại nuôi gà thả vườn ở gần đường giao thông và nơi có đông người sinh hoạt như trường học, khu dân cư, công sở và nơi có nhiều mầm bệnh khó kiểm soát như chợ, khu chế biến sản phẩm chăn nuôi, nơi giết mổ gia súc gia cầm.

+ Có đủ diện tích đất để xây dựng khu chuồng nuôi và khu vực phụ trợ gồm nhà ở, kho chứa, nơi vệ sinh trước khi vào chăn nuôi. Hai khu vực này cách xa tối thiểu 15m. Trong khu chuồng nuôi nếu làm nhiều chuồng thì cự ly mỗi chuồng cách nhau tối thiểu 15m, nơi chứa phân và xử lý xác chết đặt ở trong khu chăn nuôi và cách chuồng nuôi tối thiểu 20 – 30m.

+ Xung quanh khu vực chăn nuôi gà thả vườn phải có tường rào kín ngăn cách với bên ngoài đảm bảo các gia súc khác và người lạ không vào được trong trại.

2. Thiết kế chuồng nuôi gà thả vườn, khu phụ trợ và các dụng cụ cần thiết

+ Chuồng nuôi gà thả vườn làm theo kiểu thông thoáng tự nhiên với kích thước: chiều rộng 6 – 9 m,  chiều cao tính từ đầu kèo tới mặt nền chuồng 3 – 3,5m, chiều dài tùy ý nhưng ngăn thành ô, đảm bảo mỗi ô có thể nuôi từ 500 – 1000 gà có độ tuổi 4-5 tháng. Mái chuồng lợp các vật liệu(ngói, tôn, lá tùy ý). Nền chuồng đầm kỹ, láng xi măng cát có độ dốc thoải dễ thoát nước khi rửa nền sau khi bán gà.

Xung quanh chuồng xây tường bao cao 40cm, phần còn lại căng lưới B40 hoặc đan phên tre để có độ thoáng, bên ngoài căng bạt che gió và chắn mưa hắt. Có hiên rộng 1-1,2m, trước hiên làm rãnh nước. Phía trước mỗi cửa ra vào xây hố sát trùng. Diện tích chuồng đảm bảo nuôi nhốt được khi không thể thả gà ra ngoài với mật độ nuôi từ 6-7 con/m2(nuôi 1000 gà thì phải có diện tích chuồng rộng từ 150 – 170m2)

+ Nếu nuôi gối 1,5 tháng 1 lứa thì phải có 02 chuồng, nuôi gối 2,5 tháng 1 lứa thì phải có 02 chuồng

+ Vườn thả có thể là vườn phẳng hoặc sử dụng vườn đồi. Xung quanh vườn phải rào chắn đảm bảo gà khi thả không bay hoặc chui ra ngoài. Diện tích thả tối thiểu 1m2/con, nhưng không thả quá 2m2/con. Vườn thả phải san lấp phẳng không tạo thành vũng nước sau mưa, trong vườn không có nhiều cây bụi.

Cần trồng cây ăn quả tạo bóng mát ở vườn, dành diện tích tạo các hố tắm cát trong vườn cho gà, mỗi hố dài 15m, rộng 4m, sâu 0,3m có thể đủ cho 1000 gà tắm cát (có thể làm 1 hố hoặc chia thành 2 hố tủy theo không gian vườn). Nếu có diện tích vườn thả được 5m2/con, cần chia thành 03 ô, mỗi ô rào lưới ngăn cách để thả được 1,5m2/con và áp dụng theo phương pháp chăn thả luân phiên theo từng ô (mỗi tháng thả vào 1 ô vườn, ô còn lại vệ sinh sát trùng)

+ Dụng cụ chăn nuôi (máng ăn, máng uống, quây úm, chụp sưởi…) và các dụng cụ khác (xẻng, xô, thúng, bình phun sát trùng…) đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi và phù hợp với lứa tuổi gà, không dùng chung lẫn lộn với các mục đích khác, các dụng cụ đảm bảo dễ vệ sinh và tẩy rửa sát trùng sau mỗi lần sử dụng

+ Khu phụ trợ bao gồm nhà ở, kho chứa nguyên vật liệu, nơi vệ sinh trước khi vào chăn nuôi phải đặt riêng bên ngoài khu chuồng nuôi và cần có hàng rào ngăn cách 2 khu với nhau. Kho chứa thức ăn phải có nền cao ráo, thông thoáng, không dột hoặc mưa hắt vào và có các kệ kê để bảo quản. Phải bố trí phòng hoặc một chỗ riêng đảm bảo khô, sạch, thoáng để thuốc thú y (thuốc thú y để trên giá sạch sắp sếp dễ đọc, dễ lấy) và đặt tủ lạnh bảo quản vacxin và một số kháng sinh cần bảo quản lạnh. Phải có phòng vệ sinh tắm rửa thay bảo hộ lao động (quần áo, ủng, khẩu trang, găng tay…) trước khi vào khu vực chuồng nuôi

3. Con giống

+ Lựa chọn nuôi các giống gà như gà Mía, hoặc các gà lai như gà Mía × Lương phượng, gà Lạc thủy × Lương phượng, gà Ri × Lương phượng….

+ Gà giống 01 ngày tuổi khi nhập nuôi phải có hồ sơ nguồn gốc đầy đủ từ nơi bán (hóa đơn, giấy kiểm dịch thú y). Con giống phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn giống (đặc điểm màu lông, màu da chân, trạng thái sức khỏe và không có dị tật)

+ Con giống nhập về nếu trong khu chăn nuôi có gà đang nuôi thì phải nuôi cách ly tại chuồng tân đáo ít nhất 2 tuần theo dõi, đảm bảo an toàn mới đưa vào chuồng nuôi chính

4. Thức ăn nuôi gà thả vườn

+ Thức ăn và nguyên liệu thức ăn (ngô, cám gạo, thóc, khô dầu, bột cá, bột vitamin, , bột xương, khoáng) khi sử dụng phải đảm bảo không mốc, không vón cục, không lẫn tạp chất

+ Thức ăn hỗn hợp viên phải có nhãn mác rõ ràng và còn hạn sử dụng. Nên sử dụng thức ăn của các hãng sản xuất có tín nhiệm trên thị trường

+ Khi bảo quản trong kho, thức ăn hỗn hợp và nguyên liệu thức ăn phải xếp riêng từng loại và có kệ kê cao cách mặt nền 20cm và cách tường 20cm. Không để thuốc sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật và xăng, dầu trong kho chứa thức ăn chăn nuôi

5. Nước uống nuôi gà thả vườn

+ Nguồn nước uống có thể lấy từ giếng khoan, giếng đào, nước máy công cộng. Không sử dụng nguồn nước từ sông , suối, ao hồ

+ Nước giếng phải được kiểm tra phân tích để đảm bảo nước sạch không có vi khuẩn gây hại như E coli, Coliform và không có kim loại nặng gây độc như thủy ngân, chì, thạch tín và sắt. Nếu sử dụng thì phải có các thiết bị lọc kim loại nặng và sát khuẩn

+ Nước dùng phải chứa trong bồn hoặc trong bể có nắp đậy và dẫn vào chuồng nuôi bằng hệ thống ống nhựa đảm bảo chắc chắn, an toàn

+ Nước rửa chuồng, làm mát chuồng, rửa dụng cụ phải sử dụng nước giếng hoặc nước máy, không sử dụng nước từ ao hồ bên ngoài

6. Vệ sinh thú y

+ Phải thực hiện triệt để mặc bảo hộ lao động khi vào khu chăn nuôi xc(có quần áo mặc riêng, đi ủng, đội mũ)

+ Hố sát trùng trước cửa chuồng thường xuyên có vôi bột hoặc các chất sát trùng phù hợp

+ Đình kỳ phun sát trùng xung quanh khu chăn nuôi (1 tuần/lần hoặc muộn hơn) tùy theo tình hình dịch tễ

+ Thực hiện sát trùng chuồng nuôi, dụng cụ, thiết bị trước khi chăn nuôi, trong khi chăn nuôi và sau khi bán sản phẩm hoặc di chuyển đàn gà sang các nơi khác

+ Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho gà (marek, newcatson, gumboro, viêm phế quản truyền nhiễm, cúm gia cầm, đậu gà) theo lịch hướng dẫn

+ Mở sổ ghi chép lịch tiêm phòng, và sử dụng thuốc kháng sinh

7. Quản lý chất thải và xác chết

+ Bố trí một nơi riêng ở cuối khu chăn nuôi để làm nhà chứa phân được lợp mái, xây tường bao, nền láng xi măng đảm bảo chất thải không tràn ra ngoài gây ô nhiễm. nếu sử dụng thì phải ủ nhiệt sinh học

+ Sát nơi chứa phân bố trí nơi mổ khám xác gà chết và tiêu hủy (nên xây 1 bể chứa dung tích 0,5 – 1m3, hình chữ nhật và có 2/3 chiều cao bể nằm chìm dưới đất, bể có nắp đậy kín và khoét 1 lỗ để đưa xác chết vào, hàng tuần mở nắp bể phun sát trùng diệt khuẩn. Tuyệt đối không chôn lấp xác gà chết ngoài vườn hoặc vứt ra môi trường xung quanh

+ Các chất thải khác như ni lông, bơm tiêm, chai lọ dựng thuốc, đựng vacxin tập kết vào nơi quy định để tiêu hủy

+ Nước rửa chuồng phải chảy theo cống gom vào bể chứa, không xả tràn lan ra vườn

8. Ghi chép số liệu

Thiết lập các sổ ghi chép như sau

+ Sổ ghi chép đầu con hàng ngày

+ Sổ theo dõi tiêm phòng và điều trị bệnh

+ Sổ nhập xuất thức ăn và các vật tư khác (con giống, thuốc thú y, dụng cụ, điện)

+ Sổ xuất bán sản phẩm chăn nuôi(phân bón, gà thịt)

9. Xây dựng kế hoạch chăn nuôi:

Lập kế hoạch chăn nuôi gồm: Xác định thời điểm nhập gà nuôi, tu sửa chuồng trại, dụng cụ và chuẩn bị kinh phí mua con giống, thức ăn, thuốc thú y

+ Xác định thời gian nhập gà nuôi sẽ căn cứ vào thời điểm bán gà thịt tốt nhất trong năm để tính thời điểm nhập gà con bắt đầu nuôi. Cách tính lấy thời điểm bán gà thịt trừ lùi đi từ 4,5 đến 5 tháng là thời gian nuôi gà thịt, kết quả sẽ là thời điểm nhập gà nuôi, ví dụ bán gà tháng 11 thì nhập gà nuôi tháng 6 (11 – 5 = 6).

+ Kiểm tra lại chuồng nuôi, kho chứa, dụng cụ, trang thiết bị để tu bổ, sửa chữa và phun sát trùng trước khi nhập gà vào nuôi từ 30 – 40 ngày

+ Chuẩn bị tiền vốn mua vật tư gồm con giống, thức ăn, thuốc thú y và tối thiểu phải có 35% tổng kinh phí đầu tư ban đầu. Kinh phí sẽ căn cứ vào đơn giá và số lượng con giống mua, đơn giá và lượng thức ăn của gà theo nhu cầu toàn giai đoạn, thuốc thú y và vacxin

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Nuôi Gà thả vườn cần chuẩn bị những gì?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *