Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Ninh Thuận đang triển khai Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm thịt cừu ”và cùng cơ quan chức năng chỉ đạo các địa phương tăng cường Chương trình lai tạo giống cừu Dorper và White Sufflk của Australia có khả năng kháng bệnh cao, tăng trọng nhanh, cho nhiều thịt.
Tạo dựng thương hiệu
Hiện, Ninh Thuận có tổng đàn cừu lớn nhất nước, gần 87 ngàn con, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh này, đến năm 2020 quy mô đàn cừu lên đến 190 ngàn con.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở KH&CN Ninh Thuận, Chủ nhiệm Dự án, cho biết: Ninh Thuận có nhiều mặt hàng thực phẩm đặc thù, nhưng thịt cừu vẫn nổi trội hơn cả. Trải qua hàng trăm năm chọn lọc của tự nhiên, mới hình thành nên sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến.
Việc “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm thịt cừu” cùng với lập kế hoạch phát triển, quảng bá Chỉ dẫn địa lý là việc làm hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, giúp nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh, góp phần đưa thịt cừu đến với các vùng miền trên cả nước, tạo tiền đề cho xuất khẩu trong tương lai. Theo đó, thời gian thực hiện Dự án là 13 tháng (từ tháng 12 – 2014 đến tháng 12- 2015), gồm các nội dung chính: Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc đăng ký chỉ dẫn; xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn; các điều kiện phục vụ cho công tác quản lý như hệ thống logo, bao bì sản phẩm…
Từ tháng 4/2015 đến nay, Sở KH&CN Ninh Thuận đã phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, Hội Nông dân các xã tiến hành điều tra, thu thập thông tin liên quan tới vùng địa danh và uy tín, chất lượng của sản phẩm, đánh giá sơ bộ giá trị kinh tế cũng như xã hội sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận; hiện trạng chăn nuôi và cung cấp thịt cừu. Trên cở sở các thông tin thu thập được, Sở KH&CN đã xây dựng các loại bản đồ xác định vùng Chỉ dẫn địa lý, phân tích chất lượng cho xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký Chỉ dẫn địa lý.
Kết quả phân tích cho thấy, chất lượng sản phẩm thịt cừu ở Ninh Thuận có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với cừu ở nhiều nơi khác. Theo các nhà khoa học, yếu tố làm nên sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận đạt chất lượng cao đó là nhờ được chăn thả trong môi trường tự nhiên với đặc thù khí hậu nắng gió quanh năm mà nhiều nơi khác không có được. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm.
Tạo dựng niềm tin cho người chăn nuôi
Người dân Ninh Thuận chăn nuôi cừu từ lâu nhưng vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của cơ quan chức năng. Đầu năm, giá thịt cừu rớt, nhiều người phải bán tháo đàn cừu. Nguyên nhân do không đủ sức lo thức ăn cho cừu lúc khô hạn. Khoảng 1.500 gia súc, chủ yếu là cừu đã chết do thiếu thức ăn và nước uống. Do đó, dự án trên cho thấy sự quan tâm của các cơ quan quản lý với ngành nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận và giúp người chăn nuôi thêm vững tin tiếp tục phát triển nghề nuôi cừu khi sản phẩm được tạo dựng thương hiệu riêng.
Hiện, Dự án đang tiếp tục tổng hợp phân tích, đánh giá về điều kiện tự nhiên vùng chăn nuôi; đặc điểm nguồn gốc thức ăn, sinh trưởng và phát triển, giống, chăm sóc cừu thịt. Phân tích, mô tả chất lượng sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận so sánh với cừu các vùng đối chứng. Nói về triển vọng của Dự án, Tiến sĩ Phạm Khắc Lâm, tin tưởng: Dự án đang triển khai đúng theo kế hoạch, khi được nghiệm thu cấp bộ vào cuối năm nay kết quả nghiên cứu sẽ có tác động lớn, góp phần nâng cao vị thế sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận trên thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi và các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Dự án tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nông dân tham gia thành lập các nhóm, các HTX, chi hội và hiệp hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm, làm cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất. Dự án cũng sẽ góp phần nâng cao danh tiếng, uy tín, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận trên thị trường; đồng thời, thiết lập được kênh tiêu thụ ổn định, đưa ngành nuôi cừu trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh.
Nguồn: sưu tầm