Phú Yên: Mô hình nuôi vẹm bằng tre

Người dân sống quanh vùng vịnh Xuân Đài, TX.Sông Cầu (Phú Yên) đã có sáng kiến nuôi vẹm xanh bằng tre khá lạ mắt và cho thu nhập cao, trong khi chi phí đầu tư ban đầu rất thấp.

Phú Yên: Mô hình nuôi vẹm bằng tre - 571960c16ea18

Sơn tre để làm dụng cụ nuôi vẹm xanh – Ảnh: Đức Huy

Trong mấy tháng qua, vịnh Xuân Đài bỗng nở rộ chuyện người dân gom cây tre đem về tập kết trước nhà. Cây tre được sơn màu xanh khiến ai cũng tò mò. Lần hỏi thì mới biết, những cây tre đó là dụng cụ dùng để nuôi vẹm xanh, còn người dân dùng sơn xanh sơn lên cây tre để chống mục, cây sẽ có tuổi thọ lâu hơn trong nước mặn.

Cách nuôi lạ

Ông Phan Văn Toàn, một nông dân ở ngã ba Trung Trinh dầm mình dưới nước, tay đang ấn mạnh cây tre xuống lớp bùn dưới vịnh Xuân Đài, nằm cách xa bờ hàng chục mét. Cách cắm cây tre cũng khá đơn giản. Đầu 3 cây tre cột chụp lại, gốc cây rẽ ra thành hình tam giác, kiểu kiềng ba chân và giằng đá để khỏi nổi lên khi bị gió bão lay mạnh.

Trước khi cắm tre, ông Toàn quấn vải mùng giữa thân tre đoạn ngâm dưới nước, chừa trống lại phần gốc cắm dưới bùn và phần ngọn nhô trên mặt nước. Ông Toàn chia sẻ kinh nghiệm: “Sở dĩ phải quấn vải mùng là để có độ nhám cho vẹm bám vào. Đây là nghề mới của người dân ven vịnh Xuân Đài. Những năm gần đây, mỗi khi dùng tre cắm xuống vịnh làm nhà chồ (nhà chòi) quay rớ (quay vó) thì vẹm bám dày nên năm ngoái có người mua tre cắm thử thì nuôi vẹm rất hiệu quả, nên hiện nay hàng trăm người đổ xô mua tre mang về để nuôi vẹm”.

Chi phí thấp, thu nhập cao

Ông Trần Bảy, người dân ở Vũng Mắm đã nuôi vẹm bằng cách này, nhẩm tính: “Chi phí mỗi cây tre chỉ tầm 40.000 đồng, cộng với chi phí quấn vải mùng chừng 50.000 đồng. Năm ngoái, tôi cắm thử 20 cây tre, trung bình mỗi cây tre có 20 – 30 kg vẹm bám vào, thu hoạch bán với giá 20.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi cây tre thu vào giá thấp nhất 400.000 đồng. Chỉ một vụ đã thu hồi vốn, lãi được 300.000 đồng/cây tre. Năm sau thu hoạch bao nhiêu là lãi bấy nhiêu, vì loài này không cho ăn mà chỉ tốn công thăm nom, chăm sóc”. Cách thu hoạch vẹm xanh cũng khá đơn giản. Khi thu hoạch thì bơi thúng chai (thuyền thúng) ra khu vực cắm tre nuôi, nhổ lấy các cây tre gác ngang qua thúng chai, rồi cầm rựa cùn gạt lên lưới để vẹm rơi xuống.

Hiệu quả thấy rõ nên năm nay ông Bảy tiếp tục đầu tư thêm 200 cây tre để cắm tiếp dưới vịnh Xuân Đài. “Với số lượng đó, mỗi vụ tôi sẽ thu nhập trên 80 triệu đồng. Thời gian nuôi loại này cũng ngắn, chỉ cần 10 tháng kể từ khi cắm tre xuống vịnh là vẹm đủ lớn để thu hoạch”, ông Bảy phấn khởi.

Hiện vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha. Hàng ngàn người dân quanh vùng đến đây vừa làm nghề nuôi tôm hùm, vừa nuôi vẹm thì sẽ có nguồn thu khá ổn định. Trong 2 năm gần đây, vẹm xuất hiện nhiều bám vào bờ đá, lồng nuôi tôm hùm. Ông Ngô Xuân Lai, Trưởng trạm Khuyến nông – Khuyến ngư TX.Sông Cầu, cho biết mô hình nuôi vẹm đang phát triển mạnh ở vịnh Xuân Đài. Loại vẹm xanh đang nuôi không có dịch bệnh, trong quá trình nuôi không đầu tư thức ăn, bán được giá nên được nhiều người dân nuôi.

Vẹm vỏ xanh (hay còn gọi là vẹm xanh) có tên khoa học là Perna Viridis, là động vật nhuyễn thể 2 mảnh, sống tự do dọc bờ biển trong môi trường nước có độ mặn dao động từ 20 – 30%, chất đáy là đá, sỏi, san hô… Khi còn nhỏ, vẹm vỏ xanh có vỏ màu xanh, lúc trưởng thành thì vỏ chuyển màu nâu đen.

Theo lương y Huỳnh Thanh Tuấn (Phú Yên), vẹm xanh có tác dụng chống viêm tự nhiên, có lợi cho rối loạn khớp và nhiều bệnh viêm khác. Ngoài hàm lượng vitamin, vẹm xanh cũng rất giàu protein, khoáng chất, các enzyme, vitamin và glycosaminoglycans là các yếu tố quan trọng trong việc hình thành và sửa chữa sụn khớp nên vẹm xanh sẽ giúp cơ thể phục hồi các khớp xương và sụn bị tổn thương, đồng thời cung cấp chondroitin, glucosamine và một số chất dinh dưỡng quan trọng khác cần thiết cho quá trình phục hồi.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Phú Yên: Mô hình nuôi vẹm bằng tre

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *