Hoa quả Trung Quốc tràn lan: Kiểm dịch bằng… cảm quan

Mùa này hoa quả Trung Quốc đang tràn ngập ở thị trường Việt Nam. Điều đáng lưu ý là công tác kiểm dịch hiện chủ yếu thực hiện bằng cảm quan.

Tràn lan mận, đào, dưa vàng Trung Quốc

Dưa lưới vàng Trung Quốc được nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất là tháng 6, tháng 7. Như vậy,  sắp bước vào thời điểm chính vụ dưa lưới vàng Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam.

Hoa quả Trung Quốc tràn lan: Kiểm dịch bằng... cảm quan - hoa20qua20trung20quoc

Hoa quả Trung Quốc được kiểm dịch ngẫu nhiên với tỷ lệ 10 – 20% trước khi thông quan

Chỉ tính riêng Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng VII, ước tính mỗi ngày có khoảng 30 – 40 tấn dưa lưới qua cửa khẩu này.

Còn số liệu do bà Nguyễn Thị Vân Anh, Kỹ thuật viên Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cung cấp thì mỗi năm có khoảng 11.000 tấn được nhập về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh.

Bà Vân Anh cũng cho hay, có những tháng cao điểm, mỗi ngày, có khoảng 90 tấn dưa lưới được nhập về Việt Nam qua cửa khẩu này.

Còn đối với mận, số liệu của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Lạng Sơn) và vùng VIII (Lào Cai), tính từ đầu mùa mận đến cuối mùa mận năm 2015, mận Trung Quốc được nhập về Việt Nam với số lượng 4.206 tấn mận các loại. Trong đó, mận Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Lào Cai là chủ yếu với số lượng khoảng 3.668 tấn.

Kiểm tra ngẫu nhiên 10 – 20% số hàng

Về công tác kiểm dịch, bà Bế Thị Thu Hiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay: “Chúng tôi vẫn gửi mẫu đều đặn về Trung Tâm Khảo nghiệm thuốc Bảo vệ Thực vật, Cục Bảo vệ Thực vật thì tất cả kết quả kiểm nghiệm đều an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”.

Đối với mận Trung Quốc nhập vào Việt Nam, Trạm kiểm dịch Tân Thanh đều lấy mẫu kiểm dịch theo lô như quy định. Theo bà Hiền, các mẫu kiểm dịch đều đạt ngưỡng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, Lạng Sơn cho biết: “Những ngày cuối năm, áp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng hoa quả tươi, mẫu mã đẹp tăng cao; nhất là gần đây hoa quả Trung Quốc trái vụ ồ ạt nhập vào nước ta. Thông thường, các mặt hàng này đều sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để bảo quản nên nguy cơ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tiềm ẩn mất ATTP cao hơn các loại hoa quả chính vụ”.

Ông Trần Văn Hoàng – Trạm trưởng Trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu quốc tế Kim Thành cho hay, việc kiểm tra, kiểm soát ATTP đối với rau, củ quả nhập khẩu qua cửa khẩu Kim Thành vẫn được triển khai nhưng chủ yếu là kiểm tra bằng bộ thử nhanh, còn lấy mẫu gửi về Hà Nội phân tích các chỉ tiêu hóa chất thì do kinh phí có hạn nên đơn vị không làm được thường xuyên mà chỉ theo đợt, kế hoạch.

Được biết, kinh phí để phân tích 1 mẫu trái cây trung bình mất từ 6-7 triệu đồng do ngân sách chi trả và duyệt kế hoạch hàng năm.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là thời gian để có kết quả kiểm tra một mẫu như trên mất tới 5 – 6 ngày. Với thời gian như vậy thì gần như hoa quả đã được tiêu thụ xong.

“Nếu lô hàng nghi ngờ có vấn đề, cơ quan kiểm dịch sẽ lấy mẫu gửi xuống Hà Nội để phân tích, nhưng nhanh nhất cũng phải 5-6 ngày sau mới có kết quả. Hàng hóa trái cây, rau củ tươi của doanh nghiệp không thể lưu giữ lâu. Đến khi có kết quả phân tích dư lượng, nếu lô hàng có vấn đề về ATTP thì cũng không thể truy xuất được lô hàng đó đã tiêu thụ ở đâu và tất nhiên cũng không thể nói chuyện thu hồi”, ông Trần Văn Hoàng nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hà cho hay, lực lượng kiểm dịch tại cửa khẩu vẫn thực hiện kiểm tra, kiểm soát ATTP nhưng hầu hết là bằng cảm quan, cơ quan chức năng kiểm tra trên giấy tờ, quan sát lô hàng và thông quan.

“Việc kiểm tra lấy mẫu tại cửa khẩu chỉ được tiến hành với tần suất ngẫu nhiên từ 10-20% tổng số lô hàng nhập khẩu. Lượng hàng còn lại sẽ được kiểm tra về hồ sơ, nguồn gốc, mẫu mã…”, bà Nguyễn Thị Hà nói.

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Hoa quả Trung Quốc tràn lan: Kiểm dịch bằng… cảm quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *